Tạo sức sống bền vững cho di sản
Cập nhật lúc : 08:26 04/04/2015
Tại hội thảo quốc tế Tăng cường sử dụng văn hóa phi vật thể trong giáo dục vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây, các đại biểu thống nhất: đưa di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học là cách tốt nhất để phát huy giá trị, tạo sức sống bền vững cho các di sản này.
Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là tài sản vô giá, góp phần làm nên bản sắc của từng địa phương, từng quốc gia; là chất liệu gắn kết cộng đồng, dân tộc; là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu, hội nhập giữa cộng đồng dân tộc và các quốc gia. Song dù là di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể nếu không được giữ gìn sẽ bị mai một. Đưa di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong trường phổ thông đang dần trở thành yêu cầu tất yếu, giúp học sinh có thêm hiểu biết về một loại hình di sản văn hóa, qua đó giáo dục ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả khảo sát tại một số trường THCS cho thấy: chỉ khoảng 21% học sinh biết trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết bài dân ca nào. Đây là thực trạng đáng báo động khi từ đầu năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục. Đây cũng là yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường học nhằm tiệm cận chương trình giáo dục mới đang được xây dựng.
Một phần nguyên nhân, theo đại diện Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Ts Nguyễn Xuân Trường, do năng lực và chuyên môn của giáo viên hạn chế, chưa biết cách vận dụng di sản vào dạy học; hay nguồn tư liệu về di sản ở các trường thiếu, gây khó khăn cho giáo viên khi xây dựng chương trình giảng dạy. Đồng tình với ý kiến này, thành viên dự án Giáo dục di sản trong nhà trường Việt Nam của UNESCO cho biết thêm, hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình khai thác di sản văn hóa phi vật thể phục vụ giảng dạy nên các trường khó triển khai rộng rãi và hiệu quả. Phần lớn chương trình, dự án đã áp dụng đều do các trường tự xây dựng và thực hiện, không có sự giám sát của cơ quan quản lý giáo dục, ngành văn hóa cũng chưa phối hợp cung cấp thông tin chuyên môn về loại hình di sản văn hóa phi vật thể…
Tuy nhiên, một số địa phương đã chủ động đưa di sản phi vật thể vào trường học, như Bắc Ninh với phong trào hát quan họ, Nghệ An với hát bài chòi, Phú Thọ với hát xoan, Lạng Sơn đưa đàn tính, hát then vào dạy học sinh phổ thông và rất được các em hưởng ứng... Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thị Tố Mai cho rằng: không phải học sinh thờ ơ với di sản phi vật thể hay với dân ca, mà cốt yếu là chương trình dạy phải hấp dẫn các em. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa. Vì thế, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Ts Katherine Muller - Marin nhấn mạnh, ViệtNamhướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, song nếu phát triển tăng tiến mà không có bất kỳ sự xem xét nào tới văn hóa và di sản thì không thể bền vững. Phát triển mà không có giáo dục thì hoàn toàn không phải điều chúng ta lựa chọn. Việc lồng ghép văn hóa, di sản vào giáo dục từng chút từng chút sẽ giúp các em dần hiểu hơn về giá trị của các di sản phi vật thể, từ đó tạo hứng thú, yêu thích để tìm tòi cũng như lưu truyền các giá trị này. Đó mới là phát triển bền vững thực sự.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khuyến nghị, việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào trường học, trước mắt là các môn Sử, Địa và Âm nhạc, thời gian tới cần có sự linh hoạt. Tận dụng, khai thác nguồn tư liệu di sản ngay tại địa phương vừa giúp nhà trường, giáo viên chủ động và sáng tạo trong xây dựng chương trình học, vừa tạo sự gần gũi, tình cảm của học sinh đối với các di sản văn hóa phi vật thể trên chính mảnh đất quê hương mình.
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/