In trang
Già làng Hải Viên Xê xem cột mốc như chính người thân của mình.

“Cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân
Cập nhật lúc : 08:53 08/03/2018

Các già làng, trưởng bản ở A Lưới như những cổ thụ giữa đại ngàn Trường Sơn, họ không chỉ là người nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào mình. Từ đó, họ vận dụng linh hoạt trong giải quyết mâu thuẫn, các vấn đề của xã hội cũng như tuyên truyền vận động nhân dân, góp phần bảo vệ vững chủ quyền an ninh biên giới, là chỗ dựa vững chắc của cộng đồng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân.

Già làng Hải Viên Xê, ở thôn Parit Kavin, xã A Đớt (A Lưới) là người luôn gương mẫu đi đầu trong Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Già làng Hải Viên Xê cho biết: “Với vai trò tiên phong trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng trận tuyến biên phòng toàn dân, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín ở xã A Đớt đã tích cực vận động, tuyên truyền Nhân dân đấu tranh, cảnh giác trước mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Trong đó, tập trung tuyên truyền cho bà con tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền trái pháp luật của kẻ xấu”.

Cũng như già làng Hải Viên Xê, già làng Quỳnh Nghề là Đảng viên, người có uy tín ở thôn A Niêng, xã Hồng Trung (A Lưới). Tuy năm nay đã hơn 60 tuổi, thế nhưng những bước chân của già làng Quỳnh Nghề vẫn không mỏi. Biết người dân thường sản xuất phát nương làm rẫy gần biên giới, để làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ nguyên trạng đường biên cột mốc, ông luôn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con dân bản về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, không xâm canh, xâm cư, qua lại biên giới trái phép. Ông thường xuyên cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng đến tận từng hộ dân tuyên truyền vận động, giúp đồng bào thấy được trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ đường biên cột mốc; phải quý trọng, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng mà ông cha đã hy sinh máu xương để bảo vệ, từ đó, tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Sự gương mẫu, đi đầu của già làng trong các phong trào bảo vệ biên giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần tích cực cho sự bình yên của vùng biên cương Tổ quốc. "Mỗi lần được cùng với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc tuyến biên giới thực sự là niềm vinh dự lớn lao với tôi, bởi bản thân đang góp sức nhỏ cùng các chiến sĩ Biên phòng giữ gìn vững bền biên cương Tổ quốc", già làng Quỳnh Nghề xúc động chia sẻ.

Già làng tham gia tuần tra cùng cán bộ chiến sĩ Đồn BPCK A Đớt.

A Lưới là huyện miền núi biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, có đường biên giới dài 84 km, tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh Salavan nước bạn Lào; địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm trên 80% dân số toàn huyện gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy... Trong những năm gần đây, huyện A Lưới nổi lên tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, vượt biên khai thác lâm sản, truyền đạo trái phép, điển hình là hoạt động của tổ chức tự xưng Hội Thánh của đức chúa trời,… Trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực hưởng ứng; khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, những dấu hiệu vi phạm chủ quyền khu vực biên giới đều báo cáo kịp thời cho các chiến sĩ Biên phòng cũng như chính quyền xã để kịp thời xử lý. Vì vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới của huyện A Lưới luôn được ổn định, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

Đồng chí Pi Loong Mái - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện A Lưới cho biết: “99 già làng, người uy tín tiêu biểu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò “cầu nối” trong xây dựng nền biên phòng toàn dân; làm tốt công tác tuyên truyền, đưa chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với Nhân dân; vận động bà con không tin, nghe theo kẻ xấu. Ðồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên, no ấm. Nhờ vậy, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới” đã có sức lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác, tích cực của mọi người dân trên biên giới”.

Lực lượng già làng luôn đi đầu trong phát triển kinh tế.

Việc đánh giá đúng và phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản trong đồng bào các dân tộc đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng quản lý. Trong thời gian qua, 4 Đồn Biên phòng tuyến biên giới A Lưới đã phối hợp tốt với chính quyền 12 xã biên giới phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong bảo vệ đường biên, mốc giới. Đã thành lập và vận động Nhân dân tham gia 49 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 1.456 người tham gia; 98% hộ dân của các xã biên giới tham gia Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Qua đó, Nhân dân tích cực cung cấp cho Bộ đội Biên phòng nhiều tin giá trị trong việc quản lý địa bàn, đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực biên giới.

Đại tá Lê Văn Nguyên - Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định: “Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, và sức mạnh của “mặt trận lòng dân”, đặc biệt là biết dựa vào dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nhiều già làng dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, với tâm huyết của mình, các già làng đã được bà con, dòng họ suy tôn và quý trọng; trở thành tấm gương sáng để dân bản vững bước đi trên hành trình chinh phục đói nghèo, lạc hậu, chung tay bảo vệ biên giới”.

Võ Tiến