Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội: Cộng đồng nhận diện di sản sống
Cập nhật lúc : 16:31 09/10/2015
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang triển khai tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Điều đặc biệt của phương pháp kiểm kê lần này là không dựa trên nghiên cứu tài liệu mà dựa vào cộng đồng để nhận diện di sản đang tồn tại.
Chỉ ra sự sống của di sản
“Vấn đề kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được nói đến khá muộn so với di sản vật thể, khoảng 10 năm gần đây. Do vậy, ngay cả trong nhân dân, câu chuyện thế nào là di sản phi vật thể còn rất mơ hồ. Có khi họ đang thực hành di sản, đang làm nghề thủ công có giá trị hoặc hằng năm vẫn tổ chức lễ hội, nhưng không nghĩ đó là di sản, và di sản ấy giá trị ở chỗ nào, cái họ đang làm có góp phần bảo vệ di sản, hay làm cho di sản bị mai một…”. Đó là chia sẻ của TS. Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH), đơn vị phối hợp thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội.
Do vậy, chương trình Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã có các đợt tập huấn cơ bản, nâng cao cho lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận/huyện, cán bộ văn hóa xã, để họ hiểu khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể và biện pháp cơ bản bảo vệ di sản, cũng như cách thức tham gia kiểm kê. Bên cạnh đó, tập huấn những người trực tiếp làm kiểm kê: mỗi xã có một tổ kiểm kê, có đại diện của Phòng Văn hóa - Thông tin quận/huyện, cán bộ văn hóa xã, cộng đồng, cán bộ quản lý văn hóa của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và cán bộ CCH. Trong mô hình kiểm kê ấy, cộng đồng đưa ra thông tin ban đầu về di sản; cán bộ quản lý văn hóa xã, quận/huyện, chuyên gia của CCH tham gia đánh giá và hướng dẫn thẩm định thông tin, cùng thảo luận biện pháp phù hợp để bảo vệ di sản...
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, lần này kiểm kê thực tế, đưa ra danh sách di sản sống. Trước đây có những kiểm kê đã được in thành sách, nhưng thực tế nhiều di sản không còn tồn tại. Đợt kiểm kê này chỉ ra sự sống của di sản, ấy là chỉ ra người nắm giữ, bảo vệ di sản đó. Hơn nữa, kiểm kê còn chỉ rõ giá trị phi vật thể, ví dụ như phong tục tập quán trong tổ chức một lễ hội có những kiêng kỵ, quy định của cộng đồng, cách thức người ta kính trọng, trao truyền di sản ấy...; xác định di sản đã thay đổi ra sao theo thời gian. Đợt kiểm kê cũng giúp cộng đồng biết về di sản, các giá trị và những vấn đề đang đặt ra, từ đó mang tới niềm tự hào, trách nhiệm, họ cũng tự đề xuất biện pháp bảo vệ di sản; năng lực của cán bộ xã, quận/huyện và nhà nghiên cứu cũng được nâng lên... “Dựa vào cộng đồng, giúp cộng đồng tự nhận ra giá trị di sản văn hóa của mình, họ sẽ là những người bảo tồn di sản tốt nhất” - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - Phó giám đốc CCH khẳng định.
Tăng cường bảo tồn và quảng bá
Việc kiểm kê có nhiều mục tiêu, trong đó có lập bản danh mục hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại ở cơ sở; di sản nguy cơ mai một phải có biện pháp cấp cứu; hoặc nghiên cứu xây dựng hồ sơ với di sản có giá trị cao, giúp cho việc bảo tồn di sản tốt nhất. Tại các quận, huyện của Hà Nội, hàng nghìn di sản đã được kiểm kê, khoảng 100 di sản được đưa vào danh mục ưu tiên bảo vệ, trong đó hơn 10 di sản cần được bảo vệ khẩn cấp như: hát trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ); tiếng lóng ở Đa Chất (huyện Phú Xuyên); hát tuồng cổ (Chương Mỹ)... Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, hiện tại CCH phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang thực hiện một số đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có đề án bảo tồn tiếng lóng ở Đa Chất. “Chúng tôi đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phải ghi âm, ghi hình, tư liệu hóa ngay hệ thống tiếng lóng này. Và quan trọng hơn, phải tìm hiểu bối cảnh sử dụng tiếng lóng; quy tắc tạo ra tiếng lóng...”.
Còn theo TS. Lê Thị Minh Lý, từ chương trình Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội phải tăng cường chính sách quản lý di sản văn hóa phi vật thể, trao thêm quyền và nhiệm vụ, năng lực thực hành cho Phòng Quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa - Thể thao; thêm nhiệm vụ quản lý di sản văn hóa phi vật thể cho các Phòng Văn hóa - Thông tin ở các quận/huyện và phải được đưa vào kế hoạch hằng năm. Họ đã có trong tay các di sản văn hóa được kiểm kê, và phải nắm rõ vấn đề gì đang đặt ra với di sản và làm việc với ai để bảo vệ di sản ấy... Đồng thời, Hà Nội cần có cơ chế tài chính hỗ trợ bảo vệ di sản; tăng cường quảng bá di sản, khích lệ cộng đồng tinh thần bảo vệ di sản để tạo ra bản sắc, đặc trưng văn hóa của họ. Và đặc biệt với các loại hình di sản như tập quán xã hội, tập tục tốt đẹp trong đời sống phải nhân lên, biến thành công cụ giáo dục thế hệ trẻ, từ đó duy trì vai trò của di sản trong đời sống đương đại.
Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là chủ trương chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thông tư Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ra đời từ giữa năm 2010, tới nay đã có hơn 40 tỉnh, thành thực hiện kiểm kê. Hà Nội thực hiện kiểm kê với quy mô khá lớn và bài bản, bắt đầu từ năm 2013 (kế hoạch đến hết 2015), với sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Nội dung đề án là: tổng kiểm kê, lựa chọn mỗi loại hình 1 di sản bảo vệ thí điểm để chỉ ra các biện pháp cụ thể với từng loại hình di sản; đánh giá xây dựng cơ chế chính sách bảo vệ di sản phi vật thể Hà Nội; lập hồ sơ khoa học cho một số di sản có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/