Phô diễn giá trị hiện vật
Cập nhật lúc : 08:30 11/03/2015
Việc trưng bày trang phục, nhạc cụ dân tộc… chỉ là biểu hiện bên ngoài của văn hóa phi vật thể. Nếu không phô diễn giá trị bên trong của nó thì công chúng chỉ hiểu được một phần câu chuyện hiện vật và bảo tàng chỉ đáp ứng nhu cầu thị giác.
Cái nhìn chân xác về văn hóa
Văn hóa phi vật thể tiềm ẩn trong trí nhớ, tập tính, hành vi, ứng xử của con người và thông qua các hoạt động sống của con người trong sản xuất, giao tiếp xã hội, trong hoạt động tư tưởng và văn hóa nghệ thuật mà thể hiện ra, khiến người ta nhận biết được sự tồn tại của nó. Các chuyên gia đánh giá, sẽ là không công bằng trong việc thụ hưởng các giá trị văn hóa nếu như công chúng tham quan bảo tàng không được trải nghiệm đầy đủ giá trị văn hóa, bao gồm cả vật thể và phi vật thể.
Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc ViệtNam, TS. Nguyễn Thị Ngân cho biết: “Việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào trong các bảo tàng xuất phát từ câu chuyện hiện vật. Bảo tàng có cây đàn, bộ cồng chiêng, dàn ngũ âm… nhưng nếu chỉ thuyết minh đó là văn hóa của dân tộc này, dân tộc kia thì chưa thấm sâu vào người xem. Chẳng hạn, tái hiện cảnh làng quê Việt Nam xưa thì có cây đa, giếng nước, mái đình nhưng khi khách nghe được tiếng sáo thì họ mới thực sự thả hồn vào không gian yên bình. Như vậy, nếu không trình diễn, không phô giá trị bên trong ra, thì công chúng mới hiểu được một phần câu chuyện hiện vật và bảo tàng chỉ đáp ứng nhu cầu thị giác, còn các giác quan khác thì chưa giải quyết được”.
Thống kê hiện nay, nước ta có khoảng 148 bảo tàng, trưng bày hàng nghìn hiện vật, trong đó có những hiện vật gắn với các hoạt động văn hóa phi vật thể gồm trang phục, nhạc cụ, lễ cụ, đồ nghề truyền thống… ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa nhận định: “Cùng với hiện vật, quá trình tái hiện bản sắc văn hóa phi vật thể thông qua sự thể hiện, trình diễn và giới thiệu của chính cộng đồng - những hiện vật sống sẽ mang đến cho khách tham quan cái nhìn chân xác về văn hóa. Nhờ đó, di sản văn hóa phi vật thể không những được bảo tồn bền vững mà còn có cơ hội được giới thiệu và quảng bá rộng rãi, mang lại lợi ích về cả tinh thần và vật chất cho cộng đồng”. Đây cũng chính là xu hướng chuyển từ quan niệm bảo tàng tĩnh sang động, giúp việc thụ hưởng các di sản văn hóa tại bảo tàng được nâng lên hơn so với trước đây.
Tôn trọng nguyên bản
Tiếp cận xu hướng Bảo tàng học mới, mấy năm gần đây, nhiều bảo tàng đã tổ chức hoạt động gắn với di sản văn hóa phi vật thể, như: chương trình Sắc xuân miệt vườn tổ chức thường niên (từ năm 2007) tại Bảo tàng Cần Thơ; chương trình Dân ca Nam Bộ, Hò Đồng Tháp ở Bảo tàng TP Hồ Chí Minh; trình diễn trò chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; trải nghiệm văn hóa truyền thống tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Tuy nhiên, các hoạt động này chưa nhiều, đa phần diễn ra theo kiểu “đến hẹn mới lên” và cũng chỉ gói trong vài ngày. Theo nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học ViệtNam, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, nhiều bảo tàng hiện nay tổ chức hoạt động trình diễn di sản phi vật thể nhưng chưa hiệu quả: “Các bảo tàng tổ chức trình diễn nhưng lại chưa tạo cơ hội để nghệ nhân được giao lưu, thuyết trình, giới thiệu về đặc sắc văn hóa của mình cho công chúng tham quan cũng như chưa tạo điều kiện để họ chia sẻ những trăn trở, khó khăn trong việc lưu truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đó”.
Việc trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng phụ thuộc vào các nghệ nhân, nhưng mời họ không đơn giản, nhất là trước tình trạng ngày càng thui chột nghệ nhân như hiện nay. Hội thảo Bảo tàng - Cộng đồng, quan niệm và cách tiếp cận mới đây đưa ra sáng kiến là ngoài nghệ nhân, đối tượng trình diễn di sản văn hóa phi vật thể có thể là cán bộ bảo tàng hay nghệ sĩ sân khấu. Tuy nhiên, tổ chức như thế nào để hoạt động trình diễn giữ được bản chất của di sản? PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng, đó là quá trình đòi hỏi phải có những biện pháp mang tính khoa học: “Ở cộng đồng, đó là sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống của nhân dân, lên sân khấu là biểu diễn nghệ thuật, nhưng khi đưa đến bảo tàng thì phải đề ra những phương pháp, triết lý mang tính khoa học, vừa giúp khách tham quan hiểu, yêu và có ý thức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo đúng giá trị gốc của nó”.
Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh: “Ngoài việc giới thiệu bằng băng đĩa, hình ảnh, phim tư liệu… thì đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo tàng là một cách làm hay. Nó giúp công chúng được gần gũi với di sản, thỏa mãn nhu cầu sống cùng di sản và ngược lại cũng giúp cho giá trị di sản văn hóa phi vật thể được lan tỏa. Đối với di sản là nghề truyền thống thì không mấy khó khăn nhưng những di sản có tính chất trình diễn thì không phải việc dễ dàng. Cách làm tốt nhất là dựa trên sự tôn trọng nguyên bản, phải làm cho nó càng tiệm cận cuộc sống càng tốt, chứ không đạo diễn, can thiệp, sân khấu hóa di sản phi vật thể đó”.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/