Thiếu kỹ năng, trẻ ngại đọc sách
Cập nhật lúc : 09:33 09/09/2015
Nhiều bậc phụ huynh ý thức rất rõ tầm quan trọng của đọc sách và tìm mua nhiều sách hay, nhưng con không đọc. Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Trưởng ban điều hành dự án về đọc sách của trẻ em Sách ơi mở ra, đã đến lúc cần tạo hứng thú, thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh từ cấp I đến sinh viên đại học, thay vì chỉ trang bị sách cho trẻ.
Nghiên cứu việc đọc của trẻ em, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận thấy thực tế đáng lo ngại là trẻ con lười đọc sách. Không thiếu sách, nhưng trước vô vàn sách với thông tin vô cùng đa dạng, trình bày đẹp mắt, điều gì sẽ thôi thúc trẻ mở cuốn sách ra? Giáo dục thói quen và kỹ năng đọc sách là điều cốt yếu để hình thành văn hóa đọc cho trẻ.
Tại nhiều quốc gia, trang bị kỹ năng đọc sách được đưa vào chương trình, giải pháp phát triển văn hóa đọc. Ở Mỹ, phát triển kỹ năng đọc, tìm kiếm tư liệu được đưa vào môn Văn học. Họ dạy trẻ kỹ năng đọc bản đồ, biểu đồ, thậm chí menu, các loại ký hiệu. Được trang bị từ bé các kỹ năng này sẽ giúp trẻ đọc dễ dàng, thuận lợi, khai thác tối đa hiệu quả thông tin mà việc đọc mang lại. Không chỉ ở Mỹ, đọc sách là môn học chính thống trong giáo dục ởAustralia, từ lớp 1. Tại Phần Lan, một trong những quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển nhất thế giới, chương trình dạy kỹ năng đọc sách được coi là trọng tâm trong giải pháp phát triển văn hóa đọc.
“Ở ViệtNam, kỹ năng đọc cũng được đưa vào sách giáo khoa, nhưng việc triển khai của giáo viên lại bị bỏ ngỏ, và việc đọc được hiểu theo nghĩa hẹp, chủ yếu là đọc văn chương, những tài liệu khác không được quan tâm” - TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận định. Hơn thế, các trường đầu tư nhiều trang thiết bị, tập huấn giáo viên, nhằm đổi mới phương pháp, trong khi thư viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dù các trường vẫn có thư viện, sách và thủ thư. Xét về mặt giáo dục, việc dạy, học là quan trọng, nhưng nỗ lực tự học của học sinh quan trọng hơn. Và nếu tự học là việc cốt yếu của một trường học, thì thư viện phải là trung tâm thứ hai trong nhà trường. Nếu học sinh thích đến thư viện, hoạt động tại thư viện một cách hiệu quả, việc tự học sẽ trở thành hành trang, kỹ năng quan trọng nhất của các em.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, cần có bộ tài liệu dạy học sinh kỹ năng đọc, bên cạnh tập huấn cho giáo viên ở mỗi nhà trường phương pháp dạy học để khuyến khích học sinh tự học, tự đọc; và cũng cần có bộ tài liệu hướng dẫn thủ thư cách biến thư viện trở thành trung tâm văn hóa của nhà trường, nơi kết nối nguồn tri thức. Trước đó, các thành viên dự án Sách ơi mở ra đã tổ chức một số hoạt động làm sống lại thư viện nhà trường. Ví dụ tổ chức chương trình Vua đọc sách, học sinh được khích lệ việc đọc; hay hội thảo giới thiệu sách do trẻ tự tổ chức, trao đổi về sách. Với sự giúp đỡ của người lớn, trẻ em cũng có thể tổ chức hội chợ sách. Khi đó, chúng buộc phải đọc và giới thiệu sách để thuyết phục người mua, không chỉ vậy, người mua cũng tò mò và muốn đọc sách... mang lại hiệu quả và tác động đến xã hội khá lớn. Lợi nhuận được các em dành mua sách, xây dựng tủ sách tặng bạn bè ở vùng khó khăn.
Hiện nay, nhiều phụ huynh quan tâm đến việc đọc và sẵn sàng giúp xây dựng các tủ sách cho trẻ em. Đã đến lúc kết nối những nhân tố tích cực, có thể bắt đầu từ thành phố lớn, để từ đó hoạt động lan tỏa, trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, giúp văn hóa đọc phát triển.
“Là giảng viên, tôi nhận thấy sinh viên lười đọc sách, nhiều em không biết cách đọc một cuốn sách. Không có kỹ năng đọc, việc tự học tất nhiên rất kém... Chính vì vậy, 7 năm qua, tôi xác định nhiệm vụ thứ 2, sau dạy học, là bắt đầu với việc đọc sách của học sinh ngay từ cấp I. Tới nay, chúng tôi đã tổ chức các lớp học dạy kỹ năng đọc sách có thu phí, nhưng số lượng học sinh, phụ huynh tham gia vẫn đông. Rõ ràng, phụ huynh ở thành phố có nhu cầu hướng cho con em đọc sách, trang bị kỹ năng và khơi gợi hứng thú đọc sách cho con... Tuy nhiên, về mặt vĩ mô, chưa có giải pháp toàn diện giải quyết vấn đề này”.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/