In trang

A Lưới 45 năm thành lập, xây dựng và phát triển
Cập nhật lúc : 08:44 03/04/2021

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, song ký ức của những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước, vẫn còn in đậm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân miền Tây Thừa Thiên Huế.

Đây là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng, là nơi án ngữ hành lang phía tây, nơi trung chuyển vận tải sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam chi viện cho chiến trường; là nơi địa bàn hiểm trở, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, địch tập trung xây dựng các cụm căn cứ A So, A Co, A Lưới, đặc biệt là căn cứ A So. Chúng tập trung lực lượng gồm hơn một tiểu đoàn bộ binh, được trang bị vũ khí hiện đại, kết hợp với căn cứ A So - A Lưới tạo thành thế co cụm liên hoàn, vững chắc án ngữ hành lang giao thông của ta. Địch ra sức ngăn chặn vùng giáp ranh, rải chất độc hóa học, tập trung đánh phá miền núi, tổ chức càn quét quy mô dài ngày, bao vây phá hoại kinh tế đồng bào miền núi với âm mưu giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy miền Tây, sự đoàn kết của quân và dân các dân tộc thiểu số A Lưới, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng quê hương, góp phần cùng với cả nước tiến tới giải phòng Miền Nam thống nhất đất nước.

Cuộc chiến tranh đi qua, với những thành tích xuất sắc của quân và dân các dân tộc A Lưới; ngày 20 tháng 12 năm 1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cán bộ, quân và dân huyện A Lưới và đến nay có 16/21 xã (củ), Thị trấn và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 20 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 03 mẹ còn sống, toàn huyện có 19 tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang, được tặng thưởng trên 16 nghìn huân, huy chương các loại.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 3 năm 1976 huyện A Lưới chính thức được thành lập, trước đó thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên, Đảng bộ huyện A Lưới đã được thành lập, trên cơ sở hợp nhất 3 quận: Quận 1, quận 3, quận 4. Trãi qua 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện A Lưới vô cùng tự hào và phấn khởi trước những thành quả đạt được như ngày hôm nay.

Để hiểu rõ hơn về chặng đường phát triển của huyện A Lưới, chúng ta ngược dòng thời gian trở lại từ những ngày đầu mới thành lập huyện, toàn huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa khôi phục phát triển kinh tế trên cơ sở làm lại từ đầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc thiểu số huyện A lưới đã phát huy tốt tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết chung lưng đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững Quốc phòng, an ninh và đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực.

Từ chỗ người dân chưa biết trồng lúa nước, nền kinh tế từ con số không; đến nay tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao, đạt 10,8%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 1.245 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 38,7%, giảm 13,4%; công nghiệp, xây dựng chiếm 30,7%, giảm 5,8%; dịch vụ chiếm 30,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 823 tỷ đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 140 tỷ đồng/năm.

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp gắn với Chương trình trọng điểm xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực. Năng suất, sản lượng tăng cao, trong đó: Trồng trọt chiếm 28,8%; chăn nuôi chiếm 35,5 %; lâm nghiệp chiếm 21,2%; cây cao su - chuối chiếm 7,9%; thủy sản chiếm 6,6%. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt 97,6%. Bình quân hàng năm sản lượng lương thực có hạt đạt 93,1%; tổng đàn gia súc đạt 90,2%; tổng đàn gia cầm đạt 110,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI.

Huyện đã giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích khai thác rừng trồng cho giá trị thu nhập bình quân từ 50-55 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi cá nước ngọt đạt 74,5%. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện tăng 31 tiêu chí, đạt 71,3% so với bộ tiêu chí. Có 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Từ cuộc sống du canh du cư, đến năm 1991, bà con nhân dân tại các thôn, xã đã định canh định cư, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương mới. Xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Từ chỗ cơ sở hạ tầng chưa có gì, đến nay công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%. Xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020; Đề án phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2016 - 2020. UBND tỉnh đã quyết định công nhận hai nghề và làng nghề truyền thống gồm: Nghề Dệt Dèng A Hưa, xã Nhâm và nghề Dệt Dèng A Đớt, xã A Đớt. Một số mặt hàng từ vải Dèng A Lưới đã xuất hiện trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các ngành dịch vụ, du lịch từng bước phát triển, mạng lưới mở rộng, sản phẩm ngày càng đa dạng. Hệ thống dịch vụ phân phối hàng hoá ngày càng mở rộng. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch ngày càng được quan tâm. Hệ thống bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng, hệ thống phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Hoạt động tín dụng ngày càng đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn.

Công tác chỉnh trang đô thị đạt được một số kết quả nhất định, trong đó: 100% hộ dân cư đô thị sử dụng nước sạch; hệ thống thoát nước thải khu vực đô thị A Lưới mở rộng đảm bảo theo yêu cầu; công tác xử lý chất thải rắn đảm bảo kịp thời; hệ thống điện chiếu sáng đạt trên 90% tuyến đường nội thị. Có 28 tuyến đường giao thông nội thị được mở rộng, nâng cấp; một số tuyến đường được thảm bê tông, nhựa và lát gạch vỉa hè. Thị trấn A Lưới được công nhận là thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hoàn thành xây dựng Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ 90,16% so với hồ sơ cần cấp. Đã thực hiện tốt Đề án “Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020”. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải đạt 85,4%.

Công tác quản lý khoa học, công nghệ (KH&CN) trên địa bàn đã được triển khai theo kế hoạch và có những bước chuyển biến tích cực. Thông qua các hoạt động KH&CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhu cầu của xã hội đã góp phần nâng cao thu nhập cải thiện mức sống cho người lao động.

Hệ thống bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho nhân dân trên địa bàn. Mạng di động đã được phủ sóng toàn huyện, dịch vụ bưu chính - viễn thông, internet phát triển nhanh.

Từ chỗ người dân đa số chưa biết chữ, đến nay chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, hàng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 1,5 đến 2%, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm 0,5 đến 01%. Toàn huyện có 31 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 62 %.

Thực hiện tốt Đề án phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Mạng lưới y tế cơ sở cơ bản được hoàn chỉnh, đã có 17/21 xã (củ) đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đã triển khai xây dựng mô hình “xã, thị trấn, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nâng lên. Số đơn vị, thôn, tổ dân phố và gia đình đạt chuẩn văn hóa từ 83 đến 92%. Hoạt động truyền thanh truyền hình đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn của người dân.

Công tác giải quyết việc làm, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách xã hội được giải quyết kịp thời. Huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, đến nay còn 2.538 hộ nghèo, chiếm 18,5% số hộ(năm 2015: 35,04%). 

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện và góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Công tác tôn giáo đã được quan tâm đúng mức, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 tôn giáo với 1.513 tín đồ, các hoạt động của các tôn giáo đã tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường, thường xuyên quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng các cấp về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Công tác động viên tuyển quân; công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; công tác phòng thủ dân sự được triển khai thực hiện tốt.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, được giữ vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, kinh tế - xã hội; thực hiện tốt Đề án “Điều động Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã”.

Công tác đối ngoại thường xuyên giữ mối quan hệ đoàn kết, ngoại giao, tổ chức Hội đàm thường niên giữa huyện A Lưới với các huyện giáp ranh. 

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền, mặt trận, đoàn thể có nhiều tiến bộ, qua mười hai kỳ đại hội, hiện nay Đảng bộ huyện có: 53 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, 223 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, hơn 4.963 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Đến nay, các thôn, tổ dân phố, các cơ quan đơn vị, trường học đều có tổ chức cơ sở đảng. Với những trăn trở tìm tòi và bước đi vững chắc, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng; trong khó khăn thử thách vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ, tạo bước đi vững chắc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thành tựu to lớn trong 45 năm xây dựng huyện, đặc biệt là 35 năm đổi mới đất nước, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của đồng bào các dân tộc, thể hiện ý chí tự lực, tự cường quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện nhà, trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Đó là kết quả của sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, các tổ chức trong và ngoài nước.

Để ghi nhận và động viên kịp thời cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới, Thủ tướng Chính phủ đã tặng nhiều Bằng khen, đặc biệt năm 2016 Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng thưởng “Huân chương lao động hạng ba” cho cán bộ và nhân dân huyện A Lưới.

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW, về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là cơ sở, tiền đề, nguồn lực quan trọng để Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng phát triển trong thời gian tới.

Tình hình thế giới và trong nước, trong tỉnh tạo ra cả thuận lợi, thời cơ và  thách thức, phức tạp đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi cao hơn về yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; yêu cầu củng cố vững chắc quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hết lòng phục vụ Nhân dân.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII là Đại hội của sự “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, với mục tiêu Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy nội lực ý chí, khát vọng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Về cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - Dịch vụ - Công nghiệp. (Với tỷ trọng: Nông nghiệp chiếm 45%, Dịch vụ chiếm 35% và Công nghiệp chiếm 20%.)”

Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu. 02 Chương trình trọng điểm: (1)Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; (2)Chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. 02 đột phá chiến lược: (1)Đột phá về nội lực người dân; Đột phá về công tác cán bộ; (2)Đột phá về nông nghiệp; Đột phá về phát triển du lịch.

Đề thực hiện tốt mục tiên và các chỉ tiêu, trong 5 năm tới, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra 07 nhiệm vụ và giải pháp: (1)Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. (2)Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. (3)Về văn hóa - xã hội: (3.1. Về phát triển văn hóa, thông tin; thể dục, thể thao; 3.2. Về giáo dục - đào tạo: 3.3. Về Y tế; 3.4. Thực hiện bảo đảm an sinh xã hội: Phấn đấu hàng năm giảm 3% hộ nghèo/năm). (4)Về quốc phòng, an ninh: (4.1. Công tác quân sự, quốc phòng; 4.2. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; 4.3. Tăng cường hoạt động đối ngoại: Tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa huyện A Lưới với các huyện giáp ranh). (5)Về xây dựng chính quyền (5.1. Tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; 5.2. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức). (6)Về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. (7)Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (7.1. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; 7.2. Tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phấn đấu hàng năm có 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên); 7.3. Đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; 7.4. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng và công tác dân vận chính quyền, giữ vững mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận. Tiếp tục cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; 7.5. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm., là trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết xử lý và thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ lợi ích nhóm, chống đặc quyền, đặc lợi; 7.6. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy. Đổi mới và nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng từ huyện đến cơ sở. Phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ được ghi trong nghị quyết; bảo đảm tổ chức thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao; 7.7. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch khắc phục sửa chữa sau kiểm điểm. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên.

Trải qua 45 năm Ngày thành lập huyện A Lưới (3/1976 - 3/2021); phát huy truyền thống anh hùng của quê hương; nêu cao tinh thần tự chủ, sáng tạo, huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc toàn huyện, quyết tâm đoàn kết một lòng, tận dụng thời cơ, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, xây dựng huyện A Lưới ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng với cả tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Thanh Định