80 năm lịch sử Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 09:51 07/00/2014
Công trình "Lịch sử Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930-2010" được biên soạn nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục, hiểu biết, nâng cao lòng tự hào về truyền thống và ý chí cách mạng cho cán bộ, nhân dân nói chung cũng như đội ngũ những người làm báo Đảng địa phương nói riêng.
Đây là công trình mà toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên của Báo qua các thời kỳ đã ấp ủ từ lâu nhưng do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan nên chưa thể tiến hành. Đến năm 2012, thực hiện nguyện vọng thiết tha đó, Ban Biên tập Báo đã được Ban Thường vụ, đặc biệt là Thường trực Tỉnh ủy quan tâm, nhất trí về chủ trương và cấp kinh phí để thực hiện công trình này. Công trình dự kiến thực hiện trong hai năm 2012 và 2013, nhưng do nhiều nguồn tư liệu quá thiếu, đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức để đi sưu tầm, thu thập kể cả trong nam, ngoài bắc, kể cả ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả ở tủ sách của nhiều nhà nghiên cứu ở Huế, ở Hà Nội, nên mãi đến cuối năm 2013, nhóm biên soạn mới bắt tay vào xây dựng. Sau 8 tháng vừa làm công việc chuyên môn, vừa tập trung, miệt mài đọc và viết; được sự tham gia góp ý nhiều lần của Ban Chỉ đạo biên soạn, của các nhà nghiên cứu, của các đồng chí lãnh đạo báo Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ và của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đến nay, công trình đã hoàn thành đúng theo kế hoạch mà Báo đã đề ra từ đầu năm 2014. Công trình lịch sử báo Đảng bộ tỉnh dày 516 trang được đóng bìa dày. Trong đó nội dung chiếm 450 trang gồm Lời giới thiệu, 6 Chương (có minh họa 54 măng sét của 54 tờ báo) và Lời kết; phần Phụ lục có 65 trang gồm phụ lục giới thiệu theo thứ tự thời gian 38 tờ báo có liên quan đến vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh; một số hình ảnh Ban Biên tập Báo, các phòng ban, một số hoạt động, phong trào thi đua và danh sách toàn thể CBCNV của báo từ sau ngày Thừa Thiên Huế được giải phóng – 1975, trở lại đây.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, chỉ 2 tháng sau khi diễn ra hội nghị hợp nhất dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Kế thừa truyền thống báo chí yêu nước và cách mạng, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và gần như ngay lập tức đã xuất bản Báo Con Đường Đấu Tranh, đây được xem là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành trình từ Con Đường Đấu Tranh (1930) đến Thừa Thiên Huế (2010) vừa tròn 80 năm, gắn với hành trình cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do, tiến hành 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên thống nhất và thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong suốt 80 năm đó, tờ báo của Đảng bộ tỉnh đã tồn tại và phát triển dưới những tên gọi khác nhau: Con Đường Đấu Tranh, Lao Khổ, Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn, Vì Nước trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền dưới dự lãnh đạo Đảng (1930-1945); Quê Hương, Quyết Chiến, Quyết Thắng, Xã Hội Mới, Đại Chúng, Giết Giặc, Cầu Tiến, Thông Tin, Chiến Đấu, Chuyển Mạnh, Yêu Nước trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám và 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954); Thống Nhất, Giải Phóng, Cờ Giải Phóng, Cứu Lấy Quê Hương trong chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Thừa Thiên Huế Giải Phóng, Dân, Bình Trị Thiên, Huế Ngày Nay và cuối cùng định danh với tên gọi Thừa Thiên Huế hiện nay. Qua những tên gọi khác nhau, qua nhiều lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, tờ báo vẫn luôn giữ vững vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng là tiếng nói của cấp ủy Đảng, là vũ khí đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân gắn liền với lý tưởng Cộng sản.
Đã có nhiều công trình khoa học, từ những góc độ khác nhau đề cập đến các vấn đề liên quan đến lịch sử báo Đảng Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một tác phẩm nghiên cứu, giới thiệu mang tính hệ thống và hoàn chỉnh về báo Đảng địa phương. Trong bối cảnh đó, công trình “Lịch sử Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930-2010” được biên soạn nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục, hiểu biết, nâng cao lòng tự hào về truyền thống và ý chí cách mạng cho cán bộ, nhân dân nói chung cũng như đội ngũ những người làm báo Đảng địa phương nói riêng.
Biên soạn “Lịch sử Báo Đảng bộ Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930-2010”, những người thực hiện cố gắng đọc hết tất cả những tờ báo, số báo mà mình sưu tầm được. Có những tờ báo chỉ ra được một đến hai số là đình bản như Dân Muốn, Xã Hội Mới (1938-1939), nhiều tờ ra được mươi, mười lăm số, đến bốn, năm chục số và cũng có tờ sống đến hai, ba trăm số mới dừng hoạt động, như tờ Giết Giặc (1950-1954) ra được 186 số, tờ Quyết Chiến (1945-1946) ra đến 385 số mới kết thúc nhiệm vụ; nhóm biên soạn cũng đã cố gắng giới thiệu một cách có hệ thống về quá trình ra đời, những sự kiện chính, những chặng đường lịch sử đầy gian khổ nhưng vẻ vang của báo Đảng địa phương trong các thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng, các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, cũng như trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúng tôi đã lược giản những gì mang tính bình luận chủ quan của người viết để đảm bảo tính khách quan của công trình đúng như các nguồn tư liệu lịch sử sưu tập được, có thể nói, những nội dung trình bày trong cuốn lịch sử này đảm bảo tính hệ thống, khách quan và là những vấn đề đã được báo của Đảng bộ tỉnh phản ánh qua các thời kỳ - những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, đặc biệt là những vấn đề mang tính đặc thù của báo Đảng bộ Thừa Thiên Huế. Công trình chắc chắn sẽ rất hữu ích và phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu sau này.
Công trình được hoàn thành dưới sự chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, cùng sự cộng tác tích cực và có hiệu quả của các cơ quan Trung ương như Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh; các cơ quan địa phương như Ban Tuyên giáo và Văn phòng của Tỉnh ủy, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Công ty In và Dịch vụ Thừa Thiên Huế; gia đình cố nhà báo Ngô Kha và các nhà nghiên cứu, nhà báo từng công tác tại báo Đảng Thừa Thiên Huế, những đồng chí cán bộ, đảng viên và bạn đọc gần xa của báo đã nhiệt tình cung cấp tư liệu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình sưu tập và biên soạn… Ban Biên tập Báo Thừa Thiên Huế xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những sự giúp đỡ, hợp tác to lớn và quý báu đó!
Do thời gian đã lùi xa, công tác lưu trữ và bảo quản có những thời kỳ còn sơ khai và hết sức hạn chế, không ít nguồn tư liệu quý đã bị thiên tai, chiến tranh và thời gian phá hủy, năng lực của tập thể những người trực tiếp tham gia biên soạn cũng có những hạn chế nhất định…, do vậy, dù đã nỗ lực tối đa với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công trình “Lịch sử Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1930-2010” chắc chắn vẫn không tránh khỏi những thiếu sót. Ban Biên tập Báo Thừa Thiên Huế và những người thực hiện rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo, của đồng chí, đồng nghiệp và bạn đọc gần xa để những lần tái bản sau nội dung sách sẽ ngày mỗi hoàn thiện hơn.
TTH
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/