In trang
Nguồn: ITN

Tuyển sinh theo nhóm trường: Kỳ vọng nhiều, thực hiện ra sao?
Cập nhật lúc : 08:14 04/05/2016

Đề án tuyển sinh theo nhóm trường do trường ĐH Bách khoa chủ trì đang được kỳ vọng sẽ tăng quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu hiện tượng trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn những băn khoăn đối với hình thức tuyển sinh này.

Có giảm được trúng tuyển ảo?


Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung, dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 trên tinh thần tự nguyện và cam kết tham gia của một số trường đại học. Hiện có 2 nhóm trường được phê duyệt đề án tuyển sinh chung là nhóm của trường ĐH Bách khoa Hà Nội và nhóm của ĐH Đà Nẵng. Nhóm tuyển sinh chung do trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì có 11 trường đăng ký tham gia, gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Xây dựng; ĐH Ngoại thương; ĐH Thủy lợi; ĐH Giao thông Vận tải; ĐH Mỏ - Địa chất; ĐH Công nghiệp Hà Nội; ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải; Học viện Ngân hàng và ĐH Thăng Long.

 

Phương án tuyển sinh của nhóm trường phải tuân thủ chặt chẽ các quy định trong Quy chế tuyển sinh hiện hành; tuân thủ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD - ĐT quy định. Mục tiêu của Đề án nhằm giảm thiểu hiện tượng trúng tuyển ảo, tuy nhiên, giải pháp này có thực sự hiệu quả hay không? Hiện tại, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có khoảng 200 trường, nhưng chỉ có 2 nhóm trường tuyển sinh riêng, những trường còn lại sẽ “giảm ảo” như thế nào? Nhiều chuyên gia nhận xét, phương án xét tuyển theo nhóm trường chỉ có thể giảm thí sinh xét tuyển ảo trong các trường thuộc một nhóm chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Bởi lẽ, nếu thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển vào 1 hoặc 2 trường thuộc một nhóm và 2 nguyện vọng ở một trường khác ngoài nhóm, trường hợp thí sinh đỗ cả 2 nơi trong và ngoài nhóm thì lựa chọn bên này cũng sẽ gây ảo cho bên kia.

 

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, để giảm ảo một cách thật sự, thì tốt nhất là tổ chức thi chung trong phạm vi cả nước. Còn nếu số trường thi riêng chỉ chiếm tỷ lệ chỉ 5 - 10% trong tổng số 200 trường ĐH, thì giảm ảo nếu có cũng không đáng kể. Việc xem toàn bộ hệ thống trường là một “trường lớn phạm vi toàn quốc” để tổ chức thi và căn cứ vào thứ tự ưu tiên như trên để tuyển sinh có vẻ là ổn nhất để có thể hạn chế thí sinh ảo, nhưng đòi hỏi hệ thống phần mềm quản lý của Bộ GD - ĐT phải hoạt động tốt, không có bất kỳ trục trặc nào. Muốn vậy, phải có kinh phí xứng tầm.

 

Khó hết rắc rối


Nhiều chuyên gia đề xuất, đối với nhóm trường liên kết tuyển sinh thì quan trọng là Bộ GD - ĐT phải đưa ra tiêu chí cụ thể, nhóm trường theo chuyên môn hay theo vùng, nếu theo vùng thì đến mức độ nào, chứ không nên để cho các trường tự liên kết nhóm. Nhà quản lý cũng cần tính tới những vấn đề có thể xảy ra khi tồn tại song song hai hình thức tuyển sinh - theo nhóm và độc lập. Ví dụ, có thể trường tuyển sinh đơn lẻ sẽ có ít thí sinh nộp đơn vào.

 

Xét tuyển theo nhóm trường có thể mang lại nhiều lợi ích với những trường top đầu, trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, hoặc có các ngành đào tạo hấp dẫn. Nhưng những trường thuộc top giữa, top dưới rất dễ phải “chạy đua” nhiều đợt mới tuyển đủ chỉ tiêu. GS. TS. Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cũng nhận định, những trường chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD - ĐT hay muốn xét tuyển bằng học bạ thì không tham gia tuyển sinh nhóm là đúng bởi không được lợi gì. Theo quy định, khi đã tham gia vào nhóm tuyển sinh chung, các thành viên phải thống nhất hình thức xét tuyển chung và không được tuyển sinh riêng theo nhu cầu phát sinh của trường.

 

Theo PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, một nhóm trường cùng tổ chức thi và cùng sử dụng kết quả thi để xét tuyển thì có nhiều cái hay, như giảm chi phí cho việc thiết kế đề thi, công nghệ tổ chức thi, coi thi, cơ sở dữ liệu... Tuy nhiên, việc này chỉ có ý nghĩa khi “trường lớn” tổ chức được kỳ thi với những cách thức mới và thuận tiện, còn nếu vẫn thi chung như kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay thì không có mấy ý nghĩa. Xét tuyển theo nhóm chỉ có ý nghĩa khi các nhóm đó tự tổ chức được một phương thức tuyển sinh mới, tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy cho xã hội và phù hợp với xu thế kiểm tra đánh giá hiện đại, theo thông lệ quốc tế.

 

Đại biểu nhân dân