Quan trọng nhất là đảm bảo kỳ thi trung thực, công bằng
Cập nhật lúc : 15:41 08/06/2014
Sáng 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014. Hội nghị được truyền trực tuyến tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo về thực trạng giáo dục ĐH Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và ban hành chính sách, chỉ đạo, quản lý và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH. Trong năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT đã soạn thảo, trình Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ĐH, tạo căn cứ pháp lý thực hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Toàn cảnh Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014
tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VA
Theo đánh giá chung, những năm qua, vị trí, vai trò của công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất đã được các trường nhận thức đúng đắn. Với sự đầu tư của nhà nước nhiều trường đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang và môi trường sư phạm tốt, điển hình như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng… Tuy nhiên, bất cập về cơ sở vật chất vẫn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của đào tạo ở nhiều mặt.
Về đội ngũ giảng viên, tính đến năm học 2013-2014, số giảng viên trong các trường ĐH, CĐ là 91.633 người, tăng gần 4000 người so với năm trước, trong đó số giảng viên có học hàm Giáo sư là 517 người; Phó Giáo sư là 2.966 người…Tuy nhiên so với yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù các trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhưng cho tới nay công tác này còn một số tồn tại, hạn chế.
Cũng tại Hội nghị, đề cập đến đổi mới tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia có hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT (cần có những môn bắt buộc để đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông của học sinh); là cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng; kết quả của kỳ thi đạt độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng để xét tuyển vào trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuổi trẻ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra 3 vấn đề với mong muốn sau hội nghị sẽ có những giải đáp thấu đáo. Thứ nhất, Phó Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi với tư cách của một người dân: “Con tôi, cháu tôi học ở trường nào thì có việc làm? có thu nhập tốt? Học ở trường nào ra thì có cơ hội học lên cao, học ở các nước tiên tiến? Những câu hỏi này chính là hình dung về hệ thống giáo dục ĐH thế nào, các trường xếp hạng ra sao.
Thứ hai, việc đầu tư vào giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục ĐH, CĐ và dạy nghề rất lớn nhưng luôn thiếu trong khi nhu cầu học ĐH cao. Làm sao để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư? Làm sao để các trường công sử dụng tiền ngân sách hiệu quả hơn? Tự chủ ĐH là thế nào, khuyến khích tự chủ ra sao? Tại sao có trường xin tự chủ không được, cũng có trường được tự chủ nhưng cũng không tự chủ?
Thứ ba, về vấn đề đổi mới tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thêm, ai đóng vai trò xếp hạng, kiểm định chất lượng các trường ĐH, nên chăng để các cơ quan độc lập làm công tác này hay để Bộ GD&ĐT, Chính phủ? Phó Thủ tướng gợi ý, xu hướng xếp hạng, kiểm định chất lượng không nên để Bộ GD&ĐT làm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhân dân mong những thông tin rõ ràng về kỳ thi THPT quốc gia. Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT công bố sớm thông tin thi cử trước khi khai giảng năm học mới. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một kỳ thi quốc gia, kỳ thi này để làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ. Thi môn gì chưa quan trọng bằng đảm bảo kỳ thi trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất cho người dân, khuyến khích con cháu ham học.
Phó Thủ tướng nêu rõ, cần tính toán kỹ trong giai đoạn trước mắt, đồng thời kỳ thi này cũng nên thiết kế làm sao để làm căn cứ đáng tin cậy cho kỳ thi ĐH./.
(ĐCSVN)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/