In trang

Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt: Đón đầu mục tiêu thiên niên kỷ
Cập nhật lúc : 08:43 03/04/2016

Tháng 12.2016, UNESCO sẽ xem xét đưa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM SANH CHÂU- Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, người đang nỗ lực quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu đến bạn bè quốc tế.

- Từng tham gia giới thiệu và vận động thành công nhiều di sản của Việt Nam trở thành di sản thế giới, ông nhận thấy hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có gì khác biệt?


- Đây là một hồ sơ rất thú vị. Tôi rất hưởng ứng việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi đạo Mẫu bắt nguồn từ văn hóa Việt Nam, khác hẳn với các tôn giáo du nhập vào nước ta. Mẫu là mẹ, đạo Mẫu là thờ chính mẹ chúng ta và thờ thần Rừng, thần Nước, thần Đất, thần Trời. Như vậy tổ tiên của ViệtNamđã đi xa hơn mục tiêu thiên nhiên kỷ của Liên Hợp Quốc vì đã xác nhận rằng chúng ta phải bảo vệ môi trường, phải quan tâm hơn đến phụ nữ. Và đạo Mẫu còn mang tới lòng tự hào dân tộc, khi thờ cả các vị anh hùng của đất nước, đồng thời hiện diện văn hóa các dân tộc: Mường, Tày, Nùng… gắn với chính sách đa dân tộc. Bên cạnh đó là cách thể hiện đầy thẩm mỹ, lôi cuốn và thú vị, đặc biệt là lên đồng - nghi lễ quan trọng nhất của đạo Mẫu.

 

- Được biết, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đang có nhiều hoạt động tích cực để quảng bá di sản này đến bạn bè quốc tế, đại sứ các nước tại Việt Nam, thưa ông?


- Đúng vậy. Tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức giới thiệu vở diễn Tứ phủ lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong đạo Mẫu đến bạn bè trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 20 đại sứ các nước, giúp họ chiêm ngưỡng cái đẹp của lên đồng khi đưa lên sân khấu. Sau đó, chúng tôi tổ chức chương trình mời đoàn ngoại giao về không gian tâm linh Phủ Dầy, Nam Định, để mọi người cảm nhận sâu sắc hơn sự linh thiêng, được tiếp cận cộng đồng con nhang đệ tử, chìm vào tiếng nhạc, màu sắc, những động tác… qua đó thấy được phần nào đặc sắc, ý nghĩa của đạo Mẫu.

 

 

- Theo quy trình, bao giờ thì hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ được xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?


- Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28.3.2015, ViệtNamđã gửi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tới UNESCO đề nghị xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phía UNESCO đã nhận được hồ sơ và đến tháng 6 năm nay, các chuyên gia UNESCO sẽ xem xét hồ sơ này. Theo quy trình, hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12.2016 tại Kỳ họp thứ 11 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 (Công ước 2003) họp tại Ethiopia. Tại đây, các chuyên gia sẽ nêu kiến nghị. Quy trình đó sẽ dựa vào một số tiêu chí mang tính chất kỹ thuật như có truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác hay không; khi được công nhận sẽ tác động như thế nào đến di sản; công tác lưu trữ, kiểm kê…

 

Theo ông, khó khăn trong việc đệ trình hồ sơ này là gì?


- Là phải tìm được sự đồng thuận, để có tiếng nói thống nhất khi giải thích cho chuyên gia xem xét hồ sơ. Nguyên tắc là di sản phải nhận được sự đồng thuận trong cộng đồng. Với hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, những con nhang đệ tử ủng hộ tích cực, nhưng cần có sự đóng góp của xã hội. Tôi muốn trả lại tính chính đáng cho đạo Mẫu vì còn có người biết chưa đầy đủ, hiểu nhầm, khi cho rằng đây là hình thức mua thần bán thánh. Trên thực tế điều đó cũng có xảy ra do bị lợi dụng, nhưng nguyên bản đạo Mẫu rất nhân văn.

 

Ông có thể nhận định về khả năng thành công của hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt?


- Mỗi quốc gia được trình 1 hồ sơ và thường có khoảng 50 hồ sơ nộp lên và được UNESCO duyệt khoảng 35 hồ sơ, tức là 30 - 40% hồ sơ sẽ bị loại. Chúng ta rất hy vọng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ được thông qua bởi các chuyên gia thẩm định đánh giá tốt. Về cá nhân, tôi rất tin tưởng tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

- Xin cảm ơn ông!


Những ước muốn vĩnh hằng


Tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) là tín ngưỡng dân gian thuần Việt có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

 

GS. Ngô Đức Thịnh - một trong những nhà nghiên cứu đạo Mẫu hàng đầu Việt Nam cho biết: Đạo Mẫu có 4 vấn đề gắn với cộng đồng. Một là, đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ. Hai là, đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời này 3 điều: Phúc - Lộc - Thọ, đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người. Ba là, đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa, thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, như Đức Thánh Trần trong đạo Mẫu chính là Trần Hưng Đạo. Bốn là, đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Đây là ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam.

 

Trong đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, mà cả thế giới đang kêu gọi.

 

PV

_________________

Cốt lõi tạo nên giá trị của loài người


Tôi rất vui khi tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi xin chúc mừng tất cả nỗ lực mà ViệtNamthực hiện nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

 

Tín ngưỡng thờ cúng là cốt lõi tạo nên giá trị của loài người, phần cốt yếu trong đời sống tâm linh và chứa đựng giá trị biểu tượng giúp chúng ta hiểu và gìn giữ tài sản vô hình. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu là một phần quan trọng trong công cuộc tìm kiếm sự cân bằng giữa cõi dục giới, cõi sắc giới và cõi vô thường. Các Thánh Mẫu như Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, mỗi Thánh Mẫu đều nhắn nhủ, nhắc nhở chúng ta về sự gắn kết khăng khít và quan hệ cộng sinh của con người với tự nhiên. Thánh Mẫu đã ăn sâu trong tâm tưởng của người Việt và làm tăng giá trị, ý thức về tình thương yêu. Một thế giới đầy tình thương là khởi đầu tiến tới thế giới hài hòa và tri ân. Khi cùng nhau quyết định thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta phải liên hệ tới những giá trị này. Giá trị và tầm quan trọng của các Thánh Mẫu là động lực để hướng tới bình đẳng giới.

 

Tư duy tiến bộ có từ hàng nghìn năm trước đồng thời là lòng tự hào dân tộc thể hiện sự thông thái thấm đượm trong truyền thống văn hóa ViệtNam. Tôi khuyến khích việc tiếp tục tôn trọng và gìn giữ di sản văn hóa, cũng như bảo đảm rằng đó là định hướng cho cuộc sống thường nhật của nhân dân. Tôi cũng xin được đề nghị tiếp tục chuyển giao điều đó cho thế hệ mai sau bởi họ chính là người chủ tương lai của đất nước. 

Bà Katherine Muller - Marin
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

 

Đại biểu nhân dân