Tiếp nối truyền thống - hiện đại
Cập nhật lúc : 08:24 05/06/2016
Sau hơn 3 năm thực hiện, trưng bày đặc biệt Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã hoàn tất, giới thiệu các di tích, di vật gốc đặc sắc, áp dụng công nghệ, thiết kế trưng bày hiện đại của thế giới, tái hiện sống động những phát hiện khảo cổ ngay trong lòng di tích.
Lịch sử vàng son
Với diện tích 3.700m2 dưới hai tầng hầm phía Đông Nhà Quốc hội, trưng bày giới thiệu hơn 400 di vật gốc, khoảng 10 di tích tiêu biểu, đặc sắc nhất trong số hàng chục ngàn di vật khảo cổ cùng 140 di tích của nhiều thời kỳ chồng xếp, đan xen nhau, được khai quật từ những năm 2008 - 2009 tại chính khu vực này.
Lịch sử vàng son qua suốt 1.300 năm, từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ VII - X) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ XI - XVIII) được phản ánh sinh động. Trưng bày cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo diễn biến thời gian từ xưa lại gần, và nội dung được thể hiện lồng ghép, đan cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích là hồn cốt. Các hiện vật khảo cổ, di tích nền, móng kiến trúc của các thời kỳ Đại La, Đinh - Tiền Lê, thời kỳ Thăng Long (Lý - Trần - Lê) được tái tạo dưới mặt sàn giống như bối cảnh khai quật và bên trên là các loại hình di vật được trưng bày kết hợp với hình ảnh, âm thanh, media, trình diễn mapping, đồ họa và ánh sáng hiện đại. Ngoài kiến trúc, vật liệu kiến trúc, giếng nước, đồ dùng sinh hoạt… trưng bày còn tái hiện được phần nào đời sống, văn hóa của người xưa qua việc giới thiệu về đồ chơi dân gian, tục ăn trầu và hút thuốc lào, tượng và đồ nuôi chim cảnh… Bên cạnh đó còn có không gian tương tác, nơi công chúng, đặc biệt là trẻ em được tự do khám phá và trải nghiệm về khảo cổ học; phòng chiếu phim 60 chỗ giới thiệu về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý qua kết quả khai quật, nghiên cứu.
Những phát hiện khảo cổ được tái hiện sống động ngay trong lòng di tích. Các phương tiện trình chiếu hình ảnh, video, ánh sáng, bản vẽ… được hòa trộn, tăng hiệu ứng thị giác cho di tích, di vật khảo cổ, giúp người xem cảm nhận được một thời huy hoàng của dân tộc.
Tái tạo kiến trúc cung điện
Các phát hiện khảo cổ học luôn ẩn chứa nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn, phản ánh các khía cạnh của đời sống và kiến trúc hoàng cung xưa. Tuy nhiên, trước những mảnh vỡ của lịch sử, ngay cả nhà khoa học cũng không dễ dàng hình dung, lý giải, nên việc diễn đạt, đưa tới công chúng là cả thách thức. Với mong muốn giúp người xem hình dung được những giá trị phát hiện khảo cổ học, quy mô công trình kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng, vật liệu tìm thấy tại di tích, ở tầng hầm 1, trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã dựng lại không gian của di tích kiến trúc cung điện thời Lý.
Mặt bằng kiến trúc được trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột ánh sáng hiện đại, gợi mở cho công chúng hình dung về chân tảng hoa sen và 42 cột gỗ to lớn của một công trình kiến trúc cung điện thời Lý, cùng sắc thái độc đáo của bộ mái qua các loại ngói lợp được trưng bày trong lòng kiến trúc. Các hình vẽ, hình ảnh 3D giả định về kiến trúc cung điện thời Lý cũng được giới thiệu. Chủ nhiệm dự án - PGS.TS. Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: “Để nhận diện kiến trúc Hoàng cung Thăng Long là một bài toán vô cùng khó, dù khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích nền móng cung điện và minh chứng một cách rõ ràng về quy mô rộng lớn của các công trình kiến trúc, nhưng không có đủ cơ sở về bộ khung cũng như hình thái bộ mái của các công trình này. Nghiên cứu các loại hình vật liệu kiến trúc tìm thấy, so sánh với kiến trúc cung điện ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng tôi đã mạnh dạn thể hiện để chứng minh kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý có sắc thái văn hóa riêng biệt, với trình độ xây dựng rất tiên tiến và đặc sắc, dựa trên bằng chứng khoa học”.
Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Trưng bày tạo nên biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, để tòa Nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian khu di sản Hoàng thành Thăng Long và quảng trường Ba Đình lịch sử, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Trưng bày cũng góp phần minh chứng sâu hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, phục vụ thiết thực cho công tác quảng bá giá trị di sản.
Trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hộinhư một cuộc cách mạng về bảo tàng Việt Nam. Gọi là “không gian trưng bày”, nhưng thực sự đó là bảo tàng về khảo cổ học. Tất cả xuất phát từ mong muốn của các nhà khoa học, biểu đạt sống động nhất, dễ hiểu nhất, để công chúng có thể tiếp cận, cảm nhận một cách sâu lắng về lịch sử và văn hóa của cha ông, trên chính mảnh đất này… Khi tham quan trưng bày, tôi vô cùng xúc động khi thấy những câu chuyện về lịch sử và khảo cổ học tưởng như rất khó kể, nhưng đã kể được và kể rất hay”.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/