Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan trực thuộc BHXH Việt Nam đặt tại tỉnh, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tính đến 31/8/2018, toàn tỉnh có 119.152 người tham gia BHXH, trong đó có 117.318 người tham gia BHXH bắt buộc và 1.834 người tham gia BHXH tự nguyện; 103.688 người tham gia BHTN; 1.137.270 người tham gia BHYT, chiếm 98,5% dân số (cao hơn tỷ lệ bao phủ cả nước là 87,3% ). Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đang quản lý và chi trả 28.890 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Từ thực tiễn đến nhận thức cải cách hành chính
Việc thực hiện nhiệm vụ mở rộng đối tượng BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi BHXH, BHTN, BHYT của BHXH tỉnh (bao gồm BHXH huyện, thị xã, thành phố) theo kế hoạch hàng năm được giao còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng, loại hình quản lý vô cùng phức tạp, đó là: (1) Quản lý và theo dõi 6.835 tổ chức có quan hệ BHXH, BHYT ; (2) Quản lý, theo dõi chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT của 197 cơ sở KCB BHYT ban đầu, trong đó có 40 đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH tỉnh; (3) Hàng năm, thẩm định, thanh toán hơn 2 triệu lượt KCB nội và ngoại trú (bao gồm ngoại tỉnh) ; (4) Ký hợp đồng, quản lý 154 đại lý (bao gồm Bưu điện tỉnh và Bảo hiểm PVI Huế) thực hiện nhiệm vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và chi trả lương hưu, trợ cấp BHTN ; (5) Hoạt động nghiệp vụ phủ kín tất cả ngày làm việc trong năm, thường gia tăng có tính chu kỳ vào cuối quý, cuối năm, đầu năm (như thẩm định quyết toán BHYT hàng quý, năm; chi trả 2 tháng lương hưu và trợ cấp BHXH vào dịp Tết Nguyên đán; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT trong bối cảnh nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT chưa được khắc phục; gia hạn thẻ BHYT hàng loạt vào đầu năm học, cuối năm tài chính và khi điều chỉnh, bổ sung chính sách BHYT…), đặc biệt vào những thời điểm phải hoàn thành cấp bách một số nhiệm vụ quan trọng của ngành (như tạo lập cơ sở dữ liệu hộ gia đình từ năm 2016 đến nay; thẩm định, cấp và trả Sổ BHXH tận tay người lao động từ năm 2017 đến nay…) đã tạo áp lực rất lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của BHXH tỉnh; (6) Địa bàn thực hiện nhiệm vụ rộng khắp các thôn, xóm của 152 xã, phường, thị trấn.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành đúng thời gian, chất lượng, hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đồng thời đáp ứng sự hài lòng, tin tưởng của tổ chức (bao gồm doanh nghiệp), cá nhân đối với cơ quan BHXH trong việc phục vụ và thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT đòi hỏi lãnh đạo, công chức, viên chức (CC,VC) BHXH tỉnh phải nỗ lực không ngừng trong cải cách hành chính (CCHC). Đây là một trong những nội dung quan trọng gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ; xác định ứng dụng CNTT là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy CCHC. Theo đó, tư duy được thay đổi từ chỗ xem nhẹ sang đặt tổ chức, cá nhân vào vị trí trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu của CCHC và là thước đo quan trọng trong xem xét, đánh giá, sử dụng CC,VC.
Từ thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong nhiều năm qua, BHXH tỉnh nhận thức để CCHC có hiệu quả, sát nhu cầu đời sống xã hội, phù hợp xu thế thời đại số theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo ngành, cần quán triệt một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần nhận thức nhất quán quan điểm bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, BHXH tỉnh đồng thời phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ sau: (1) Thu đúng, thu đủ, không để nợ BHXH, BHTN, BHYT với sự đồng thuận của đơn vị SDLĐ đang tham gia BHXH, BHTN, BHYT; (2) Bảo đảm quyền lợi người lao động trong quan hệ với đơn vị SDLĐ đang nợ BHXH, BHTN, BHYT; (3) Cân đối dự toán quỹ BHYT được giao với quyền lợi của đơn vị KCB BHYT và người tham gia BHYT; (4) Bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH theo quy định của pháp luật với nhu cầu chưa hoặc không hợp lý của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT.
Thứ hai, nhận thức về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ được cung cấp các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT trên cơ sở vận dụng Mô hình đo lường sự hài lòng của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam .
Tổ chức, cá nhân khi đến trực tiếp cơ quan BHXH, Trung tâm hành chính công tỉnh , Trung tâm hành chính công huyện, thị xã, thành phố hoặc giao dịch điện tử (GDĐT) qua môi trường mạng hoặc giao dịch qua dịch vụ bưu chính do Bưu điện thực hiện để thực hiện một thủ tục hành chính (TTHC) nào đó, tổ chức, cá nhân sẽ hình thành trong đầu mục đích của việc thực hiện thủ tục này. Sau khi tiếp nhận dịch vụ, tổ chức, cá nhân mong muốn được thỏa mãn 3 yếu tố: (1) Chất lượng TTHC, bao gồm: công khai đầy đủ các quy định về TTHC, sự đơn giản, dễ thực hiện của hồ sơ TTHC, sự thuận tiện trong thực hiện quy trình giải quyết TTHC; (2) Sự phục vụ của CC,VC cơ quan BHXH hoặc nhân viên Bưu điện, bao gồm: giao tiếp lịch sự, đúng mực, sự tận tình chu đáo, hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu; (3) Kết quả giải quyết TTHC, bao gồm: sự đầy đủ, chính xác của thông tin, số lần đi lại để giải quyết TTHC, đúng hẹn trả kết quả giải quyết TTHC, sự hợp lý của thời gian giải quyết TTHC, chi phí ngoài quy định nếu có, sự hợp lý của các mức phí/lệ phí phải nộp, phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC.
Có thể nói, tổng hòa sự thỏa mãn 3 yếu tố trên chính là sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thụ hưởng các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT.
Thứ ba, phải đáp ứng hạ tầng cơ sở CCHC, đó là: (1) Giảm mạnh TTHC theo hướng giảm và đơn giản hóa TTHC, giảm sự phiền hà cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực chống quan liêu, phòng và chống tham nhũng, lãng phí; (2) Ứng dụng mạnh mẽ các phần mềm dùng chung trong toàn ngành BHXH trên cơ sở dịch vụ Web , triển khai và đẩy mạnh GDĐT thay thế giao dịch giấy truyền thống với mục tiêu 100% đơn vị SDLĐ thực hiện GDĐT, tăng nhanh dịch vụ công từ mức độ 3 lên mức độ 4; (3) Tổ chức phòng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) TTHC; cử, phân công viên chức, nhân viên đủ năng lực và bảo đảm đạo đức công vụ làm việc tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC và tại Trung tâm hành chính công.
Thứ tư, truyền thông để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân ứng xử văn hóa trong quá trình thụ hưởng các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT do ngành BHXH và các ngành liên quan cung cấp. Đây là nội dung có quan hệ nhân quả với nội dung thứ hai nhận thức về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ được cung cấp các dịch vụ BHXH, BHTN, BHYT nêu trên.
Những điểm sáng trong quá trình cải cách hành chính
Với nhận thức trên, những năm qua, BHXH tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong CCHC, đó là:
(1) Về cải cách TTHC: Đã công khai niêm yết bộ TTHC của BHXH Việt Nam đúng quy định tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC BHXH tỉnh và 09 BHXH huyện, thị xã, thành phố. Đăng tải Bộ TTHC lên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Thường xuyên rà soát TTHC để đề xuất BHXH Việt Nam loại bỏ, sửa đổi cho phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đã rút ngắn 1/3 thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục giải quyết chế độ BHXH, BHYT tại BHXH tỉnh (cụ thể: thời gian cấp thẻ BHYT từ 10 ngày giảm xuống 05 ngày, riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; cấp sổ BHXH từ 20 ngày giảm xuống 05 ngày, hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí từ 30 ngày giảm xuống 20 ngày...; giảm từ 115 TTHC xuống còn 28 TTHC tại BHXH tỉnh). Đặc biệt, TTHC cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT được thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả) và giải quyết ngay trong ngày tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của tổ chức, cá nhân.
(2) Đổi mới phương thức giao, nhận TTCH: Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức nhận, trả TTHC như: giao dịch tại Phòng, Bộ phận TN&TKQ TTHC, GDĐT, giao dịch qua dịch vụ chuyển phát bưu chính (không tốn phí). Đa số TTHC được nhận qua GDĐT và trả qua dịch vụ bưu chính, một số ít TTHC do tổ chức và cá nhân đến giao, nhận trực tiếp tại bộ phận TN&TKQ TTHC . Tổ chức, cá nhân từ chỗ giao dịch giấy truyền thống bất tiện, tốn kém thời gian, tiền bạc nay có thể yêu cầu thực hiện TTHC bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng và nhận kết quả giải quyết TTHC ngay tại cơ quan, Đại lý Thu.
(3) Về ứng dụng CNTT: Thực hiện quyết định của BHXH Việt Nam, từ năm 2015, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai GDĐT đến các đơn vị SDLĐ trên địa bàn; tổ chức tập huấn, cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm GDĐT. Bước đầu, BHXH tỉnh vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều tổ chức, thậm chí không cử người tập huấn, thực hiện cài đặt phần mềm và tổ chức GDĐT, BHXH tỉnh phải nhượng bộ và từng bước giải thích, thuyết phục kèm chế tài chỉ tiếp nhận hồ sơ qua GDĐT… Với những nỗ lực không mệt mỏi, đến năm 2017 đã có 100% đơn vị SDLĐ thực hiện GDĐT. Nhiều đơn vị SDLĐ đến nay mới thấy lợi ích của GDĐT và tâm tư: “GDĐT là giao dịch trong môi trường minh bạch, không có sách nhiễu, cửa quyền, quyền lợi của người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tiết kiệm chi phí và thời gian cho đơn vị sử dụng lao động…”. Tất nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn như: Phần mềm GDĐT chưa cập nhật kịp thời biểu mẫu TTHC, đường truyền mạng gặp sự cố nên TTHC không đến được cơ quan BHXH, hệ thống máy chủ quá tải… Đến nay các hạn chế đã được khắc phục và hệ thống thông tin TNHS&TKQ TTHC của ngành (bao gồm phần mềm, phần cứng…) đã trở thành kênh lưu thông TTHC GDĐT như một động mạch chủ trên môi trường mạng 24/7.
Để giải quyết các TTHC (bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt, giải quyết, chuyển trả), ngoài hệ thống phần mềm TN&TKQ TTHC, BHXH tỉnh còn phải sử dụng một loạt hệ thống các phần mềm dùng chung khác của ngành như: (1) Hệ thống phần mềm TST phục vụ công tác quản lý thu, cấp sổ thẻ; (2) Hệ thống quản lý chính sách TCS phục vụ công tác xét duyệt, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; (3) Hệ thống thông tin Giám định BHYT phục vụ công tác cập nhật dữ liệu KCB và giám định, quyết toán KCB BHYT; (4) Hệ thống giám sát BHYT phục vụ công tác giám định; (5) Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác quản lý văn bản và điều hành toàn ngành; (6) Hệ thống thư điện tử BHXH phục vụ giao dịch thư điện tử công vụ. Thông qua tác nghiệp của CC,VC trên các hệ thống phần mềm, các TTHC được giải quyết kịp thời, chính xác, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, bằng nguồn lực hạn chế của mình, năm 2008, BHXH tỉnh đã xin phép BHXH Việt Nam và tự xây dựng Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh (địa chỉ http://bhxhthuathienhue.vn/ hoặc http://bhxhthuathienhue.org.vn/). Từ vài Modul ít ỏi và những chuyên mục hạn chế, đến nay, Trang TTĐT BHXH tỉnh (bao gồm Trang nội bộ) đã cung cấp đầy đủ các thông tin, hệ thống văn bản về chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT, các danh mục BHXH, BHYT, danh sách đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT, thông tin hướng dẫn GDĐT, công khai bộ TTHC, đặc biệt là tổ chức chuyên mục hỏi đáp (đã có hàng nghìn lượt hỏi, trả lời cho tổ chức, cá nhân) được tổ chức, cá nhân đồng tình, ủng hộ; đến nay có hơn 2,5 triệu lượt truy cập trang. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, BHXH tỉnh đã xây dựng Trang thông tin nội bộ với nhiều chức năng như: chỉ đạo điều hành của lãnh đạo BHXH tỉnh; chuyên trang hoạt động Đảng, các đoàn thể; chấm công; thi đua khen thưởng; lịch công tác tuần, tháng; hoạt động giao ban tháng, quý; quản lý CC,VC; quản lý ISO; hướng dẫn nghiệp vụ…
Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/7/2018, CCHC được tiếp sức bởi cú hích mới từ việc thực hiện chữ ký số đối với các hoạt động nghiệp vụ và ban hành văn bản chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, viên chức BHXH tỉnh trên các phần mềm. Theo đó, thời gian từ lúc dự thảo, trình ký, ký số, ban hành văn bản lên môi trường mạng chỉ từ 3 đến 5 phút. Những người làm BHXH hết sức vui mừng vì những nỗ lực của toàn ngành đến hôm nay đã được đền đáp; tổ chức, cá nhân có quan hệ ngành BHXH cũng chia sẻ và đánh giá cao thay đổi đó.
(4) BHXH tỉnh đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuyển đổi tác phong từ hành chính sang phục vụ tổ chức, cá nhân, tạo chuyển biến tích cực trong CCHC; tạo niềm tin đối với tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với cơ quan BHXH để giải quyết TTHC.
BHXH nghiêm túc việc tiếp nhận và trân trọng những ý kiến của tổ chức, cá nhân phản ánh việc thực hiện các TTHC cũng như thái độ, trách nhiệm của CC,VC trong quá trình thực thi công vụ. Với thái độ cầu thị, lãnh đạo BHXH tỉnh đã xin lỗi công dân trước một số hội nghị đối thoại với dân và chính quyền địa phương về thiếu sót của viên chức dưới quyền trong quá trình thực hiện công vụ. Đặc biệt, vào tháng 5 năm 2018, cũng là lần đầu tiên – mặc dù còn khó khăn, lãnh đạo BHXH tỉnh đã có thư xin lỗi công dân vì trả hồ sơ chậm so với giấy hẹn . Với ý thức nhận lỗi trước tổ chức, cá nhân khi làm sai, làm chưa đúng đã hình thành nên văn hóa ứng xử của CC,VC BHXH tỉnh, làm cho tổ chức, cá nhân tin tưởng nhiều hơn vào cơ quan BHXH.
(5) Truyền thông và hiệu ứng lan tỏa.
Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhóm đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chỉ chiếm tỷ lệ 38,9% , thấp hơn so với các tỉnh vùng núi, vùng cao (Tây Bắc bộ, Tây nguyên…), nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT tỉnh Thừa Thiên Huế đều ổn định từ 97% - 98% trong 3 năm trở lại đây là nhờ cả quá trình nỗ lực tuyên truyền, vận động BHYT của lãnh đạo và viên chức BHXH tỉnh từ nhiều năm trước đó.
Rút kinh nghiệm từ cách truyền thông trước đây trong vận động tham gia BHYT hộ gia đình (lúc đó đang là hình thức tự nguyện), từ năm 2017 đến nay, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông BHXH tự nguyện dưới các hình thức như: phối hợp Hội Nông dân, Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hoặc chủ động phối hợp UBND xã, phường, thị trấn tổ chức gần 100 hội nghị ở cơ sở để tuyên truyền BHYT và BHXH tự nguyện cho gần 10 ngàn cán bộ hội cấp cơ sở và người dân (chủ yếu là người dân) . Cách làm của BHXH tỉnh không mới, nhưng kiên nhẫn và đầy thuyết phục bằng những hình ảnh và dẫn chứng thực tiễn sinh động đi thẳng vào tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của người dân; làm cho người dân từ thụ động sang chủ động tham gia vào quá trình truyền thông thông qua hỏi, đáp, trao đổi và được giải đáp tất cả những vướng mắc; làm cho tất cả sự hoài nghi về chính sách, chế độ BHYT, BHXH tự nguyện của Nhà nước trong nhận thức của người dân dần được giải tỏa. Kết quả truyền thông sau 3 tháng gần đây vượt trên cả sự mong đợi, đó là có 93 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay khi hội nghị kết thúc. Không chỉ thế, trong tổng số 1.834 người tham gia BHXH tự nguyện tính đến 31/8/2018 (số liệu cập nhật mới nhất đến 30/9/2018 từ Báo cáo BHXH tỉnh có 2.042 người tham gia BHXH tự nguyện), có 208 người trên độ tuổi lao động, đây là điều bất ngờ làm chúng tôi ngỡ ngàng; chúng tôi tự nghĩ “có lẽ tính nhân văn của chính sách BHXH đang lan tỏa đến từng ngõ ngách, thôn xóm và từng bước thẩm thấu vào nhận thức của người dân”.
Tiếp tục nỗ lực CCHC; sớm đạt chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW, góp phần nâng cao sự đồng thuận của xã hội
Để phấn đấu thực hiện mục tiêu cụ thể về chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2021 đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85%; đến năm 2030 đạt mức 90%; theo chỉ đạo của Chính phủ và của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ CCHC, đồng thời cần quan tâm thêm một số nội dung và giải pháp sau:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, điện tử hóa TTHC, giảm thời gian thực hiện TTHC; phấn đấu hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến tổ chức, cá nhân sẽ được cung cấp ở mức độ 3; một số dịch vụ công thực hiện mức độ 4 bằng phương thức sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam.
(2) Đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống phần mềm dùng chung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở định hướng của ngành, nâng cao hiệu quả CCHC của BHXH tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu CCHC của ngành trong kỷ nguyên số mà Đảng đã định hướng và Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện.
(3) Tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về CCHC, cải cách TTHC; làm chuyển biến nhận thức trong CC,VC về CCHC. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho CC,VC đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách bảo hiểm xã hội và pháp luật BHXH, BHTN, BHYT dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động hướng về người dân và xã hội, trong đó cần bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao sự đồng thuận của xã hội.
(5) Tiếp cận, vận dụng chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam để đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của CC,VC BHXH tỉnh. Thông qua Chỉ số, xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong CCHC; trách nhiệm của tập thể, CC,VC, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC BHXH tỉnh; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong thực hiện CCHC.
Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, nâng cao sự đồng thuận của xã hội vừa là mục tiêu xuyên suốt vừa là thông điệp của BHXH tỉnh trong chặng đường sắp tới./.
Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh