In trang
Văn hóa liên quan đến con người, có tác động lâu dài Nguồn: ITN

Văn hóa chưa được quan tâm xứng tầm
Cập nhật lúc : 14:29 11/03/2016

Bên lề phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2.11, nhiều ĐBQH cho rằng, trước những vấn đề nổi cộm về đạo đức, lối sống… hiện nay, lĩnh vực văn hóa cần được nhìn nhận, bàn luận một cách thẳng thắn, toàn diện, cũng như nêu ra chương trình hành động cụ thể.

Thiếu một tí cũng không sao?

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 đã chỉ ra những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua như: Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao, các lễ hội, liên hoan giảm về số lượng, đi sâu vào chất lượng, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được quan tâm… Chia sẻ với PV báo Đại biểu Nhân dân, nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo lần này có phần rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa đi vào trọng tâm, phân tích xem vấn đề nào đáng báo động, vấn đề nào có thể giải quyết ngay, để tập trung xử lý. Đặc biệt, dù đời sống văn hóa, đạo đức, lối sống có nhiều nổi cộm nhưng báo cáo của Chính phủ mới mang tính liệt kê những việc làm được mà chưa phản ánh rõ thực trạng cũng như đưa ra phương hướng giải quyết cụ thể.

 

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Văn hóa ở đây là phải làm sao xây dựng ý thức bảo tồn giá trị tốt đẹp của dân tộc, đào tạo ra những người có ích cho xã hội, chứ không đo bằng những con số khô khan, cứng nhắc như xem một năm sử dụng bao nhiêu ngân sách để tổ chức lễ hội, xài chuyện nọ việc kia…”. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, nội dung báo cáo của Chính phủ thiên về kinh tế mà ít đề cập đến các vấn đề trong lĩnh vực văn hóa. “Báo cáo hơi thiên vị kinh tế, là làm sao tìm được đồng tiền lo cho dân no ấm, còn phần tinh thần, văn hóa, giáo dục, y tế… thì chưa tương xứng với những gì đang diễn ra ngoài xã hội. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm. Đôi khi chúng ta nghĩ thiếu văn hóa một tí, thiếu giáo dục, y tế một chút cũng không sao. Nhưng kỳ thực là không. Bởi đó là những yếu tố liên quan đến con người, tác động của nó diễn ra lâu dài, không thể hiện ngay”.

 

Phát biểu tại hội trường, các ĐBQH đã trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ ra những bất cập liên quan đến vấn đề văn hóa, con người, như giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nếp sống mới, chăm lo đời sống tinh thần của người lao động… Tuy nhiên, các ý kiến mới chỉ mang tính lồng ghép, khơi vấn đề chứ chưa thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân. “Trong các thảo luận sắp tới cần có ý kiến phát biểu để khơi thông, làm chuyển biến nhận thức của người dân cũng như các đại biểu quan tâm hơn đến vấn đề văn hóa. Vì văn hóa và kinh tế phải luôn luôn gắn liền với nhau. Nếu chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa thì kinh tế cũng bị ảnh hưởng” - ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói.

 

Cân bằng kinh tế và văn hóa


Chỉ ra một số vấn đề đang nổi cộm như tỷ lệ phạm tội ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng, xã hội có nhiều tiêu cực… ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, phải xem lại giáo dục, văn hóa. “Đọc mạng xã hội hay những đầu sách phát hành, chúng ta hướng đến cái gì? Yếu tố thị trường quá rõ. Tình hình an ninh trật tự xã hội hiện nay đương nhiên cũng do khó khăn về kinh tế, như người ta vẫn nói là túng làm liều, nhưng đó chỉ là một phần. Cái chính là phải cân bằng, xem lại giáo dục, văn hóa”.

 

Lấy ví dụ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương phân tích, mục tiêu đặt ra là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nhưng thực tế giữa đầu tư cơ sở vật chất với đời sống văn hóa còn chưa gắn chặt. “Nhà văn hóa được cho là tụ điểm sinh hoạt của bà con nhưng ở nhiều thôn rất chật chội, sức chứa cùng lắm chỉ 20 người, trong khi có nơi chỉ cử đại diện đã lên tới 200 - 300 người, nên có xây dựng cũng không đáp ứng nhu cầu. Sắp tới tôi sẽ phát biểu chính thức để Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”.

 

Xuất phát từ thực tế đời sống văn hóa thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, không những chỉ ra bất cập, sự thiếu đầu tư, quan tâm đến lĩnh vực này, mà quan trọng là từ đó, Chính phủ phải xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn tiếp theo. ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nói: “Phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 chỉ đề cập 3 vấn đề: Xây dựng môi trường lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Có thể nói, so với các lĩnh vực khác, văn hóa không được nhắc đến nhiều. Cần hiểu văn hóa không đơn thuần là khái niệm tinh thần mà trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội đều chứa đựng yếu tố văn hóa”. ĐBQH Cao Đình Thưởng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, nhất là việc xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa thực thi pháp luật, chú ý hoạt động văn hóa cơ sở. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. 

 

Đại biểu nhân dân