In trang

Tại sao văn học Pháp hấp dẫn?
Cập nhật lúc : 07:53 08/02/2016

Văn học tình cảm Pháp từ lâu đã được nhiều độc giả Việt Nam tìm đọc một cách say mê, chủ yếu do sở thích. Dịch giả Bằng Nguyên cho rằng, sức hấp dẫn của văn học Pháp là khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi, từ các em thiếu niên đến những người trưởng thành cần sự chiêm nghiệm cao.

- Là dịch giả gắn bó với thể loại văn học lãng mạn Pháp, theo chị, các tác phẩm này mang lại cho bạn đọc điều gì đặc biệt?


- Hiện nay có nhiều thứ để người ta chọn làm phương tiện giải trí. Nếu ai tìm đến văn chương làm đối tượng giải trí cho mình, có thể họ mang nhiều tình cảm chất chứa trong lòng, đi tìm tâm hồn đồng điệu viết ra điều họ nghĩ. Và những nhà văn lãng mạn tình cảm có biệt tài là nói lên tình cảm, họ viết ra cũng để tìm nguồn giao cảm với mình. Cuốn sách là cầu nối để hai bên gặp gỡ, chia sẻ với nhau. Có sự gần gũi trong tình cảm, họ rất dễ tìm được tiếng nói chung.

 

- Bởi vậy mà thể loại văn học này là thế mạnh của văn học Pháp, chinh phục được công chúng?


- Văn học Pháp vẫn như một tượng đài, trong đó nổi lên văn học tình cảm, vì đất nước Pháp thơ mộng, con người Pháp được coi là lãng mạn nhất thế giới, văn học tình cảm Pháp là thế mạnh cũng dễ hiểu. Tất nhiên bên cạnh đó còn có nhiều tác giả theo các dòng văn học khác. Trong danh sách 10 tác giả văn học Pháp được đọc nhiều trên thế giới còn có những tác giả viết văn học trinh thám, kỳ bí, chưa kể đến dòng văn học đương đại rất khó xếp hạng, vốn có nhiều yếu tố trộn lẫn, ranh giới giữa lãng mạn và hiện thực mờ nhòe, nhưng yếu tố lãng mạn giúp định hình tác phẩm rất rõ nét. Không chỉ được công chúng đón nhận, văn học đương đại đã đem lại cho Pháp 2 giải Nobel vào năm 2008 (nhà văn Jean Marie - Gustave Le Clézio) và 2014 (nhà văn Patrick Modiano).

 

- Tại Việt Nam, sách văn học Pháp, đặc biệt là văn học tình cảm cũng chiếm tỷ lệ cao trong văn học dịch…


- Đúng như vậy. Không chỉ được tìm đọc một cách say mê ở Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới, văn học Pháp được biết đến ở Việt Nam từ lâu và chiếm tỷ lệ khá trong văn học dịch. Đặc biệt, từ sau “cơn sốt” Marc Levy với Nếu em không phải một giấc mơ và một loạt tác phẩm sau đó, tới các tác phẩm của Guillaume Musso, không chỉ giúp khai phá lượng độc giả đông đảo, mà nguồn thu từ các tác phẩm này cũng đáng kể. Từ đó, Nhã Nam - đơn vị dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp, có kinh phí duy trì xuất bản tác phẩm văn học tình cảm Pháp, nhưng được cho là cao cấp và kén người đọc hơn, để phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc Việt Nam.

 

- Nhiều bạn đọc trẻ yêu thích Marc Levy, Guillaume Musso, nhưng cũng có nhiều người lớn tuổi chê tác phẩm của họ là sến, không có sức nặng và để lại ấn tượng gì sau khi đọc. Chị nghĩ sao về điều này?


- Nghĩ tới văn học tình cảm, lãng mạn, nhiều người thường nghĩ cái gì đó xa rời thực tế, nhưng không phải như vậy, cảm xúc của nhân vật được bày hết lên trang giấy. Yếu tố hấp dẫn của các tác phẩm này là khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Theo tôi, thể loại văn học nào cũng có cái hay của nó, có lượng độc giả nhất định. Văn học tình cảm hay bất kỳ dòng văn học nào khác cũng có sự phân tầng về độ tuổi. Chẳng hạn, Marc Levy hay Musso được các bạn từ 30 tuổi trở xuống tới các em cuối cấp 2 tìm đọc nhiều. Nhưng, đến độ chín nào đó, họ sẽ rời bỏ các tác giả này để đến với nhà văn khác có độ chiêm nghiệm cao hơn, và văn học Pháp vẫn đáp ứng được nhu cầu của họ. Chẳng hạn, muốn chất nhân văn, hiện thực đậm nét hơn, có thể nghiên cứu tác phẩm của Anna Gavalda, Grégoire Delacourt, hay tác phẩm của các nhà văn đạt giải Nobel, dù vẫn là văn chương tình cảm.

 

- Xin cảm ơn chị!

 

“Đối mặt với thực tế đầy chuyện xấu, chết chóc, tôi tìm đến văn học tình cảm như một sự cân bằng trong cuộc sống, để nhìn cuộc đời tươi đẹp hơn và thêm tin tưởng: thiện tâm với đời, với người, mình sẽ được đáp trả như vậy”. Dịch giả Bằng Nguyên - người dịch các tác phẩm Ngày mai, Cuộc gọi từ thiên thần, Ngày đầu tiên, Đêm đầu tiên, Ba mét phía trên bầu trời, Mọi điều ta chưa nói... chia sẻ.

 

Đại biểu nhân dân