In trang

Truyền đơn cách mạng: Thống nhất ý chí, hành động
Cập nhật lúc : 08:40 09/01/2015

Cùng với báo chí bí mật, truyền đơn cách mạng giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến tay sai, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Gần 40 tài liệu truyền đơn cách mạng, thuộc sưu tập truyền đơn thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945, đang được trưng bày trong chuyên đề Sưu tập Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 25 Tông Đản, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Sưu tập truyền đơn thời kỳ tiền khởi nghĩa gắn với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Trung đội Cứu quốc quân tiến tới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cao trào kháng Nhật cứu nước, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám... Trưng bày gồm các truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, ViệtNam công giáo kháng Nhật cứu quốc Hội... Có thể thấy, truyền đơn là cách thức tuyên truyền chính trị được tổ chức từ thời xưa, nhưng chỉ đến những chiến sĩ cộng sản mới sử dụng nhiều, biết phát huy hiệu quả nhất thứ vũ khí lợi hại này. Nội dung của các truyền đơn khá phong phú như: Kêu gọi binh lính Pháp phản chiến, kêu gọi đồng bào Việt Nam ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, kêu gọi đồng bào không đi lính, không nộp thóc cho Nhật, kêu gọi gia nhập Việt Minh chấn chỉnh mở rộng các đội võ trang chuẩn bị khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh đổ chính quyền thân Nhật, quyên góp tiền quỹ mua súng đánh Nhật…

 

Ngôn ngữ biểu đạt trên truyền đơn thường ngắn gọn, lời văn mộc mạc, chân thành, những khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu... nhưng sức mạnh truyền cảm lại vô cùng lớn mà chỉ có đặt vào hoàn cảnh lịch sử đương thời mới cảm nhận được hết. Những tờ truyền đơn có lúc như lời tâm tình vận động, có lúc như lời thuyết phục đanh thép, lại có lúc như hồi kèn xung trận hay mồi lửa thả vào giữa đồng cỏ khô... Những tờ truyền đơn khiêm nhường, bé nhỏ, đôi khi nguệch ngoạc, thô ráp, được in thạch, in li tô trên giấy nến hoặc chép tay nhưng để làm ra, truyền bá, các nhà cách mạng tiền bối không chỉ dốc tâm trí mà còn phải đổ máu hay đánh đổi bằng những năm tháng tù đày. Nhiều người chỉ vì liên quan đến những truyền đơn nhỏ bé ấy mà phải hy sinh cả mạng sống... Phần lớn những tờ truyền đơn này được sưu tầm từ trong các hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc trong các hồ sơ, các bản án của các chiến sĩ cách mạng.

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân thông qua các hình thức tuyên truyền cách mạng, trong đó có hình thức truyền thống cực kì quan trọng đó là truyền đơn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ở một khía cạnh nào đó thì truyền đơn cũng chính là báo chí. Truyền đơn giai đoạn tiền khởi nghĩa có vai trò truyền bá những tư tưởng, nhận thức và đặc biệt là những chủ trương của cách mạng đến với quần chúng nhân dân nhanh nhất, kịp thời nhất, trong điều kiện hoạt động bí mật, vượt ra ngoài sự kiểm soát, kiềm tỏa, hạn chế, khủng bố... của bộ máy chính quyền cũ. Vì thế, truyền đơn là một phương thức hoạt động để chúng ta thông tin, tuyên truyền, tập hợp đội ngũ cách mạng nhằm xây dựng một lực lượng thống nhất về ý chí, hành động để khi thời cơ xuất hiện thì chính ý chí thống nhất ấy tạo nên hành động để cách mạng thành công.

 

Cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong suốt 15 năm (từ 1930 - 1945) cùng với báo chí, truyền đơn cách mạng giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân đế quốc, phát xít và phong kiến tay sai, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc

 

Người đại biểu nhân dân