Cần siết chặt công tác quản lý người có biểu hiện loạn thần trên địa bàn dân cư
Cập nhật lúc : 20:47 01/03/2024
Thời gian qua, công tác quản lý người bệnh tâm thần cũng như các đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” do sử dụng ma túy trên địa bàn là vấn đề được dư luận thường xuyên quan tâm. Đặc biệt mới đây, sau sự hi sinh của một cán bộ chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ khống chế đối tượng có biểu hiện loạn thần gây rối trật tự, vấn đề lại một lần nữa trở nên nóng hơn, đòi hỏi một giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn để những vụ việc thương tâm tương tự không còn xảy ra.
Một tuần sau vụ việc đối tượng Nguyễn Tấn Sang trong cơn loạn thần đã dùng dao nhọn tấn công khiến cán bộ công an phường là đại úy Trần Duy Hùng hi sinh, người dân tại khu vực đường Lê Đức Anh, phường Thủy Vân, TP Huế vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong câu chuyện của mỗi người, bên cạnh niềm tiếc thương dành cho người chiến sĩ công an đã ngã xuống vì sự bình yên của người dân, vẫn còn đó những nỗi lo khi đối tượng Sang hằng ngày được đánh giá là người ít nói, ít có những biểu hiện hung hăng đối với người xung quanh. Sống chung những đối tượng có biểu hiện tâm thần không ổn định trong khu dân cư, đặc biệt với các gia đình có người già và trẻ nhỏ, chưa bao giờ bất an đến thế. Ông Nguyễn Toàn, Phường Thủy Vân, TP Huế chia sẻ: “Ngoài đối tượng Sang, hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều đối tượng có biểu hiện tâm thần không ổn định, chúng tôi mong muốn có những giải pháp cụ thể để cuộc sống bình yên hơn”.
Giao khoán cho gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú quản lý chỉ có thể được xem là giải pháp tạm thời để tiện theo dõi các vấn đề về bệnh lí, hành vi. Tuy nhiên về lâu dài, đây là một “quả bom nổ chậm” bởi thường ngày các đối tượng có thể hiền lành, nhưng nếu không được quan tâm chăm sóc, điều trị thì khi tái phát bệnh, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, hoặc bị chi phối, kích động có thể trở nên hung hãn, nguy hiểm, không nhận thức, kiểm soát được hành vi dẫn đến các sự vụ đáng tiếc. Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh TT – Huế đề nghị “Đối với các đối tượng có biểu hiện tâm thần không ổn định hoặc có hành vi bất thường gây nguy hiểm cho xã hội, gia đình và chính quyền địa phương cần sớm đưa vào các Trung tâm cai nghiện, điều trị bắt buộc. Ở đây chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”.
Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế là đang đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý gần 600 người khuyết tật đặc biệt nặng, và nặng về thần kinh; các đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh. Dù vẫn đang thực hiện tốt chức năng được giao, tuy nhiên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế lại đang đối diện với nguy cơ "quá tải" trong công tác tiếp nhận và quản lý các nhóm đối tượng này do công suất phục vụ chỉ cho phép khoảng 400 người. Trước tình trạng trên, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và các ban ngành chức năng, một mặt giảm bớt áp lực cho các đơn vị tuyến đầu, bên cạnh đó cần sớm có những quy định, hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương để quản lý tốt hơn các đối tượng này tại địa bàn dân cư. Bà Nguyễn Kim Thành Trí , Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Vân, TP Huế bày tỏ mong muốn:” Các quy định về quản lý đối với đối tượng tâm thần, ngáo đá cần phải được sớm hoàn thiện để làm cơ sở giúp địa phương chủ động trong công tác quản lý. Bên cạnh đó , ở góc độ địa phương, chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quản lý con em của mình, tránh để những trường hợp đáng tiếc xảy ra”. Đồng tình với ý kiến trên, Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh TT – Huế cho biết thêm: “Dù hiện tại trung tâm vẫn đang đối diện với tình trạng “quá tải” tuy nhiên thời gian tới, bên cạnh nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chúng tôi tiếp tục cải thiện chất lượng quá trình điều trị để kịp thời đưa những trường hợp có nhiều chuyển biến tích cực trong điều trị trở về địa phương, qua đó để có thêm chỗ cho các đối tượng mới, đặc biệt là các đối tượng có hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng”.
Trong bối cảnh các quy định về quản lý đối với đối tượng có biểu hiện thần kinh không ổn định vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, hơn lúc nào hết, công tác quản lý người bệnh tâm nhân cũng như các đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” do sử dụng ma túy trong cộng đồng cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương cùng các ban ngành chức năng để tránh những hậu quả đau lòng tái diễn.
Thành Nhân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/