Đóng góp của An ninh Hương Thủy trong chiến dịch Đợt I giải phóng Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 15:47 03/02/2019
Những năm 1973 - 1974, tình hình chiến trường Trị Thiên hết sức căng thẳng. Địch ra sức củng cố lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở cơ sở. Chúng tăng cường quân sự hóa, cảnh sát hóa tại cơ sở bằng cách mỗi xã thành lập 1 phân chi khu quân sự do 1 tên sĩ quan làm phân chi khu trưởng và 1 cuộc cảnh sát do 1 tên thiếu úy làm Cuộc trưởng; mỗi thôn lập một toán “Nhân quân tự vệ” lực lượng bán vũ trang của ngụy để đàn áp kìm kẹp nhân dân. Chính vì vậy, cuộc chiến đấu trong lòng địch của các chiến sĩ an ninh ngày càng quyết liệt, khó khăn hơn.
(An ninh Hương Thủy: Đ/c Nguyễn Văn Cường (thứ nhất, bên phải), Trần Văn Suyền (thứ nhất, bên phải, hàng thứ 2), Dương Văn Xuân (thứ 2, bên phải, hàng thứ 2)
Thời gian này, An ninh Hương Thủy được tăng cường một số cán bộ công an miền Bắc nhưng quân số chỉ được 15 người. Mặc dù vậy, lãnh đạo đơn vị luôn chủ động trong hoạt động, thường xuyên cử cán bộ trinh sát về các địa bàn trọng điểm để nắm tình hình hoạt động của các tổ chức địch và các đảng phái phản động, xây dựng lực lượng bí mật phục vụ cho công tác trước mắt và lâu dài. Phụ trách địa bàn Khu 1 (gồm các xã Hương Thọ, Nguyên Thủy, Thủy Xuân) là Hoàng Trọng Minh, Nguyễn Thị Sen; Khu 2 và 3 (gồm các xã Mỹ Thủy, Thủy Dương và phía Tây của An Thủy) là Nguyễn Văn Cường, Dương Văn Xuân và Nguyễn Văn Chiến.
Đầu năm 1975, Khu ủy Trị Thiên, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương giải phóng vùng đồng bằng Thừa Thiên, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên. Đây chính là chiến dịch đợt I nhằm giải phóng vùng đồng bằng và nông thôn Thừa Thiên. Thực hiện chủ trương đó, Huyện ủy Hương Thủy đã thành lập các đội công tác vừa làm công tác chính trị, vừa trực tiếp đánh địch nhằm phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ cho nhân dân. Các đội công tác này đều có cán bộ an ninh tham gia.
Rạng sáng ngày 09/3/1975, các đội công tác trên toàn tỉnh đồng loạt nổ súng. Đội công tác xã Hồng Thủy, Thiên Thủy, …(nay là xã Thủy Thanh, Thủy Vân) đánh chiếm được 2 làng Vân Thê và Gia Lê Chánh, bắt sống 3 tên lính ngụy quân. Trận này, đồng chí Nguyễn Sóng- cán bộ an ninh tỉnh hy sinh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - an ninh huyện bị thương. Đội công tác An Thủy (nay là Thủy An) được giao nhiệm vụ đánh chiếm làng An Cựu, nhưng do địch đông ta ít nên không chiếm được làng. Một số đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí an ninh huyện Trần Xuân Nay.
Đêm 10/3/1975, đồng chí Nguyễn Văn Cường - cán bộ trinh sát của An ninh huyện Hương Thủy được sự hỗ trợ của đồng chí Nguyễn Công Luân - giao liên huyện và Nguyễn Minh Diện – bộ đội huyện đã đưa toàn bộ 10 người trong toán “Nhân dân tự vệ” Ấp 4 cùng toàn bộ súng ống do địch trang bị ra vùng giải phóng an toàn. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền giáo dục, giác ngộ của đồng chí Cường và nữ đảng ủy viên Nguyễn Thị Bích đối với toán “Nhân dân tự vệ” Ấp 4 trong thời gian hoạt động bí mật ở Khu 2.
Cũng trong các ngày 08, 09/3/1975, Một đội công tác khác do đồng chí Lê Hữu Tòng – Quyền Huyện đội trưởng trực tiếp chỉ huy, có nhiệm vụ thông đường bắt liên lạc với Sở chỉ huy chiến dịch tại Phú Vang. Đồng chí Viết Kiểu – cán bộ an ninh huyện, người rất am hiểu địa bàn chịu trách nhiệm dẫn đường cho đội công tác. Sau 2 ngày ém quân tại lùm Chánh Đông, xã Minh Thủy, được mẹ Dương Thị Ưa và một số cơ sở khác của an ninh huyện bảo vệ, nuôi dấu, đêm ngày 09/3 rạng sáng ngày 10/3, đội công tác lên đường làm nhiệm vụ. Đến thôn Đông Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, đội vấp phải 1 đại đội lính dù chốt chặn, bị địch đánh bất ngờ nhưng đồng chí Tòng vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn đội nổ súng phản kích, quyết tâm đánh địch mở đường. Đồng chí Võ Hưu hy sinh, Văn Viết Kiều bị thương nhưng ta cũng tiêu diệt được 1 số tên địch và xuyên thủng chốt chặn, bắt liên lạc được với đồng chí Dương Quang Đấu - Tỉnh đội trưởng và là Tư lệnh chiến dịch.
Tổ công tác Hải Thủy và Hưng Lộc (nay là xã Thủy Phù và Lộc Bổn) gồm các đồng chí Võ Xuân Thành (Tổ trưởng), đồng chí Trần Suyền và Nguyễn Văn Thủy đã táo bạo bí mật đột nhập nhà tên Phạm Văn Sau - Thiếu úy cảnh sát ngụy, khống chế giáo dục và cảm hóa tên Sau rồi đánh trả lại vào tổ chức của địch nhằm thu thập tin tức cho ta sau này. Tổ đã mưu trí đưa một số cơ sở bị lộ, thoát khỏi sự truy sát của địch ra vùng giải phóng an toàn, trong đó có mẹ con bà Nguyễn Thị Vang và 3 chị em Lê Thị Gấm,… Trước đó, Tổ cũng đã phối hợp với cán bộ xã Hải Thủy đưa một số thanh niên ra vùng giải phóng tham gia cách mạng như Lê Thị Phương, Lê Thị Đào, Lê Văn Phước, Lê Hồng Phi, Nguyễn Hiệp, Lê Thị Bướm, Lê Thị Tâm, Lê Thị Lan,…
Chiến dịch đợt I giải phóng Thừa Thiên kéo dài từ 08/3 đến 13/3/1975. Tuy kết quả không lớn nhưng ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau chiến dịch, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang tột độ. Chúng tăng cường lùng sục, càn quét, đàn áp quần chúng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man những người tình nghi có liên hệ với cách mạng. Thời gian này, hoạt động của an ninh huyện gặp vô vàn khó khăn nhưng các cán bộ trinh sát vẫn kiên cường bám trụ, bám dân để nắm vững hoạt động của địch, xây dựng lực lượng bí mật phục vụ cho công tác trước mắt và công cuộc giải phóng quê hương Thừa Thiên. Sự hy sinh thầm lặng của các anh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng quê hương.
Nguyễn Văn Cường
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/