In trang

Chương trình xây dựng nông thôn mới: Ghi nhận 2 xã nông thôn mới đầu tiên ở Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 11:22 09/04/2014

Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến năm 2015, sẽ có 30% trong tổng số 92 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 2 xã đạt chuẩn NTM đó là xã Hương Hòa và xã Hương Giang đều thuộc huyện miền núi Nam Đông.

Huyện miền núiNamĐông thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt đầu từ năm 2011, được triển khai 10 xã trên địa bàn. Trong những năm qua, Nam Đông đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí 243 tỷ đồng, trong đó đầu tư giao thông 41 hạng mục với kinh phí 76,83 tỷ đồng, đầu tư y tế 10 hạng mục với kinh phí 11,76 tỷ đồng, đầu tư nước sinh hoạt 4 hạng mục với kinh phí 3,3 tỷ đồng, đầu tư trường học 51 hạng mục với kinh phí 66,87 tỷ đồng...

Đặc biệt, phong trào hiến đất, hoa màu để xây dựng công trình công cộng đã được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, có 211 hộ đóng góp quỹ đất với diện tích 25.135 m2, giá trị đất và hoa màu hơn 590 triệu đồng và 3.635 ngày công lao động hưởng ứng phong trào giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường và làm đường bê tông ngõ xóm...

Đi đầu trong chương trình xây dựng NTM là hai xã Hương Giang và Hương Hòa. Để có được thành công đó, mỗi địa phương có một cách làm riêng, tuy nhiên, yếu tố đem lại thành công là công tác tuyên truyền để người dân tham gia, hưởng ứng, trong đó vai trò của người dân là chủ thể. Qua đó, chính họ sẽ sáng kiến ra những mô hình, giải pháp để cùng với lãnh đạo địa phương hoàn thành kế hoạch đề ra. Đến hai xã Hương Giang, Hương Hòa hôm nay, một điều dễ nhận thấy là điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khá đồng bộ, giao thông nông thôn được kết nối đến tận vùng sản xuất, nhiều nhà văn hóa được xây dựng khang trang, trường học được xây dựng kiên cố và tầng hóa..., nhiều vùng chuyên canh, nông trại, trang trại, gia trại được hình thành, qua đó thu nhập của người dân tăng lên hàng năm.

Ông Nguyễn Hiền - trú tại xã Hương Giang cho biết: Từ khi có cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, trách nhiệm của người dân chúng tôi cao hơn. Chúng tôi vận động nhau hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công lao động để mở đường và qua đó được hưởng lợi từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi, đầu tư hạ tầng từ nguồn kinh phí cấp trên. Đặc biệt, giao thông nông thôn phát triển mạnh, y tế, giáo dục được quan tâm nên đời sống rất thuận lợi.

Bà Nguyên Thị Mai - Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã Hương Giang cho biết: Để có được sự thay đổi của một xã miền núi khang trang như hôm nay là tập hợp được sức mạnh và đồng thuận cao của nhân dân. Việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài và liên tục, chính vì vậy, công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách được địa phương đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng để thay đổi, chuyển biến nhận thức, tư tưởng của người dân.

Đến nay, trên địa bàn xã Hương Giang đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng cho các hạng mục công trình như giao thông, nhà văn hóa, trụ sở UBND, kênh mương, đường vào khu sản xuất, hệ thống nước sạch... Trong đó, những mô hình là điểm sáng của địa phương trong quá trình NTM đó là phòng trào xây dựng môi trường sạch sẽ như: thứ 7 tuần đầu tiên của tháng, các đơn vị, tổ chức huy động cán bộ, CBCNV vệ sinh, tém cỏ lề đường, cắt tỉa hàng rào mà đơn vị mình quản lý; người dân tự nguyện đóng tiền để thắp sáng đèn điện ở cửa ngõ nhà mình mỗi đêm; đánh kẻng ngồi vào góc học tập dành cho các em học sinh (7 giờ tối đánh một hồi kẻng để các em học sinh bắt đầu ngồi vào bàn để học bài) hay xây dựng ngân hàng máu sống trên địa bàn xã để kịp thời cung cấp cho những trường hợp cần máu khẩn cấp trong địa phương và cho cả các địa bàn lận cận, đồng thời xây dựng quỹ khuyến học với hơn 200 triệu đồng/năm...

Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND xã Hương Hòa chia sẻ: Xây dựng NTM là quá trình lâu dài và tùy từng địa phương, nên tận dụng những lợi thế của địa phương sẵn có, cái gì dễ làm trước và người dân là chủ thể của chương trình này. Cũng theo ông Thành, công tác lập quy hoạch là yếu tố then chốt để thực hiện NTM tại địa phương này. Hiện nay trên địa bàn xã đã đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giao thông, quan trọng là giao thông nội đồng và mở rộng địa bàn dân cư. Hương Hòa là một xã miền núi nhưng hiện nay đã có 70% hộ dân sử dụng nước sạch, hộ nghèo giảm còn 1,2%, trên địa bàn không có nhà tạm, nhiều cơ sở sản xuất, gia trại, nông trại được xây dựng và phát triển với những mô hình nuôi bò bán thâm canh, nuôi lợn, xen ghép vườn đồi rất có hiệu quả... thu nhập bình quân 22 triệu/người/năm. Đặc biệt, nhờ công tác dân vận khéo của các cấp, ban ngành nên việc hiến đất, hiến cây trong quá trình xây dựng NTM không đền bù, giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch…

Với những giải pháp sáng tạo, quyết liệt, lãnh đạo và nhân dân đồng tâm hợp lực, hy vọng huyệnNamĐông sẽ là huyện điểm và trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Nguyễn Tuấn