Trở về cội nguồn với rối khung tranh
Cập nhật lúc : 08:18 09/01/2015
Ghi nhận cống hiến của các bậc tiền bối, những người thầy, đồng nghiệp thế hệ trước, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long đã làm mới vở diễn Hào quang từ quá khứ, một trong ba vở diễn sẽ tham gia Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội tháng 10 tới.
Kết hợp người và rối
Phù hợp và lôi cuốn khán giả từ thế kỷ trước, rối khung tranh - loại hình từng được du nhập từ Tiệp Khắc đến hôm nay vẫn là niềm đam mê và hy vọng cho các nghệ sĩ. Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn, diễn viên trong các vở rối khung tranh thường đứng sau màn che để con rối trở thành trung điểm của sân khấu. Trước sân khấu, con rối trở nên linh hoạt hơn, nó mô tả kỹ càng hơn nội dung cốt truyện. Các trích đoạn Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng… trong vở rối cạn Hào quang từ quá khứ đã trở thành kinh điển, song có điều, người xem chỉ thấy sức hấp dẫn trong cốt truyện mà không biết mặt, cũng khó nhớ hoặc biết đến nghệ sĩ; đây cũng chính là thiệt thòi của diễn viên múa rối. “Với nghệ thuật múa rối, chúng tôi tự tôn vinh lẫn nhau qua các vở diễn. Hào quang từ quá khứ nhằm tôn vinh lớp nghệ sĩ đi trước đã thành danh như: Trần Nghĩa, Quỳnh Giao; bên cạnh đó là thế hệ các đạo diễn Đăng Giáp, Minh Hằng, hay thế hệ nghệ sĩ sau này như Văn My, Hồng Hạnh, Đỗ Mùi…”.
Có một sự khác biệt, các trích đoạn của vở diễn không để nguyên văn mà có thay đổi theo cách nhìn của thế hệ đương thời. Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thử nghiệm sử dụng sân khấu đen, sân khấu nhiều màu sắc, kết hợp nhiều loại rối như rối que, rối dây... Đặc biệt, các trích đoạn có người và rối cũng biểu diễn. Trên sân khấu, người và rối không phải hai nhân vật tách biệt mà chỉ là một, lúc này là người, lúc khác là rối. Người và rối thay thế nhau, hòa trộn vào nhau như cái bóng. Việc kết hợp người và rối trên sân khấu dựa trên ý tưởng về luật xa - gần trong hội họa, nhằm tạo ấn tượng thị giác vừa trung thực vừa lạ mắt cho người xem. “Sự kết hợp người và rối trong rối khung tranh khiến cho vở diễn trở nên linh hoạt hơn. Con rối đóng vai trò là phần xác thể hiện hành động, con người đóng vai trò phần hồn truyền tải nội tâm, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Tôi hy vọng sự kết hợp độc đáo này sẽ mang đến cho người xem nhiều điều mới lạ, bất ngờ” - NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết.
Trở về cội nguồn
Với kịch bản truyền thống, đạo diễn, NSƯT Phương Nhi cho biết, chị đã dàn dựng lại theo tư duy hiện đại, các chi tiết được thay đổi. Cụ thể màn đi hội trong Tấm Cám có ý tưởng riêng, không rập khuôn theo cách xưa của cố đạo diễn Lưu Quang Thuận, mà lược bớt mảng miếng, chi tiết, nhằm lột tả nét đẹp nên thơ của làng quê Bắc Bộ, từ sự uyển chuyển của chiếc quạt nan, đến hình ảnh chông chênh của sóng nước; nét dịu dàng của cô Tấm, hay thậm chí thể hiện tính phản diện trong hình ảnh mẹ con Cám. Nhấn vào điểm đó, đạo diễn Phương Nhi mong muốn làm bật lên hình ảnh chính diện về Tấm, từng đi vào tiềm thức người Việt với vẻ nết na, dịu hiền. Đây cũng chính là sự phá cách trong biểu diễn, kỹ thuật hình họa và hiệu ứng sân khấu, cũng là điểm nhấn khi thể hiện trích đoạn Tấm Cámnói riêng và các trích đoạn khác của vở rối. “Hào quang từ quá khứ là vở mẫu để các thế hệ sau học hỏi. Cái đẹp của các trích đoạn ở chỗ đã khai thác triết lý truyền thống dân tộc, về tình người, tình quê hương, gia đình, làng xóm… Nó luôn có ý nghĩa cho mọi thế hệ người Việt” - NSƯT Nguyễn Phương Nhi nói.
Hào quang từ quá khứ là một trong ba vở diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long tham gia Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ IV, diễn ra từ ngày 10 - 16.10 tại Hà Nội (cùng vở rối cạnHai cây thông và vở rối nước Hồ thiên Nga). NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định, để công chúng thấy được sự chân thực của múa rối khung tranh, nghệ sĩ cần khai thác cái hấp dẫn và độc đáo của nghệ thuật này, bên cạnh đó tìm tòi, phát triển gốc rễ của múa rối từ ý tưởng của người đi trước. “Các tác phẩm được dàn dựng theo hơi hướng của thời đại mới, khai thác các chất liệu hiện đại, nhưng cốt truyện vẫn trở về cội nguồn ViệtNam một cách tự nhiên nhất”.
Hào quang từ quá khứ thể hiện hình ảnh một vị khách đặc biệt được mời tới trường quay tham dự chương trình Văn hóa - Sự kiện. Vị khách ấy là Roberto - nghệ sĩ múa rối ngoại quốc từng sống tại Hà Nội, rất yêu và ngưỡng mộ văn hóa Việt, trong đó có múa rối. Roberto mong muốn được xem lại những vở rối mà ông ấn tượng từ thời thơ ấu, như: Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng…
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/