Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: Hướng tới bản sắc chung
Cập nhật lúc : 09:03 08/08/2015
Liên minh châu Âu là mô hình thành công trong các phương diện về kinh tế, xã hội, và đặc biệt là văn hóa. Với sự tương đồng, nhưng cũng có nét khác biệt, những kinh nghiệm của Liên minh châu Âu có thể là bài học để xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) thành công, tạo nên bản sắc chung của khu vực.
Thống nhất trong đa dạng
Liên minh châu Âu (EU) là liên minh thành công nhất trong lịch sử loài người, ban đầu dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, chính trị, luật pháp. Cho mãi tới năm 1980, ý tưởng về một chính sách văn hóa chung vẫn là điều Ủy ban châu Âu hướng tới. Sau tuyên bố Solemn năm 1983, EU khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên cơ sở một chương trình văn hóa chung toàn châu Âu trong từng nước thành viên. Phương châm chính thức về văn hóa là Thống nhất trong đa dạng đã được EU được đưa ra tháng 12.2000. Điều đó có nghĩa là thông qua EU, các nước châu Âu thống nhất trong việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng, và các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ khác nhau ở châu Âu chính là tài sản tích cực cho lục địa này. Theo bà Barbara Szymanowska - Đại sứ Ba Lan tại ViệtNam: Bản sắc văn hóa của châu Âu là một trong những chìa khóa thúc đẩy sự hội nhập khu vực trên lục địa. Ở châu Âu, mọi người ý thức rằng mình cùng thuộc một nền văn hóa.
Từ sau năm 2000, EU đã có các chính sách về văn hóa và hoạt động hiệu quả. Để nâng cao vai trò của văn hóa, và mọi người thấy gắn kết vai trò của văn hóa, EU gắn cho văn hóa vai trò kinh tế, hỗ trợ việc làm, tăng trưởng và hòa nhập xã hội, khuyến khích sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng. EU đã xây dựng các chương trình văn hóa và đầu tư ngày càng tăng: Từ năm 2000 - 2006, giá trị đầu tư khoảng 236,4 triệu euro, thu hút cá nhân từ các quốc gia, nhóm cộng đồng tham gia lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, văn học, di sản, lịch sử văn hóa; từ năm 2007 - 2013, hơn 400 triệu euro đã được đầu tư để bảo vệ, thúc đẩy đa dạng văn hóa và di sản. Từ năm 2014 - 2020, chương trình văn hóa đã được xây dựng, hướng tới các hoạt động nghệ thuật, điện ảnh, với giá trị 1,46 tỷ euro.
Nhiều chương trình văn hóa đã góp phần xây dựng bản sắc châu Âu, trong đó có Thủ đô Văn hóa châu Âu. Mỗi năm, 2 nước châu Âu được chỉ định là Thủ đô Văn hóa châu Âu. Năm 2016, thành phốWroclawcủa Ba Lan vàSan Sebastiancủa Tây Ban Nha sẽ nhận danh hiệu này. Tại những thành phố này, trong vòng 1 năm, văn hóa sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đô thị. Các liên hoan, hòa nhạc, biểu diễn sẽ được tổ chức để thúc đẩy bản sắc châu Âu chung cũng như sự đa dạng văn hóa...
Chung sống hiểu biết, dung hợp khác biệt
Ngày 26.8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: Hướng tới bản sắc chung - kinh nghiệm của Liên minh châu Âu. Các đại biểu cho rằng, từ kinh nghiệm xây dựng chính sách văn hóa Thống nhất trong đa dạng của EU, ASEAN có thể học tập một số vấn đề. ThS. Vũ Thanh Hà, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Có thể khẳng định, văn hóa chính là yếu tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển Cộng đồng ASEAN. Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giữ vị trí đặc biệt, được xem như chân kiềng quan trọng, gắn kết và bổ trợ cho 2 trụ cột còn lại là Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Kế hoạch tổng thể mà cộng đồng này hướng tới là xây dựng một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, xây dựng một ASEAN đùm bọc, tương thân tương ái, vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. ASCC sẽ tập trung vào các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng về lịch sử văn hóa, thể chế... của các quốc gia thành viên”.
Việc tạo ra Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có nhiều cơ hội, nhưng cũng có không ít thách thức. Để làm được điều này, ASEAN nên tập trung vào yếu tố con người, vì khi người dân hiểu nhau hơn sẽ thúc đẩy quá trình hình thành bản sắc chung. Nếu trước đây, chính sách của ASEAN được đưa ra chỉ bởi các nhà lãnh đạo, thì giờ đây, chính sách của ASEAN phải có sự tham vấn của người dân. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Panyarak Poolthup cho rằng: Cần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh niên, trẻ em, từ đó thúc đẩy hiểu biết chung về đa dạng văn hóa, chủng tộc, tôn giáo tín ngưỡng; sự tôn trọng và tự hào về di sản văn hóa ASEAN; khả năng hợp tác và chung sống hòa bình. Thái Lan đã là quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện điều này khi mở Trung tâm Văn hóa ASEAN ởBangkok, ứng dụng công nghệ để quảng bá sự đa dạng văn hóa của các quốc gia trong khu vực...
Đoàn kết và hợp tác để tạo ra “vận mệnh chung” là mục tiêu mà cả EU và ASEAN đang nỗ lực hướng tới. Đoàn kết mà vẫn tôn trọng sự đa dạng. Bởi ASCC không có nghĩa là có một nền văn hóa duy nhất, văn hóa của các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN mất đi, mà là sự chung sống hiểu biết, dung hợp sự khác biệt. Trưởng ban Hợp tác liên ngành Ban Thư ký ASEAN Larry Maramis cho rằng: Việc tạo dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội phải là quá trình lâu dài, không có được chỉ sau một mệnh lệnh hành chính. Đó là quá trình liên tục thay đổi, thích nghi, là con đường dài phía trước với nhiều khó khăn, thách thức lớn mà ASEAN phải đối mặt.
Châu Âu không có ngôn ngữ chung, điều này tạo ra các rào cản hội nhập và khiến mối quan hệ giữa người dân các quốc gia khó khăn hơn. Giải pháp của điều này chính là giáo dục, bằng các cơ hội học tập ở nước ngoài, hoặc các chương trình trao đổi sinh viên hằng năm giữa các quốc gia, từ đó, người trẻ tuổi học được rằng dù có khác biệt, họ vẫn có nhiều điểm chung. Cũng vì thế mà, theo ông Alistair Ross, Giáo sư danh dự về Giáo dục, Đại học London Metropolitan, với nghiên cứu tại 15 quốc gia, đã khẳng định rằng: nhân dân, đặc biệt là thanh niên châu Âu, đã có ý thức về bản sắc chung của châu Âu.
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/