Tìm về truyền thống, bước tới tương lai
Cập nhật lúc : 09:50 07/04/2019
Bắt nguồn từ mệnh đề “Truyền thống không đứng yên” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, triển lãm “Mở xưởng: Đừng đứng” là nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ nhằm tái định nghĩa khái niệm truyền thống trong bối cảnh đương đại, khi quá trình toàn cầu hóa tác động tới mọi lĩnh vực đời sống, không loại trừ nghệ thuật.
“Mở xưởng: Đừng đứng”
Sau 4 tháng học hỏi, trao đổi cùng nghệ nhân, ngày 20 - 21.7 vừa qua, 10 nghệ sĩ trẻ đã mang tới những tác phẩm thể nghiệm trong triển lãm “Mở xưởng: Đừng đứng”. Trải qua quá trình làm việc cùng các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương... được gợi từ thực hành nghệ thuật đương đại sử dụng chất liệu bản địa, các nghệ sĩ cùng đưa ra kiến giải về khái niệm truyền thống. Từ đó cho thấy mối quan hệ và vai trò của giá trị cổ truyền đối với sáng tạo mới.
Nghệ sĩ Ngô Thu Hương cho rằng, nghệ thuật song hành với cảm xúc cá nhân trong cuộc sống, trên mỗi chặng đường, cảm xúc, suy nghĩ thoáng qua và đọng lại. Nó thể hiện trăn trở cá nhân nhưng lại có nỗi niềm chung. Video sắp đặt “Những mẩu đối thoại” của chị là cuộc đối thoại về hạnh phúc giữa những hình tượng phụ nữ điển hình, thông qua sử dụng trích đoạn các bộ phim điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ. Các câu thoại, trích đoạn điện ảnh được kết hợp với các đoạn trích trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, như kiến tạo không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Thước phim của Thịnh Nguyễn lại phản ánh nhiều mặt phức tạp của xã hội. Nghệ sĩ tiếp cận một nhóm người ở nhiều vùng, gợi cho họ nhớ lại ký ức, những thứ đã được truyền dạy và tiếp xúc từ xưa. Anh phát hiện truyền thống vẫn chảy âm ỉ trong họ, chỉ là nó bị đứt gãy khi họ bị mất đi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, những con người đó đang bằng mọi cách quay lại nơi sinh ra, và để làm được, họ có cách hành xử mà theo quan niệm thông thường không được gọi là truyền thống. Điều đó khiến nghệ sĩ băn khoăn: Làm một việc không truyền thống để quay được về nơi truyền thống, cái nào sẽ trở thành tương lai của truyền thống?
Trên nền truyền thống, Tuấn Nị tìm câu trả lời “Cải thế nào là Lương?”, bằng cách sử dụng các sample cải lương, tiếng xe ngoài đường, bài cải lương “Hò mái nhì qua Nam ai, Nam bằng”, “Chuyến đò vĩ tuyến”, cùng cách tiếp cận của chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc đương đại. “Tôi đã nghĩ cải lương là thứ luôn thay đổi và phát triển, thế nhưng có vẻ như vẫn có một số khái niệm cố định làm sự thay đổi và phát triển của cải lương bị dừng lại. Thực hành của tôi là một chuỗi tò mò khám phá cách làm khác đi của thể loại âm nhạc quanh mình”.
Như một nối tiếp thế hệ, câu chuyện của các nghệ sĩ lớp trước được kể ở lần “Mở xưởng” này qua phim tài liệu điện ảnh “Nhìn thấy âm thanh” của Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Khai thác đề tài văn hóa dân gian và cuộc sống nội tâm, bộ phim nói về bộ ba nhạc sĩ Việt Nam: Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang và Trung Bảo, đại diện cho phương Đông gặp gỡ tinh thần phương Tây, khám phá sự hồi sinh của văn hóa truyền thống và nghệ thuật hiện đại.
Khơi nguồn sáng tạo
“Mở xưởng: Đừng đứng” khép lại dự án “Tương lai của truyền thống” sau hai chặng đường: Tiếp cận cách làm khác của sân khấu truyền thống và đối thoại với nghệ nhân, nhưng không đóng khuôn định nghĩa hay thực hành ở một điểm đích nào, mà trưng bày là sự gợi mở đầy cảm hứng. Các nghệ sĩ có chung trăn trở cho giá trị văn hóa cốt lõi trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Ở tâm thế sáng tạo, họ nhìn thấy mâu thuẫn giữa cái mới - cái cũ, cái trước - cái sau, cái gì nên loại bỏ và cái gì cần được gìn giữ. Họ nhìn thấy sự đứt gãy và lạc loài của nhiều loại hình sân khấu, giá trị truyền thống. Họ tìm về truyền thống để bước tới tương lai.
Tìm về truyền thống để khơi nguồn sáng tạo vô hình. Như “Giữa những dòng mùa” của Ngô Thị Hải Yến, là câu chuyện bằng tranh màu nước trên giấy. Đó là cuộc tản bộ giữa người và linh thú (nghê) quanh Hà Nội. Sự song hành giữa người và nghê là song hành giữa hữu hình và vô hình, quá khứ và hiện tại, tự nhiên và nhân tạo, mang theo tâm trạng vừa hoài cổ, vừa hiện đại…
Tương lai có thể là gì nếu không phải là giá trị hình thành từ quá khứ được tái thiết và tiếp biến? Câu hỏi đó được đặt ra xuyên suốt dự án “Tương lai của truyền thống” như một đường dẫn cho khuynh hướng nghệ thuật đương đại Việt Nam. Không phủ nhận không gian cởi mở và đa chiều của cuộc tiếp xúc với nền văn hóa khác đã khiến truyền thống ngày càng xa lạ đối với thế hệ trẻ, song để cất lên tiếng nói cá nhân, tham chiếu các giá trị cổ truyền lại là nhu cầu tất yếu.
“Tương lai của truyền thống là cơ duyên để tôi đi tìm cảm hứng cho bước đi sau này của mình”, Trang Linh tâm sự. Chị làm tác phẩm “Mở phòng tập” chỉ với màn chiếu mặt nạ bóng 3D của nghệ sĩ múa đương đại và nghệ sĩ hề tuồng. Gọi đó là buổi tập, cuộc chơi hay cuộc đối thoại đều được, họ cùng trao đổi bằng ngôn ngữ hình thể và kể chuyện, chơi với các cặp khái niệm đúng - sai, tốt đẹp - xấu xa, mâu thuẫn - dung hòa, hòa với chất phóng túng mà tinh tế, trào lộng mà duyên dáng của nhân vật hề trong tuồng, chèo. Khán giả thắc mắc, nghệ sĩ bảo: “Đó chỉ là một chút phép màu nghệ thuật mà có lẽ chị đã bỏ quên bấy lâu trong ngôn ngữ kể chuyện của mình”.
Truyền thống và đương đại trong triển lãm cũng như dự án này vì vậy chính là cách giúp nghệ sĩ tự đặt ra câu hỏi và trăn trở trả lời chúng. Nghệ sĩ Hoàng Anh cho rằng: “Hiển nhiên, tương lai và truyền thống luôn đẩy con người đi sâu truy tầm và tái hiện. Nó tươi mát, mới mẻ, cũng đầy phiêu lưu và chướng ngại, song cho nghệ sĩ biết mình là ai và đến từ đâu”.
daibieunhandan.vn
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/