In trang

Sử dụng vốn ODA trong giáo dục - đào tạo: Thiếu phối hợp
Cập nhật lúc : 08:22 12/00/2015

Giai đoạn 2004 - 2014, lĩnh vực giáo dục - đào tạo được Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA), tuy nhiên chất lượng và hiệu quả các dự án sử dụng ODA ra sao là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm.

10% vốn ODA dành cho giáo dục


Tại Phiên giải trình của Chính phủ do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức sáng 28.12, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến cho biết, những phiên họp gần đây, ĐBQH nói nhiều về hiệu quả sử dụng vốn ODA, bởi đây là vốn vay phải trả. Ông băn khoắn, có thể khẳng định, lượng hóa được chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn ODA trong giáo dục hay không? Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: “Với kinh nghiệm quản lý và sử dụng vốn ODA từ năm 1994, bắt đầu với Dự án Giáo dục tiểu học do Ngân hàng Thế giới tài trợ, trải qua hơn 20 năm liên tục được tiếp nhận và quản lý, sử dụng nhiều chương trình, dự án do các nhà tài trợ khác nhau, hầu hết các dự án ODA của Bộ Giáo dục - Đào tạo đều được đánh giá là hoàn thành, đạt mục tiêu dự án. Tuy còn chậm trong giai đoạn khởi động, nhưng kết quả thực hiện các dự án ODA của Bộ luôn được các nhà tài trợ đánh giá tốt”.

 

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước và các địa phương còn hạn chế, nguồn vốn ODA đã góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, nhất là ở những khu vực đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, nguồn vốn này có tiếp tục dành cho giáo dục - đào tạo hay không, khi từ nay đến hết năm 2017, giáo dục chỉ còn 2 dự án hỗ trợ THCS và THPT của Ngân hàng Thế giới, và 1 dự án của Ngân hàng Phát triển Á châu? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung giải trình: Giáo dục là một lĩnh vực được ưu tiên. 10 năm qua, mức giải ngân vốn ODA cho giáo dục - đào tạo lên đến 2,1 tỷ USD, chiếm trên 10% tổng ODA giải ngân cho toàn bộ nền kinh tế. Trong thời gian tới, nguồn vốn ODA sẽ giảm dần. Năm 2018, Ngân hàng Thế giới sẽ không tiếp tục cho vay ưu đãi, chỉ có các nguồn vốn kém ưu đãi. Năm 2019, Ngân hàng Phát triển Á châu cũng ngừng cho vay ưu đãi. Một số nguồn tài trợ song phương đã chấm dứt viện trợ không hoàn lại. Trong giai đoạn tiếp theo, chiến lược định hướng huy động, quản lý sử dụng ODA căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, với 3 khâu đột phá, trong đó có “tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”. Như vậy, việc ưu tiên vốn ODA cho giáo dục - đào tạo vẫn còn, theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như đầu tư cho dạy nghề.

 

Tự điều chuyển kinh phí


Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Xuân Trường: Việc phân bổ nguồn vốn ODA cho giáo dục phải chăng cần xem xét kỹ hơn. Nếu dựa trên các tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ học sinh nhập học thô THCS, nhập học tinh, tỷ lệ bỏ học, lên lớp, lưu ban... thì có lẽ chưa đủ, phải đánh giá cả về công tác quản lý nhà nước. Bởi có những tỉnh, thành, các tỷ lệ trên thấp không phải do khó khăn, mà do quản lý nhà nước. Hơn nữa, hiện nay quản lý các dự án sử dụng vốn ODA bất cập bởi có quá nhiều ban quản lý. ĐBQH Lưu Thành Công đồng tình, cho biết thêm: khi giám sát ở một trường cao đẳng nghề, Tổng cục Dạy nghề có Ban quản lý, phân bổ nguồn vốn này, đến trường cũng có Ban quản lý. Chi phí cho nhân lực, đầu tư phòng, máy tính, các phương tiện khác, lên đến 10%. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thành lập ban quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn ODA ở cấp khu vực, chuyên nghiệp hơn, giảm bớt số ban quản lý và chi phí.

 

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận thực tế: “Một số tỉnh, thành phố điều chuyển kinh phí từ chương trình, dự án này sang dự án khác, trong khi mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, dự án được giao chưa hoàn thành nhưng cũng không báo cáo về ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia trung ương”. Như vậy là các tỉnh đã tự ý sử dụng không đúng nguồn vốn phân bổ - ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các bộ trong việc quản lý nguồn vốn, phê duyệt dự án, cấp kinh phí cho các dự án cụ thể, công tác thanh kiểm tra ra sao?

 

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình được thiết kế từ đầu, nhưng dòng tiền được chuyển về tỉnh, Bộ không biết, địa phương cũng không có trách nhiệm báo cáo. Bộ Giáo dục - Đào tạo không thể chịu trách nhiệm khi không quyết chuyện ấy. Do vậy, cần có quy định thế nào đó quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm báo cáo chi tiết trước HĐND địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TNvà NĐ Đào Trọng Thi cho rằng: Cơ chế quản lý phối hợp giữa các cơ quan cólỗ hổng. Thiết kế chung từ Trung ương, căn cứ vào thiết kế ấy mới phân bổ kinh phí về địa phương. Quyền xử lý linh hoạt kinh phí do địa phương quyết định là cần thiết, nhưng cũng phải dựa trên thiết kế chung. Phải thêm khâu kiểm tra, xem họ có thực hiện đúng hay không, không đúng thì phải giải trình được tại sao lại điều chỉnh, từ đó xem xét cần hay không cần, hiệu quả hay không, tùy tiện hay sáng tạo. Hiện nay chúng ta phân cấp nhưng không có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Vì thế, việc gắn kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý, điều phối dự án ở trung ương với cơ quan quản lý, thực hiện dự án ở địa phương và cơ sở thụ hưởng dự án thời gian tới cần làm tốt hơn.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý: Từ năm 2004 - 2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 12 dự án ODA, trong đó 7 dự án đã hoàn thành, 5 dự án tiếp tục triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 232 tỷ USD. Các dự án ODA đã giúp tăng cường cơ sở vật chất thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy nghề và thực hiện mục tiêu dạy nghề. Sử dụng nguồn vốn ODA thời gian vừa qua tuy hiệu quả nhưng còn nhiều vướng mắc: Năng lực tổ chức thực hiện dự án nhiều nơi yếu, thủ tục hành chính nhiêu khê, sự phối hợp giữa bộ ngành, trung ương, địa phương còn hạn chế, một số quy định giữa nhà tài trợ và Việt Nam còn không phù hợp. Nếu gỡ được những vướng mắc này, hiệu quả còn cao hơn.

 

Đại biểu nhân dân