In trang
Bản Ka Lô đổi mới nhờ có sự chung tay của đồn BPCK A Đớt và Đại đội 531.

Chung một đường biên nghĩa tình
Cập nhật lúc : 07:44 03/06/2015

Trong phòng khách của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thừa Thiên Huế treo 2 tấm pano viết lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-va-nu-vông về tình hữu nghị giữa hai nước bằng cả tiếng Việt và tiếng Lào. Những ngôn từ “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng lớn hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm” đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng Việt Nam và Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) hiện thực hóa bằng hành động cụ thể.

Ở Đại đội bảo vệ biên giới 531, có rất nhiều người có mối nhân duyên với ViệtNam. Đó là Chính trị viên đại đội, Đại úy Bun Chiêm, anh đã từng có 5 năm sát cánh cùng BĐBP Thừa Thiên Huế làm công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới, suốt từ Hồng Thủy giáp Quảng Trị đến Hương Nguyên giáp với Quảng Nam. Những ngày gian khổ mưa rừng, cơm vắt ấy đã khiến mọi người gắn bó với nhau hơn. Hay Thiếu úy Malina Vuông Văn Khăm đã có 5 năm học tập tại thành phố Huế và trở thành cử nhân của Đại học Kinh tế Huế.

 

Nhưng người được cán bộ, chiến sĩ đồn BPCK A Đớt nhắc đến nhiều nhất là Trung úy Xổm Say, Đại đội phó Đại đội bảo vệ biên giới 531, bởi anh đã tốt nghiệp tại Học viện Biên phòng, niên khóa 2009-2013. Xổm Say có cha là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 đóng quân ở Bắc Lào. Đã có lần ông kể với anh rằng đơn vị của ông kết nghĩa với một đơn vị quân đội ViệtNamthuộc Quân khu 2. Cũng bởi có mối nhân duyên với ViệtNamnhư vậy, nên Sổm Xay luôn muốn được quen với một cô gái ViệtNam. Có lẽ chính vì vậy mà khi chúng tôi đến thăm đại đội, rất nhiều người có thể vừa múa lăm vông vừa hát những bài hát: Cô gái Sầm Nưa, Việt-Lào Xamakhi... Cuộc vui đang giữa chừng, Trung úy Xổm Say như sực nhớ ra điều gì. Anh liền chạy vào phòng lấy 3 sợi chỉ vàng và nói với tôi rằng: "Trước khi về đây nhận công tác, tôi có vào chùa Sa Khe ở tỉnh Át-ta-pư, ngôi chùa nổi tiếng nhất Nam Lào. Trụ trì đã cho tôi những sợi chỉ này để đến vùng đất mới nhận anh em. Tôi đã buộc chỉ cổ tay với nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Huế, hôm nay, tôi xin được nhận chị là chị của mình”.

 

Nói chuyện muốn lấy vợ người Việt Nam, ở Đại đội 531 còn có Trung úy Un Khăm vốn là người dân tộc Ve ở Quảng Nam. Từ nhỏ, gia đình Un Khăm chuyển sang Lào sinh sống. Năm nay Un Khăm đã 32 tuổi mà chưa lập gia đình. Mới hôm trước, Trung úy Un Khăm sang nhà Thiếu tá A Liêng Hà, Chính trị viên phó đồn BPCK A Đớt chơi và có hỏi rằng, nhà có còn cô gái nào chưa chồng. Mọi người cứ tưởng Trung úy Un Khăm chỉ đùa vui, nhưng Chính trị viên Bun Chiêm bảo: “Có lẽ không phải đùa, vì Un Khăm đã có vợ đâu. Cậu ấy là người Lào nhưng gốc gác lại ở ViệtNamnên nếu lấy vợ người ViệtNamthì cũng bình thường thôi”.

 

Tháng 5-2014, Đại đội bảo vệ biên giới 531 và Đồn BPCK A Đớt tổ chức lễ kết nghĩa. Từ nay, tất cả là anh em một nhà, tình thân lại càng thêm thắm thiết. 18km đường biên giới, 10 cột mốc là tài sản chung mà cả hai bên cùng có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Thượng tá Trần Danh Tuệ, Chính trị viên Đồn BPCK A Đớt cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ với Đại đội 531 trong việc tổ chức tuần tra song phương bảo vệ đường biên, mốc giới hoặc khi có các đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho bản Ka Lô của Lào. Từ khi dựng nhà, xây trường học cho bản Ka Lô, hằng năm Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, Đồn BPCK A Đớt vẫn kêu gọi các cá nhân, đơn vị tài trợ giúp đỡ bản Ka Lô. Việc vận chuyển hàng hóa và đưa các đối tượng này đến thăm bản Ka Lô vẫn phải có sự hỗ trợ rất lớn từ những người lính Đại đội bảo vệ biên giới 531. Việc kết nghĩa giữa hai đơn vị sẽ tạo thêm cơ sở chặt chẽ về mặt pháp lý để hai bên phối hợp tốt hơn”.

 

Thiếu tá A Liêng Hà và Trung úy Sổm Xay với “công trình đoàn kết”.

 

Trong nội dung kết nghĩa, hai bên nhất trí cùng xây dựng một công trình đoàn kết nhằm cụ thể hóa và đánh dấu sự kiện quan trọng này. Ngay sau khi thống nhất, mọi người cùng bắt tay triển khai việc giúp Đại đội 531 phát quang 5ha để trồng rừng và trồng cây lương thực.



Chỉ tay về phía quả đồi sau đơn vị, Trung úy Xổm Say nói: “Mất gần nửa tháng các anh Biên phòng Việt Nam sang giúp chúng tôi chặt cây, phát nương đấy. Với 5ha, đại đội có thể trồng nhiều loại cây lương thực để gây quỹ, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”. Đi ngang qua khu tăng gia, Trung úy Sổm Xay chỉ vào chiếc chuồng nhỏ được đóng bằng gỗ, anh bảo: “Đó là nơi ở của cặp dê đầu tiên được nuôi tại Đại đội 531 và cũng là món quà của Đồn BPCK A Đớt tặng đại đội. Ai cũng thích “món quà biết đi, biết kêu” này”. Sổm Xay cũng kể, lúc cao hứng, rảnh rỗi, mọi người lại tính chuyện xa xôi, nào là khi cặp dê sinh đàn, có thể tặng lại cho bà con trong bản Ka Lô, là nguồn quỹ cho đơn vị vì còn rất nhiều khó khăn, từ nguồn quỹ này có thể mua sắm trang bị thêm cho đơn vị nhiều thứ… Phụ trách mảng hậu cần cho đơn vị nên mỗi lần sang đồn BPCK A Đớt, Trung úy Sổm Xay thường để ý và áp dụng thử mô hình tăng gia của đồn, từ việc nuôi thêm đàn vịt, đàn gà đến việc trồng rau xanh để cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Anh bảo, những điều này anh đã định hình trong những bài giảng về công tác hậu cần từ khi còn ở Học viện Biên phòng.

 

Trên đường về, chúng tôi ghé thăm công trường thi công con đường từ cặp cửa khẩu Tà Vàng-A Đớt về huyện KLừm, tỉnh Sê Kông. Giám đốc công trường là A Thôn, một người đàn ông trung tuổi và rất thông thạo tiếng Việt. Ông bảo: “Con đường về huyện KLừm có nhiều đoạn là Đường Hồ Chí Minh năm xưa, nó được xe tăng, xe vận tải của quân giải phóng lèn nền rất kỹ nên giờ chúng tôi làm rất thuận lợi, nhiều chỗ chỉ phải mở rộng thêm hoặc làm cầu qua suối”. Đây là cung đường ngắn nhất để về tỉnh lỵ Sê Kông, nhưng mỗi khi mưa tới là gần như không thể đi lại bằng xe máy. Bởi vậy mà anh nuôi của Đại đội 531 vẫn phải đi chợ ở A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều thú vị khác nữa là mỗi lần trong đại đội có người đi tranh thủ hoặc đi phép, mọi người lại nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu A Đớt, đi theo Đường Hồ Chí Minh rồi sau đó xuất cảnh qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) để về Sê Kông, từ đó tỏa đi các tỉnh khác…

 

QĐND