Sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học: Trao quyền chủ động cho giáo viên
Cập nhật lúc : 08:08 08/00/2016
Bộ GD - ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, vẫn giữ những điểm cốt lõi, cơ bản của tinh thần Thông tư 30, nhưng sửa đổi một số điểm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Giảm áp lực, bớt hình thức
Một trong những sửa đổi quan trọng liên quan đến ý kiến của nhiều giáo viên về việc đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kỹ năng từng môn học, cũng như sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi giữ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số, nhưng không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, thậm chí có thể dùng cả ký hiệu chỉ ra cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng và sửa chữa, viết nhận xét vào vở, sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết. Bên cạnh đó, hồ sơ đánh giá sẽ được giảm nhẹ khi chỉ có học bạ của học sinh và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp thay cho sổ theo dõi chất lượng giáo dục hiện nay.
Sửa đổi này được đông đảo giáo viên ủng hộ. Cô Nguyễn Thái Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc) cho rằng: Việc bỏ quy định cứng nhắc về nhận xét học sinh giúp giáo viên chủ động hơn; giảm bớt khối lượng công việc, đặc biệt là bớt việc ghi chép, chỉ nhận xét khi nhận thấy các em có tiến bộ hoặc cần hỗ trợ, giúp việc nhận xét bớt tính hình thức. Với học sinh lớp 1 chưa thể đọc chữ, giáo viên có thể nhận xét bằng lời, gắn với từng bài học cụ thể, không còn vừa ghi nhận xét trong vở, vừa đọc cho các em nghe... Bên cạnh đó, việc giảm tải sổ sách cho giáo viên là điều nên làm, thay vì mất quá nhiều thời gian cho việc viết đánh giá, nhận xét, giáo viên sẽ có thời gian để đầu tư cho giáo án và hoạt động giảng dạy.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng lo ngại, với quy định như vậy, các thầy cô giáo sẽ lơ là trong nhận xét học sinh. Bà Phạm Thanh Hòa, phụ huynh một học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) băn khoăn: Bỏ điểm số, và không bắt buộc nhận xét, thì học sinh sẽ không biết năng lực bản thân. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực chuyên môn, có tâm với nghề để giúp học sinh hứng thú, có động lực học tập.
|
Lượng hóa kết quả học tập
Điểm mới của Dự thảo là bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng việc lượng hóa kết quả học tập. Giữa và cuối học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo 3 mức A, B, C. Trong đó, mức A: Học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục; mức B: học sinh nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục; mức C chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Riêng học sinh lớp 4 và 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ I và giữa kỳ II với môn Toán, Tiếng Việt để tiếp cận với yêu cầu của bậc THCS. Bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân, không dùng để so sánh em này với em khác...
Cô Phạm Thị An - giáo viên Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội nhận xét: Dự thảo sửa đổi lần này đã có nhiều bổ sung hợp lý, đặc biệt việc phân mức đánh giá thành A, B, C thay vì chỉ nhận xét: Hoàn thành và Không hoàn thành, sẽ giúp phụ huynh biết được cụ thể lực học của con em mình. Một học sinh nhận được mức A chắc chắn sẽ hứng thú bởi biết mình đang tiến bộ. Vẫn biết rằng chúng ta không nên tạo áp lực điểm số, xếp loại cho học sinh tiểu học, nhưng theo cách đánh giá như hiện nay, học sinh đạt phổ điểm từ 5 - 10 sẽ được nhận xét như nhau, không kích thích được hứng thú học tập, cũng như không tạo động lực để các em phấn đấu, tiến bộ. Tất nhiên, điểm số này không phải để gây áp lực cho học sinh mà nhằm giúp giáo viên và phụ huynh nắm được tình hình học tập của học sinh, từ đó có kế hoạch, quan tâm hơn hoặc cải thiện phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Tuy nhiên, đánh giá về phẩm chất và năng lực học sinh, nhiều ý kiến cho rằng sự khác biệt giữa các mức đánh giá còn có yếu tố mơ hồ: Nhận thức đầy đủ và chưa đầy đủ, hứng thú - chưa thật hứng thú - chưa hứng thú, tự tin - chưa thật tự tin - giáo viên sẽ khó đánh giá vì biểu hiện của học sinh giữa các buổi học, các môn học, các hoạt động là khác nhau, trong khi chưa có được bộ tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực cho từng độ tuổi...
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý, Bộ GD - ĐT sẽ xem xét chỉnh sửa cho phù hợp để bắt đầu thực hiện Thông tư ngay trong năm học mới 2016 - 2017.
Trước thực trạng việc khen thưởng cho học sinh tiểu học mỗi trường một kiểu như năm học vừa qua, dự thảo Thông tư 30 sửa đổi cũng quy định cụ thể việc khen thưởng, gồm khen thưởng cuối năm và khen thưởng đột xuất. Trong đó, khen thưởng cuối năm có ba mức: Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện; Học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập, rèn luyện; Học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/