In trang
Phòng đọc di động Arc - Artists’ book

Tác phẩm nghệ thuật dạng sách
Cập nhật lúc : 08:30 09/02/2015

Lần đầu tiên, artists’ book (ấn phẩm của nghệ sĩ) tới từ nhiều quốc gia được nghệ sĩ Anh Ayesha Keshani giới thiệu tại Việt Nam. Đây cũng là một cách để đưa nghệ thuật tiếp cận công chúng dễ dàng hơn.

Hơn 200 tác phẩm trong Phòng đọc di động Arc thuộc bộ sưu tập của Ayesha Keshani được đưa tới Việt Nam lần này, gồm ấn phẩm của các nghệ sĩ tự làm, tạp chí nghệ thuật, sách minh họa hiện đại, sách ảnh, truyện tranh - văn chương thể nghiệm, dự án số hóa, xuất bản của nhà xuất bản độc lập… đến từ châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Có mặt để trợ giúp và giao lưu với khách tham quan tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội ngày 19 - 20.9, Ayesha Keshani cho biết, cô đặc biệt yêu thích ấn bản của Holycrap - một gia đình sưu tầm nghệ thuật từ Singapore, gồm bố mẹ, con trai và con gái. “Họ cùng nhau xuất bảnRubbish Famzine - đặc san ấn bản một năm hai kỳ - khai phá nhiều chủ đề khác nhau, bộc lộ sức sáng tạo từ hội họa và tranh vẽ, đến thiết kế, nhiếp ảnh và chữ viết. Họ tạo ra đặc san trên hộp bánh và túi đựng rác, từng giành giải thưởng quốc gia và quốc tế với các sáng tạo này”.

 

Trong số hơn 200 artists’ book còn có tác phẩm của nghệ sĩ Mỹ Leah Mackin mang tên C, V. Cuốn sách chỉ có 50 bản, được nghệ sĩ đóng bằng cách khâu các trang sách với nhau. Mỗi trang sách là chất liệu được in lại từ mẩu thừa của tấm in risograph lớn, nhưng nếu nhìn kỹ có thể thấy chúng mang tính chất ba chiều như một tác phẩm điêu khắc… Phòng đọc di động cũng trưng bày Ruja Book - sáng tác của hai nghệ sĩ Tây Ban Nha Ruohong Wu và Jose Ja Ja Ja, nhằm chuyển tải những ý tưởng thực hành nghệ thuật của họ, tập trung vào hình thức vẽ đương đại, thiết kế đồ họa, hoạt hình, sách cho trẻ em…

 

Artists’ book là dạng tác phẩm nghệ thuật dưới hình thức xuất bản. Xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX tại châu Âu, artists’ book đã trở nên phổ biến trong những năm 1960 và ngày càng mở rộng. Đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật và được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập cá nhân hay ở các bảo tàng, thư viện tại châu Âu, châuMỹ,Australia... Artists’ book thường được xuất bản với số lượng nhỏ, thậm chí độc bản, có nhiều hình thức phong phú. Qua lịch sử phát triển, các nghệ sĩ đã thử nghiệm và hình thái linh hoạt của một cuốn sách đã tạo nền tảng để họ khám phá quá trình sáng tác và thể hiện đề tài… Ayesha Keshani cho rằng, artists’ book giúp nghệ thuật dễ dàng tiếp cận với mọi người ở bên ngoài phòng triển lãm hay bảo tàng. Bằng cách này, nó có thể là một phương tiện giao tiếp vô cùng mạnh mẽ. Hơn nữa, artists’ book không đắt như tranh, nên ai cũng có thể lưu giữ một tác phẩm nghệ thuật nhỏ. “Các tác phẩm trưng bày là những cuốn sách của nghệ sĩ tôi yêu thích và sưu tầm từ lâu. Tôi đã dành nhiều thời gian liên hệ với các nhà xuất bản để tìm sách ở các quốc gia, từ Pháp, Anh, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Tôi hy vọng đây là món quà cho những người yêu nghệ thuật ViệtNamkhi được tiếp cận với artists’ book từ khắp thế giới” - Ayesha Keshani chia sẻ.

 

Phòng đọc di động Arc là một phần của dự án “Việt Nam Artists’ book”, do Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF) tài trợ, nhằm giới thiệu artists’ book của Việt Nam và thế giới, tạo điều kiện đối thoại và giao thoa văn hóa, hỗ trợ sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam. Sau khi diễn ra tại Manzi, Phòng đọc di động Arc sẽ tới các địa điểm khác của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế, các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam sẽ được giới thiệu vào tháng 11 tới

 

Người đại biểu nhân dân