In trang

Tìm về ngôn ngữ, văn hóa Việt
Cập nhật lúc : 08:02 03/09/2015

Tự điển chữ Nôm dẫn giải do Gs. Ts Nguyễn Quang Hồng biên soạn, sưu tầm 9.450 chữ Nôm ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt với các ngữ liệu từ 124 văn bản cổ. Tác giả đã dành nhiều năm nghiên cứu, biên soạn tự điển này với mong muốn duy trì sự tồn tại của chữ Nôm, di sản văn hóa của dân tộc.

Tự điển chữ Nôm dẫn giải (NXB Khoa học Xã hội, 2014) gồm 2 tập, dày 2.323 trang, được trình bày theo 2 cột: cột Chữ Nôm và cột Dẫn giải. Ở cột Chữ Nôm ghi rõ hình chữ Nôm, âm đọc và ký mã quốc tế Unicode (theo quy định của ISO) hoặc Vcode (nội mã của Việt Nam). Ở cột Dẫn giải cung cấp các thông tin về cấu tạo chữ, nghĩa chữ và những câu trích dẫn từ nhiều tác phẩm và văn bản khác nhau. Về phần tư liệu, tác giả sưu tầm các văn bản chữ Nôm, từ đó lựa chọn ra 124 đơn vị văn bản (gấp 2 lần so với các tự điển có trước) thuộc nhiều thời kỳ, nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình văn bản. Với những tác phẩm Nôm nổi tiếng, tác giả sử dụng có khi tới 2 thậm chí 3 văn bản khác nhau… Bộ tự điển này thu nạp được 9.200 chữ Nôm (chưa kể gần 250 chữ ở phần Phụ lục) tương ứng với 14.519 âm đọc ghi theo chữ quốc ngữ, trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo chưa có trong các tự điển và phông chữ Nôm hiện dùng.

 

Gs. Ts Nguyễn Quang Hồng cho biết, đã dành nhiều năm nghiên cứu, biên soạn tự điển này với mong muốn duy trì sự tồn tại của chữ Nôm - văn tự đã hình thành lâu đời, một di sản văn hóa quý của dân tộc. Nhiều nhà văn hóa ViệtNamđã sáng tác những áng văn thơ bất hủ bằng chữ Nôm như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… “Văn tự cổ truyền của dân tộc có giá trị như vậy thì không thể bị mai một. Thế hệ trẻ cần phải bằng cách này cách khác tiếp xúc với chữ Nôm và trực tiếp là tự điển. Có một bộ tự điển tương đối nghiêm chỉnh, các bạn trẻ sẽ qua đó dần nắm được hệ thống văn tự và kế thừa di sản đó”.

 

Năm 2006, cuốn Tự điển chữ Nôm - công trình biên soạn tập thể của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng do Gs Nguyễn Quang Hồng chủ biên, là tự điển chữ Nôm đầu tiên, trong đó mỗi đơn vị chữ được dẫn những câu cụ thể từ tác phẩm Nôm (gần 50 văn bản), có 7.888 chữ hình với hơn 12.000 đơn vị miêu tả. Tuy nhiên, nhóm biên soạn đã không dẫn được nguyên văn chữ Nôm, mà chỉ phiên âm theo chữ quốc ngữ. Gs Nguyễn Quang Hồng chia sẻ: “Chưa yên tâm về những gì đã có, tôi đầu tư nghiên cứu, khảo sát tư liệu để biên soạn bộ tự điển chữ Nôm hoàn toàn mới. Số lượng chữ gấp rưỡi so với tự điển chữ Nôm cũ. Cách xử lý hình chữ, nghĩa chữ đều chi tiết, cụ thể…”.

 

Pgs. Ts Trịnh Khắc Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận xét: “Bộ tự điển phản ánh thành quả nghiên cứu nhiều năm của tác giả về chữ Nôm, gồm việc sưu tầm một khối lượng tư liệu phong phú và đa dạng từ hàng trăm tác phẩm và văn bản chữ Nôm, đồng thời phân tích và giải thuyết cặn kẽ các mặt hình - âm - nghĩa của gần chục nghìn chữ Nôm ghi nhận được qua khối tư liệu đó... Một công trình đồ sộ và phức tạp như Tự điển chữ Nôm dẫn giải chắc chắn còn có thiếu sót, nhưng công trình rất có giá trị khoa học và đắc dụng trong nghiên cứu và giảng dạy chữ Nôm hiện nay”.

 

Theo Pgs. Ts Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học: Tự điển chữ Nôm dẫn giải đánh dấu bước tiến của ngành Nôm học nước ta. Không chỉ với những người nghiên cứu Hán Nôm, mà các nhà ngôn ngữ học, nhà sử học, văn hóa học sẽ tìm được trong bộ tự điển này nhiều điều bổ ích, lý thú. Ví dụ, các từ như bánh, rượu (uống rượu), hoặc Nôm có khi nào, sách nào nói tới từ ấy? Hoặc trong các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các địa danh hành chính đều ghi bằng chữ Hán: tổng, hương… vậy từ làng xóm, làng mạc có từ bao giờ?... Không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu Hán - Nôm, cuốn sách có thể phục vụ những độc giả không biết chữ Nôm. Bởi Tự điển chữ Nôm dẫn giải chủ yếu tra theo âm đọc (ghi theo chữ Quốc ngữ), là cách tra chữ quen thuộc của độc giả ngày nay. Song cuối sách cũng có đính kèm Bảng tra theo bộ thủ, nhằm thỏa mãn nhu cầu tra chữ theo bộ, cũng như một số nhu cầu khác liên quan với sự đối chiếu qua lại giữa hình chữ và âm chữ...

 

Gs. Ts Nguyễn Quang Hồng cho rằng, Tự điển chữ Nôm dẫn giải không khó đọc, thậm chí không cần tra cứu, thỉnh thoảng bạn đọc có thể giở sách đọc đôi ba dòng để giải trí, trong đó có nhiều câu thơ hay của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Các văn bản trích dẫn trong sách có từ thế kỷ XII - XX, mang tới cho người đọc không chỉ chữ hay tiếng mà còn nhiều hơn thế. “Hy vọng độc giả cuốn sách không chỉ là các nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ trong lĩnh vực Hán Nôm, mà có lẽ tất cả những ai muốn tìm về hình bóng của ngôn ngữ và chữ viết, văn chương và văn hóa Việt trong quá khứ rất đỗi xa xôi, cũng vô cùng gần gũi với cuộc sống hôm nay”.

 

Người đại biểu nhân dân