In trang

NSƯT Trần Minh Ngọc: Diễn hay, sẽ có khán giả
Cập nhật lúc : 08:33 11/04/2016

Theo NSƯT Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III, sân khấu Việt Nam tuy phát triển chậm, nhưng cách hướng đến sự tìm tòi không lạc hậu lắm so với các quốc gia có điều kiện sân khấu tiên tiến. Tuy nhiên, chúng ta cần đa dạng cách làm, cách thể hiện, tạo nên sự hấp dẫn của sân khấu để thu hút khán giả.

Diễn viên muốn giỏi, phải có nhân vật


 

- Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III, Hà Nội 2016 vừa kết thúc. Qua trình diễn của các đơn vị nghệ thuật, ông thấy có độ vênh giữa sân khấu Việt Nam và quốc tế không?


 

- Thú thật lúc đầu tôi lo tác phẩm Việt Nam bịđuối, nhưng không ngờ lần này chúng ta lại có những thử nghiệm tốt. Có thể, sân khấu Việt Nam có cách hướng đến sự tìm tòi không lạc hậu lắm so với các nền sân khấu tiên tiến. Như tìm tòi qua sự tạo hình của hình thể, hay 2 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh dù không hẹn, lại có khuynh hướng giống nhau, và giống với cách làm của nghệ sĩ Panama. Điều đó cho thấy, dù khoảng cách địa lý khá nhau xa, nhưng cách tìm tòi, sáng tạo của nghệ sĩ hai nước rất gần nhau. HoặcHamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam, đâu có thua thế giới. Tôi đã xem 4 - 5 bản dựngHamlet khác nhau, mỗi bản có nét riêng. Ta chưa có nhà hát hiện đại, nhưng đã tạo ra một sân khấu hoàn toàn chuyển động. Đấy là sự sáng tạo đáng ghi nhận.

 

 

Các vở diễn cũng cho thấy sân khấu của Việt Nam và các nước trong khu vực đã có sự phát triển so với cách đây 10 năm, bởi khát khao tìm cái mới, cách thể hiện mới của sân khấu là điểm chung.

 

 

- Ông từng nhấn mạnh vai trò của người biểu diễn với sức hút của sân khấu. Diễn viên Việt Nam đã đáp ứng được mong đợi ấy chưa, thưa ông?


 

- Đội ngũ diễn viên sân khấu trong nước, nói về nghề, thì không thua thế giới. Chúng ta có nhiều diễn viên tài năng, nhưng diễn viên muốn giỏi thì phải có nhân vật để đóng. Bản thân mỗi diễn viên sau đào tạo có trình độ nhất định để làm chuyên môn, nhưng phát triển được hay không, lại phụ thuộc ở chỗ có được sống với nhiều nhân vật khác nhau, những vai khó, vai lớn kiểu như Juliet, Romeo, Hamlet... còn nhân vật tàng tàng trong đời sống thì không mấy ý nghĩa. Rất tiếc, sân khấu Việt Nam đang thiếu những nhân vật ấy. Chính vì thế, tiềm năng để diễn hay như kịch nước ngoài thì không thiếu, nhưng chúng ta lại chưa có được nhiều nhân vật như vậy cho diễn viên của mình thể hiện.

 

 

 

Cảnh trong vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, tác phẩm được đánh giá cao về thiết kế sân khấu


 

Không thua về sáng tạo


 

- Nhiều người kỳ vọng sẽ tìm ra cách đổi mới sân khấu Việt, kéo khán giả trở lại với sân khấu...


 

- Hiện nay có cảm giác chúng ta chỉ làm một loại kịch. Hay nói bóng bẩy là chúng ta có nhiều chuyện, nhưng chỉ một cách kể. Trong khi đó, các vở diễn của nghệ sĩ thế giới cho thấy, họ ít chuyện, nhưng nhiều cách kể. Thực tế, có nhiều cách làm sân khấu và chính những hình thức ấy sẽ tạo nên cái hấp dẫn, vẻ đẹp của sân khấu. Nếu ta làm hay, chắc chắn sẽ có khán giả. Khán giả ở đâu cũng có điểm chung là chờ đợi được xem vở diễn hay.

 

 

Qua Liên hoan lần này gợi ý cho chúng ta nhiều cái để làm cho vở diễn hay. Ví dụ, chúng ta quan niệm vở phải có chủ đề lớn, tư tưởng thật rõ ràng; coi trọng nội dung và coi nhẹ hình thức; coi nặng lời đối thoại, còn nhẹ về diễn làm sao cho có tình huống, cho hấp dẫn. Chính vì những thói quen đó, chúng ta đã viết ra một loạt loại vở diễn không hấp dẫn. Trong khi điều quan trọng là khán giả phải thấy mình trên sân khấu, nói được những vấn đề liên quan đến đời sống của họ. 

 

 

- Sân khấu Việt có thể rút ra bài học gì từ Liên hoan này, thưa ông?


 

- Ta có thể thua thế giới về kỹ thuật, nhưng không thua về sáng tạo. Tuy nhiên, xem kỹ các vở diễn của các nước, ta học hỏi được nhiều điều. Trong đó, cần phải được đầu tư, hoặc tự đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho sân khấu. Bởi nhiều sự tìm tòi của tác phẩm trong Liên hoan dựa vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ media, mà nếu không có yếu tố đó, ta không có cách nào phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung vào nghệ thuật biểu diễn, người biểu diễn, bởi mọi sự thử nghiệm đều do diễn viên thực hiện. Cái ý thức nồng nhiệt, sự say mê là từ diễn viên. Hơn nữa, trong hội nhập, mỗi nền văn hóa có nét riêng, ta nên học hỏi tinh hoa từ họ để làm giàu nghệ thuật sân khấu của mình.

 

 

- Xin cảm ơn ông!

 

 

 

Đại biểu nhân dân