In trang

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Tránh học tủ, tăng tự chủ
Cập nhật lúc : 07:51 09/05/2016

“Nếu quá trình học và tích lũy kiến thức của học sinh đã đáp ứng đủ yêu cầu, có thể không cần thi, mà chỉ xét tốt nghiệp THPT… Các trường ĐH, CĐ sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù đào tạo”. Đây là chia sẻ của ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS. NGƯT. Hoàng Văn Cường.

Chấm dứt học tủ, học lệch


- Ông nhận xét gì về dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 Bộ GD - ĐT mới công bố?


- Theo tôi đây là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta phải phấn đấu cao hơn nữa là bảo đảm đủ kiến thức cho học sinh. Nếu như quá trình học và tích lũy kiến thức của học sinh đã đáp ứng đủ yêu cầu, có thể không cần thi, mà chỉ xét tốt nghiệp THPT. Cũng vì thế, áp lực về thi cử sẽ không còn, đồng thời chấm dứt tình trạng học tủ, học lệch như hiện nay. Chúng ta cứ hô hào cấm dạy thêm, học thêm, nhưng còn thi cử thì còn dạy thêm. Chỉ khi nào chuyển sang đánh giá kiến thức trong quá trình học, nghĩa là học sinh đã đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết mà chương trình giáo dục phổ thông đề ra, khi đó chúng ta mới nói không với hiện tượng này.

 

Nếu Bộ GD - ĐT mạnh dạn hơn nữa thì không nhất thiết phải công bố một kỳ thi gồm bao nhiêu môn, mà các môn thuộc chương trình phổ thông của lớp 12 đều phải thi; không phân biệt chính - phụ. Khi đó, chúng ta tổ chức một kỳ thi giống như kết thúc môn học nhưng cũng đồng thời đánh giá học sinh đó đã hoàn thành chương trình là đủ.

 

- Một trong những nội dung đang gây tranh luận là trong 5 bài thi, ngoài 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân)?Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Tôi cho rằng việc cải tiến thi theo tổ hợp các môn sẽ giúp cho thí sinh đỡ áp lực hơn. Như đã nói ở trên, cách làm này sẽ khẳng định không có sự phân biệt giữa môn chính và phụ, mà phải thi tất cả các môn học. Tuy nhiên, kỳ thi cần được đơn giản hóa. Nếu như tất cả các môn học đều phải thi thì sẽ không còn tình trạng trước mỗi kỳ thi, học sinh băn khoăn học cái gì, thi cái gì, chọn cái gì. Với các trường ĐH, chọn môn nào là do mục tiêu, yêu cầu của mỗi cơ sở đào tạo.

 

Cách làm này của Bộ cũng là cơ sở để các trường hướng nghiệp. Nếu môn học nào học sinh thấy hứng thú sẽ đầu tư nhiều hơn, đấy chính là hướng để sau này các em chọn được trường ĐH, CĐ, chuyên nghiệp phù hợp. Mặt khác, nếu chúng ta vẫn chọn cách thi theo khối xưa nay, vô tình sẽ đưa các em vào một khuôn mẫu, không phát triển được tự do trong tư duy.

 

Mở ra tính tự chủ trong tuyển sinh


- Về phía trường ĐH, ông kỳ vọng gì về phương án tuyển sinh sắp tới?


- Vì đây mới chỉ dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho năm tới, do đó tôi chưa dám kỳ vọng nhiều, nhưng cũng xin đưa ra một số mong muốn. Thứ nhất, tiết kiệm chi phí xã hội, tránh tình trạng như năm vừa qua các trường ĐH phải “kéo quân” đi địa phương để tuyển sinh. Thứ hai, tăng cường vai trò trách nhiệm của các trường THPT. Các Sở GD - ĐT phải thấy được trách nhiệm mới cố gắng làm tốt công việc của mình, mở ra tương lai bền vững cho ngành giáo dục địa phương. Thứ ba, dù Bộ GD - ĐT quyết định lựa chọn các môn thi bắt buộc hay tự chọn, song cũng mở ra cho các trường ĐH, CĐ tính tự chủ trong tuyển sinh, một cách làm tiên tiến trên thế giới hiện nay.

 

Khi học sinh đủ kiến thức và kỹ năng, chỉ cần xét tốt nghiệp THPT (Nguồn: ITN)


- Với chủ trương này, các trường ĐH và CĐ có thuận lợi và khó khăn gì trong tuyển sinh năm tới, thưa ông?


- Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và cá nhân tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD - ĐT. Chủ trương này giúp Bộ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, không làm thay quyền năng và không bao biện trách nhiệm của các trường và giáo viên trong hoạt động giảng dạy và đánh giá kết quả học tập. Nếu Bộ có tiêu chí và công cụ hỗ trợ đánh giá phù hợp; các Sở GD - ĐT làm tốt vai trò hướng dẫn, giám sát để các trường thực hiện đúng yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra, thì kết quả sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh tốt nghiệp THPT.

 

Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh và đào tạo. Do vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng và các trường ĐH, CĐ sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đặc thù đào tạo. Nếu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với yêu cầu thì trường ĐH, CĐ có thể dựa vào để xét tuyển. Nếu các trường có yêu cầu riêng sẽ đưa ra hình thức thi tuyển riêng, kể cả tổ chức thi tuyển để chọn sinh viên phù hợp với yêu cầu của trường, hoặc liên kết với các trường có chung nhu cầu để tổ chức thi tuyển hoặc nhờ tổ chức thi.

- Xin cảm ơn ông!

 

Đại biểu nhân dân