Tại sao nhiều người Mông học chữ Mông quốc tế?
Cập nhật lúc : 10:37 12/06/2014
Tiếng nói và chữ viết chính là các yếu tố xác lập và cấu thành văn hóa dân tộc Mông. Năm 1961, chữ Mông được chính thức công nhận và đưa vào sử dụng trên cả nước, nhưng bộ chữ Mông chính thống đó hiện không được nhiều người Mông học và sử dụng do khó viết, khó hiểu, họ chuyển sang học chữ Quốc ngữ hoặc chữ Mông quốc tế.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số dân tộc Mông là 1.068.189 người, xếp thứ 8/54 dân tộc, trong đó tập trung cư trú ở các tỉnh miền núi và biên giới phía Bắc, nên điều kiện sinh sống thiếu thốn, khả năng tiếp xúc, giao lưu và nhận thức hạn chế. Chính vì vậy, ngay khi một số tôn giáo phương Tây có dấu hiệu xâm nhập cộng đồng người Mông, việc phổ biến tiếng nói và chữ viết chung cho người Mông càng trở nên quan trọng, không chỉ là cách giữ gìn tiếng nói và chữ viết của một dân tộc thiểu số, mà xa hơn là phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung.
Tiếng nói và chữ viết không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là những đặc trưng quan trọng góp phần phản ánh, lưu giữ quá trình chuyển đổi và phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Ở nước ta, 5 ngành Mông tương ứng 5 phương ngữ là Mông Trắng với Mông Đơ, Mông Hoa với Mông Lềnh, Mông Đỏ với Mông Si, Mông Đen với Mông Đu và Mông Xanh với Mông Dua. Về cơ bản, số liệu điều tra ngôn ngữ học năm 1955 - 1957 của Nguyễn Chỉnh đã chỉ ra, tiếng Mông là một ngôn ngữ thống nhất. Cũng giống như khoảng 12 triệu người Mông hiện nay trên toàn thế giới, người Mông ở nước ta sử dụng phổ biến tiếng Mông Trắng, nhẹ hơn, đơn giản hơn, nói dễ hơn và nhanh hơn. Khác biệt về tiếng nói giữa các ngành Mông chỉ là vốn từ cơ bản, như tiếng Mông Xanh có đến 21,3% vốn từ cơ bản khác và các ngành Mông còn lại, vốn từ cơ bản chỉ khác 4 - 7%. Phần tiếng là vậy song phần chữ viết mới là điều đáng quan tâm. Trước nay, hầu như tất cả các nhà nghiên cứu về dân tộc Mông giữ quan điểm, tiếng Mông là một ngôn ngữ không có chữ viết. Cho dù trong dân ca Mông, đặc biệt là truyền thuyết dân tộc Mông luôn nhắc đến một loại chữ viết cổ mà thực tế lưu giữ cho đến giờ vẫn ghi nhận trên những trang giấy bản thờ cúng tổ tiên, thánh thần và đốt đi cho người chết. Những tờ giấy bản này được đục lỗ theo hình dọc giống như những dòng chữ Nho và người Mông tin rằng, đó là chữ của dân tộc mình từ xa xưa đã bị lấy cắp và mất đi vì lý do nào đó. Thậm chí, chữ viết của họ tồn tại trên hoa văn trang trí váy áo của phụ nữ Mông như sự bảo tồn hữu hiệu qua những cuộc thiên di đầy máu và nước mắt.
Phải đến năm 1961, chữ Mông được chính thức công nhận và đưa vào sử dụng trên cả nước. Bộ chữ Mông này do hai tác giả Nguyễn Văn Chỉnh và Phan Thanh nghiên cứu, biên soạn, dựa trên bộ ký tự Latin theo nguyên lý ghi âm, lấy ngữ âm ngành Mông Hoa (Hmoob Lees) ở vùng Sapa, Lào Cai làm chuẩn, có bổ sung một số âm vị của ngành Mông khác. Tuy nhiên, bộ chữ Mông đó hiện không được nhiều người Mông học và sử dụng, bởi có quá nhiều ký hiệu ghi các biến thể khác nhau của một âm vị, có ký hiệu ghi một số âm chỉ có ở từ vay mượn, chỉ tồn tại ở một số vùng hoặc chỉ một số người phát âm được, còn phần lớn người Mông không biết. Hơn nữa, chữ Mông ViệtNamsử dụng quá nhiều chữ cái để ghi thanh điệu, khiến người sử dụng khó phân biệt với chữ cái ghi âm trong chữ Quốc ngữ. Từ đây, dần dần chính người Mông bỏ học chữ Mông Việt Nam chính thống, chuyển sang học chữ Quốc ngữ hoặc học chữ Mông quốc tế với nhiều nét tương đồng chữ Quốc ngữ, vừa dễ tiếp cận với đồng bào các dân tộc khác trên cả nước, vừa dễ làm quen với đồng bào dân tộc mình trên thế giới.
Khoảng chục năm trở lại đây, từ khi có Chỉ thị 38 ngày 9.11.2004 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, việc dạy và học chữ Mông lại được quan tâm. Bộ GD - ĐT cũng đã có quyết định ban hành chương trình dạy tiếng Mông cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, quyết định này không ghi rõ sử dụng chữ Mông nào, tiếng Mông Việt Nam chính thống biên soạn năm 1961 hay tiếng Mông quốc tế đang phổ biến. Tại hội thảo Chữ Mông ở Việt Nam: thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tổ chức tại Lào Cai cuối tuần qua, các đại biểu đề nghị cân nhắc thống nhất việc sử dụng chữ Mông. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng chữ Mông Việt Nam một cách chính thức và duy nhất thì việc học và sử dụng loại chữ khó viết, khó hiểu, không còn nhiều người sử dụng cũng như không có môi trường giao lưu sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn thế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, đáp ứng nhu cầu hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng Mông quốc tế song song với duy trì ý thức giữ gìn chữ Mông Việt Nam chính thống cũng chẳng dễ dàng.
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/