In trang

Nhân ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4): Lời khan kể đến bao giờ?
Cập nhật lúc : 09:41 04/09/2016

“Giờ đây, người ta không còn thấy lời khan vang vọng khắp buôn làng, không còn nghe bà con í ới gọi nhau đi nghe khan như trước. Tiếng cồng chiêng vì thế như trầm xuống, giọng khan bởi vậy bớt hân hoan…”, nghệ nhân Y wang H’wing nói.

Giao cảm đại ngàn


Trong trang phục khố quấn, áo chàm sọc đỏ xẻ tà, nghệ nhân Y Brắt Êban, 79 tuổi, đại diện buôn làng uống hớp rượu đầu, xin phép tổ tiên cho chiêng rung, cồng nẩy, sử thi ngân vang: “Nào! Hãy trầm mình cùng trời đất để trò chuyện với thần linh đại ngàn. Nào! Hãy đóng một chiếc khố, quấn một chiếc áo và hòa vào đêm khan. Thiếu tiếng khan, tiếng krứt, tiếng chiêng - Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối...”. Tiếp lời, chiêng gióng liên hồi thúc giục, thanh âm vang rền quyện với hương rượu cần và hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa bập bùng. Khắp nhà dài, giọng Êđê cất lên, mê hoặc. Nhà chàng Đăm Săn dài hết một tiếng chiêng ngân, hiên nhà dài bằng một hơi ngựa chạy… Chàng là cây tông lông ngọn cao tận trời mây… Công chàng to lớn sắp chạm cả trời…


Đêm kể khan (còn gọi là hát sử thi) của người Êđê được tái hiện tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội, cho chúng tôi cơ hội được sống trong không gian đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Các nghệ nhân xã Cư Pui, huyện Krông Bông và xã Eatul, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk trình diễn trích đoạn sử thi về anh hùng Đăm Săn, anh hùng Đun Bru, anh em Edam Bhu - Edam Bha… Đây là đặc sản văn hóa được dân tộc Êđê truyền từ đời này sang đời khác. Lời khan răn dạy về nguồn gốc tổ tiên, đấu tranh thiện - ác, tinh thần lao động, sức mạnh chinh phục thiên nhiên… Không gian của buổi hát sử thi là không gian thiêng. Ở đó, con người và thần linh không còn khoảng cách. Ở đó, cả người kể lẫn người nghe, bất kể giới tính, tuổi tác, dân tộc khác nhau… đều chìm đắm trong mối giao cảm núi rừng.

 

Tham dự đêm kể khan tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Cường - người gắn bó với văn hóa Tây Nguyên - chia sẻ: “Trong nhà dài, bên bếp lửa bập bùng, thưởng thức rượu cần và nghe kể khan, tôi thấy xúc động, mê say. Dù không phải người Êđê, không biết tiếng Êđê nhưng tôi cảm, cái cảm đủ để tôi yêu và có thể viết ca khúc về nó”.

 

Ăn năm, uống tháng


Đối với người Êđê, hát sử thi từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành sinh hoạt nghệ thuật không thể thiếu dịp lễ hội, đón năm mới, mừng cất nhà, lễ bỏ mả, mùa rẫy hoặc những đêm trăng sáng… Nghệ nhân Y wang H’wing - người được ví là “báu vật sống” của loại hình kể khan Êđê cho biết: “Lễ hội là dịp mọi người tụ tập nghe khan đông nhất, lâu nhất. Ở nhà dài, nhà mồ, pô khan (người kể khan) ngồi chính giữa, đàn ông ngồi trên kpan (ghế dài) đánh chiêng theo nhịp kể, phụ nữ và trẻ con quây quanh bếp lửa. Sang mùa rẫy thì mượn cái rảnh rỗi của buổi tối mà tập trung ở chòi nghe khan, đêm sáng trăng thì mượn ngọn đèn trời”. Kể khan thường bắt đầu từ chập tối đến rạng sáng hôm sau, ít cũng 3 - 4 đêm, thậm chí cả tuần. Người Êđê gọi đó là những đêm ăn năm, uống tháng. “Không có khan, tháng năm tẻ nhạt, hội hè buồn bã, lao động không hăng say, đến ăn uống cũng chẳng thiết tha gì nữa”. Vì tiếng chiêng ngân nga, vì lời khan càng kể càng cuốn hút nên ai nấy đều yêu thích đến nỗi “buổi tối mọi người ngồi nghe khan như thế nào, buổi sáng vẫn thấy họ ngồi đông nguyên như thế”.

 

Bên hiên nhà dài, nghệ nhân Y wang H’wing hào hứng kể cho chúng tôi kỷ niệm về những ngày “bám” ông ngoại đi nghe hát sử thi, ngày chăn trâu mà ngồi nghe khan đến quên cả thời gian, rồi cái đêm đầu tiên được kể khan trước buôn làng… “Vì nghe miết nên thuộc, cái khan nó thấm vào máu, mình trở thành pô khan cũng nhờ những đêm như thế. Nhưng đấy là hồi điện chưa về buôn, lễ hội còn nhiều. Bây giờ thì…”. Ngưng lời, ông khẽ cười, đôi mắt nặng trĩu!

 

Nhà nước tổ chức mới có!


Cùng với sự chuyển mình ở vùng cao nguyên, đời sống đồng bào dân tộc được nâng lên, vật chất ngày càng tiện nghi, nhu cầu tinh thần được đáp ứng bởi các loại hình giải trí hiện đại… Thói quen sinh hoạt theo đó mà thay đổi. Những đêm khan ít dần. Nghệ nhân Ama H’Loan, buôn AKõ Dhông, TP Buôn Mê Thuột cho biết: “Trước kia đêm khan xuất phát từ nhu cầu của bà con. Bất kể lúc nào dân làng tụ họp, hễ cứ thấy các cụ, các chú bác biết kể khan thì mọi người đòi nghe kể. Giờ thì ngay ở nguồn cội của sử thi Êđê, chỉ khi nào Nhà nước tổ chức mới có. Nhà nước quan tâm tôi vui lắm vì được quảng bá cái hay, cái đẹp của dân tộc mình, nhưng cũng xót xa trước tình trạng mai một của nó”.

 

Thống kê ở Đắk Lắk, số người nắm đầy đủ sử thi Êđê hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết lớn tuổi, trẻ nhất cũng đã 50. Nhiều năm qua, tỉnh đã phối hợp với nghệ nhân mở lớp dạy khan nhưng ít người theo học và đa phần chỉ học cho biết chứ không có khả năng thực hành, truyền dạy. “Làm thế nào để khan không bị mất đi, thậm chí phát triển? Đầu tôi cứ loay hoay mãi với câu hỏi đó”. Tâm sự của nghệ nhân Ama H’Loan cũng là nỗi niềm chung của những người yêu, gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này...

 

“Nếu không quan tâm gìn giữ, tối đa chỉ 30 năm nữa thôi, khi lớp nghệ nhân cuối cùng mất đi, không chỉ sử thi mà nhiều giá trị truyền thống của đồng bào cũng biến mất. Hoặc còn thì cũng chỉ trên băng đĩa, tivi, sách báo… chứ không phải việc thực, người thực. Bây giờ chỉ có cách truyền lại cho lũ trẻ. Chúng tôi tha thiết đưa văn hóa này vào trường học, nơi có điều kiện dạy cho các em một cách đầy đủ, để các em biết, yêu và gắn bó với nghệ thuật dân tộc Êđê mình” - nghệ nhân Ama H’Loan nói.

 

Đại biểu nhân dân