Tứ phủ khai hoa
Cập nhật lúc : 08:44 03/04/2016
Lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, màn trình diễn Tứ phủ là chuyến du hành vào cõi tâm linh kỳ bí. Với sự kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và hình ảnh trong suốt 42 phút trên sân khấu, khán giả được chứng kiến mối giao thoa ấn tượng giữa nghệ thuật và tín ngưỡng.
Mái hiên hạ xuống, khoe các họa tiết sơn son thếp vàng chạm hình rồng uốn tái hiện kiến trúc đặc trưng trong các đền, phủ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Không gian phảng phất hương trầm, khói tỏa. Chiếu chầu trải chính giữa. Diễn viên trong trang phục Thanh đồng oai nghiêm bước ra, lược dắt hoa cài, áo gấm thêu hình tứ quý, tứ linh đính thêm hạt cườm lóng lánh. Nhạc chầu văn vang lên, động tác múa hòa quyện nhịp nhàng tạo nên không khí nhộn nhịp. Thanh đồng phẩy quạt, ung dung cung văn ngâm bài thơ cổ theo điệu phú: Quạt cho hoa nở núi đồi/ Quạt cho mát rượi lòng người nhân gian… Màn trình diễn nghi lễ tâm linh ấy như kéo hồn người vào thế giới khác, thoát ra khỏi phàm tục, ranh giới giữa thực và ảo như bị xóa mờ. Vở diễn là công sức và tâm huyết của đạo diễn Nguyễn Việt Tú, Giám đốc Nhà hát Việt (Viettheatre), người đã dành 3 năm tìm hiểu, xây dựng chương trình với mong muốn tạo dựng được nghi lễ hầu đồng của người Việt để thông qua sân khấu, giới thiệu đến đông đảo công chúng.
Từ nhỏ, theo mẹ mang nghệ thuật múa rối nước đến nhiều quốc gia, lớn lên, đạo diễn Nguyễn Việt Tú nhận mình là người viết tiếp giấc mơ của gia đình về nghệ thuật dân tộc, muốn thông qua những màn trình diễn sân khấu, khách trong và ngoài nước có thể xem và cảm nhận vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. “Tôi thấy ngay ở Hà Nội, thành phố có khách du lịch đến rất đông nhưng khi họ muốn thưởng thức di sản nghệ thuật thì ta mới chỉ giới thiệu một loại hình là rối nước. Như thế là chưa xứng một đất nước có nền văn hóa đặc sắc. Cách đây 3 năm, tôi đã đến một vài điện, phủ và thật sự bị cuốn hút bởi nghi lễ lên đồng. Tôi tự hỏi, ở ngay đây chứ đâu, nghệ thuật dân tộc ViệtNamvới nét độc đáo, ấn tượng như thế tại sao mình không phô diễn? Từ đấy, tôi có ý tưởng xây dựng chương trình”.
Tôn trọng nguyên bản
Đưa nghệ thuật dân gian lên sân khấu không hề đơn giản, hơn nữa chầu văn Tứ phủ là nghi lễ gắn liền với tâm linh tín ngưỡng, diễn ra trong không gian đặc trưng là trước điện thánh trong đền, phủ. Thách thức đối với những người thực hiện là làm thế nào để tránh sân khấu hóa di sản. Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Chúng tôi ý thức rằng đối với vấn đề tâm linh không thể làm ẩu, làm bừa. Qua tìm hiểu, tôi biết có nhiều trường phái, quan điểm khác nhau về đạo Mẫu, cả sự đa dạng trong trình diễn, âm nhạc, thơ phú rồi đến cách thức đưa lên sân khấu cũng khá phức tạp. Ví dụ như về nguyên tắc, Thanh đồng bao giờ cũng hướng về phía ban Mẫu nhưng trên sân khấu thì họ không thể quay lưng về phía khán giả được. Những việc như vậy xử lý như thế nào, khiến tôi rất hoang mang”.
Trong quá trình thực hiện, đạo diễn Nguyễn Việt Tú đã tới nhiều đền, phủ để nghiên cứu, gặp gỡ các đồng thầy và nhận được sự giúp đỡ của Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam NSƯT Thanh Ngoan, cũng là một thanh đồng kỳ cựu. Màn diễn Tứ phủ được nhiều người đánh giá xây dựng kỳ công, tôn trọng truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và kỹ thuật 3D kết hợp hài hòa đã tạo sức cuốn hút khán giả. Hai tuần trước Tết Bính Thân 2016, cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và đạo diễn Việt Tú đã tạo nên cú hích kéo công chúng đến gần hơn với màn diễn nghi lễ hầu đồng này. Tối 18.2, khán phòng Rạp Công Nhân chật kín, gần 500 người, trong đó có các đại sứ và khách quốc tế, ai cũng phấn khích khi thưởng thức chương trình.
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho rằng, trong khi nhiều người vẫn dễ bị nhầm lẫn giữa tín ngưỡng, nghệ thuật truyền thống đích thực của dân tộc với một số khái niệm mê tín dị đoan không lành mạnh thì qua Tứ phủ, những người thực hiện muốn góp phần trả lại vẻ đẹp đích thực cho một nghi lễ độc đáo của dân tộc: “Bằng tâm huyết, chúng tôi cố gắng để người xem thấy được vẻ đẹp nguyên gốc, đầu tiên là của đạo sau đó là của nghệ thuật. Quan trọng là khán giả sẽ cảm thấy yêu nghệ thuật dân tộc, hiểu đúng về giá trị tâm linh của người Việt và một cách tự nhiên, mọi người sẽ đồng thuận giữ gìn, coi trọng và tôn vinh văn hóa độc đáo này”.
Tứ phủ gồm 3 chương tương ứng với 3 giá đồng: Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Mười và Cô Bé Thượng Ngàn. Chương trình được trình diễn lần đầu dịp Tết 2015 trong khán phòng nhỏ ở phố Ngụy Như Kon Tum, sau đó là rạp Công Nhân 3 buổi/tuần (thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy). Khán giả có người là con nhang đệ tử, có người vì tò mò đến xem, trong đó có cả khách nước ngoài. Fotini Michalgoallos, đến từMelboume,Australia chia sẻ: “Đây thật sự là chương trình ấn tượng. Tôi thấy có sự lồng ghép độc đáo giữa màu sắc, âm nhạc, sức mạnh tinh thần và bao hàm cả yếu tố lịch sử nữa”. Còn bạn Nguyễn Hồng Phượng, Hà Nội cho biết: “Tôi cảm nhận được sự linh thiêng trong một buổi hầu đồng. Sau buổi diễn, tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu thêm về chầu văn và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”.
Kế hoạch của Nhà hát Việt là khi có lượng khán giả tương đối thì sẽ lần lượt đổi giá đồng cho đến trọn vẹn 36 giá. “Tôi tin rằng, không chỉ nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà cả các loại hình nghệ thuật dân tộc khác như xẩm, hát xoan, ca trù… nếu được trình diễn đúng quy cách, lề lối thì khán giả sẽ cảm nhận được nghệ thuật dân tộc với đầy đủ cái hay, cái đẹp, cái tinh tế” - đạo diễn Nguyễn Việt Tú nói.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/