Việt Nam chưa tạo được môi trường nghề nghiệp áp lực cho truyền thông
Cập nhật lúc : 09:46 05/03/2016
Thách thức đối với các cơ sở đào tạo hiện nay của Việt Nam là chưa tạo được môi trường áp lực nghề nghiệp thực sự, đặc biệt là đối với nghề năng động như truyền thông. Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo Từ Việt Nam nhìn ra thế giới: Cơ hội và thách thức cho đào tạo truyền thông do Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng 12.5, tại Hà Nội.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hội nhập là nói đến nhiều phía, từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào trong nước, bởi vậy các doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập cần nắm bắt được những thông tin, văn hóa nước ngoài. Thế giới được biến thành ngôi làng toàn cầu, cuộc cạnh tranh khốc liệt ở tất cả các lĩnh vực cũng đã khiến các doanh nghiệp, các tổ chức càng muốn khẳng định hơn nữa vị trí của mình để tồn tại và phát triển. Đây cũng là yêu cầu và vai trò của ngành truyền thông và quảng cáo.
Nói về xu hướng mới trong truyền thông, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê Lê Quốc Vinh cho rằng, vấn đề là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu chúng ta biết cách tận dụng phát triển hiện nay chính là sự phát triển của mạng xã hội và các công cụ công nghệ. Nếu như ở thời điểm năm 2008, không ai dự đoán được sự phát triển của truyền thông trên các mạng xã hội, thì hiện nay có thể khẳng định sự phát triển của mạng xã hội đã chi phối rất lớn đến sự phát triển của truyền thông. Việc nội dung được chia sẻ trên nhiều phương diện khác nhau sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Do đó, cần thiết phải quan tâm đến sự thay đổi về mặt lý tính của công nghệ. Đồng thời, cần quan sát đến xu hướng thay vì chỉ quan tâm đến số liệu.
Nhìn từ phía nhà tuyển dụng, Phó tổng giám đốc IB Group Phan Lê Khôi cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 8.000 công ty quảng cáo, truyền thông, sự kiện… tức là có khoảng 8.000 cơ hội tuyển dụng; hàng năm có khoảng 1.000 sinh viên ra trường từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, trong số 8.000 cơ hội việc làm thì thực sự cơ hội để được gắn bó trực tiếp với nghề chỉ chiếm 10%. Cơ hội có nhưng làm thế nào để gắn bó trực tiếp với nghề lại là câu chuyên khác. Theo ông Khôi, để nắm bắt được cơ hội đó cần phải có 10 yếu tố gồm: sáng tạo, tư duy, kỹ năng, ngoại hình, chuyên nghiệp, chuyên cần, ngoại ngữ, hiểu biết cơ bản về truyền thông, niềm đam mê và có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng.
Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, thách thức đối với các cơ sở đào tạo hiện nay của Việt Nam là chưa tạo được môi trường áp lực nghề nghiệp thực sự, đặc biệt là đối với nghề năng động như truyền thông. Đồng thời phải tạo được bản sắc riêng của mình. Tổng biên tập Đỗ Chí Nghĩa cũng cho biết, truyền thông hiện nay đang dồn nén rất nhiều vấn đề cần có sự nhìn nhận rộng hơn. Nếu không hiểu sâu về thể chế chính trị thì làm truyền thông sẽ khó hơn rất nhiều. Đặc biệt để phát triển thì sự tinh tế trong truyền thông rất quan trọng, phải nhìn thấy được xã hội đang cần gì, trách nhiệm đối với xã hội như thế nào.
Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi các xu hướng truyền thông mới trên thế giới, cũng như bối cảnh truyền thông ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là diễn đàn trao đổi giữa các nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo nhằm đưa ra giải pháp tốt nhất nguồn nhân lực trong lính vưc truyền thông.
Cũng trong sáng nay, Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo được thành lập năm 2006, có sứ mệnh bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành truyền thông. Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam cung cấp chương trình đào tạo đại học ngành Quan hệ Công chúng và Quảng cáo và chương trình sau đại học ngành Quan Hệ công chúng chuyên nghiệp và Quản trị Truyền thông. Nhân dịp này, Khoa đã được Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/