In trang
Cảnh trong vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính".

Nhà hát Chèo Quân đội phục dựng vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”: “Thổi hồn” mới vào chuyện xưa tích cũ
Cập nhật lúc : 08:31 11/03/2015

Những cái tên Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp, Lý Trưởng… trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” cùng giai điệu chèo truyền thống mượt mà, sâu lắng từng làm say đắm biết bao người Việt Nam. Việc Nhà hát Chèo Quân đội vừa phục dựng vở diễn kinh điển này, thêm một lần đáp ứng nhu cầu của khán giả muốn tìm về những giá trị đích thực của nghệ thuật chèo truyền thống.

1-Từ bé, tôi đã bị mê hoặc bởi những giai điệu chèo truyền thống ngọt ngào, đằm thắm với ca từ chuyển tải nỗi niềm về nhân tình thế thái, thân phận con người trong xã hội phong kiến, nhất là thân phận người phụ nữ phải cam chịu bao nỗi đắng cay, tủi hờn, éo le, bất hạnh bởi những mối quan hệ “tù túng” sau lũy tre làng. Một trong những nhân vật ấy là Thị Kính, người con gái nết na, thùy mị, đảm đang, nhưng đã bị xã hội phong kiến giáng họa lên đầu biết bao nhiêu ngang trái khiến cả cuộc đời phải sống trong oan nghiệt. Dẫu Thị Kính đã lặng lẽ ra đi khi nỗi oan còn chồng chất trong lòng, nhưng cái chết của chị vẫn ánh lên niềm tin cho cuộc đời bởi đó là một trong những vẻ đẹp tiêu biểu cho tiết hạnh, phẩm giá của người phụ nữ thuần Việt. Xem diễn viên trẻ Hà Nga của Nhà hát Chèo Quân đội nhập vai Thị Kính từ đầu đến cuối vở diễn “Quan Âm Thị Kính”, không chỉ riêng tôi, mà nhiều khán giả “nam phụ lão ấu” không khỏi lắng lòng, xúc động, cảm thông với nỗi đau tột cùng của nhân vật và thêm một lần đánh giá cao về khả năng diễn xuất nhuần nhị của Hà Nga.

 

2-Cùng với Hà Nga, diễn viên trẻ Hương Giang trong vai Thị Mầu cũng làm “say lòng” khán giả, vì chị đã thể hiện khá thành công một trong những vai diễn thuộc diện khó nhất trong các tích chèo cổ. Từ lâu, nhân vật Thị Mầu với tính cách háo tình, lẳng lơ đến mức cuồng si, từng là “thử thách” của không ít diễn viên khi thủ vai đào lệch này. Đây là một trong số ít vai diễn kinh điển, mẫu mực của nghệ thuật chèo cổ, nếu diễn viên không đủ các tố chất “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” thì rất khó có thể biểu diễn suôn sẻ. Diễn viên trẻ Hương Giang có lợi thế “thanh, sắc”, nên suốt quá trình luyện tập vai diễn Thị Mầu, chị phải rất kiên trì, chịu khó, chịu khổ tập luyện mới có thể toát lên được “thục, tinh, khí, thần” phả vào nhân vật. Hương Giang tâm sự rằng, từng động tác, cử chỉ, điệu bộ, nhất là ánh mắt “siêu lẳng lơ” của Thị Mầu phải công phu luyện tập rất cực nhọc ngày này qua ngày khác mới có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đạo diễn. Phải “tung tăng, hoạt náo” liên tục trên sàn diễn, nhất là ở đoạn “Thị Mầu lên chùa”, vừa đối thoại, vừa hát, vừa diễn, nhưng Hương Giang đã nỗ lực vượt bậc để “lột tả” được thần thái, tính cách của Thị Mầu ở trong một hoàn cảnh “trớ trêu” nhất. Sự “nhập đồng” của Hương Giang vào “hồn vía” Thị Mầu trên sân khấu đã được khán giả tán thưởng bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt.

 

3-Ngoài Hương Giang, những diễn viên như Ngọc Sơn, Thu Hải, Văn Tân, Văn Cường, Thu Hà, Quốc Khánh… cũng diễn khá “ngọt” các vai Mãng Ông, Sùng Bà, Sùng Ông, Phú Ông, Mẹ Đốp, Lý Trưởng… Trong đó, Thu Hà nổi bật hơn với vai diễn Mẹ Đốp-một người đàn bà “bụng mang dạ chửa” tuy làm cái nghề dưới đáy xã hội phong kiến là “nghề mõ”, nhưng thông qua sự đối đáp hết sức thông minh, sắc sảo, dí dỏm và có phần chua cay với Lý Trưởng, Mẹ Đốp đã lên án, vạch trần sự ngu si mà hợm hĩnh của Lý Trưởng-nhân vật đại diện “quyền uy” cho cái làng xã phong kiến thối nát.

 

Ba nam diễn viên Đình Lục, Văn Giang, Xuân Dương cũng làm hoạt náo sân khấu khi biết “thổi hồn” vào ba nhân vật “đặc biệt” trong vở diễn là cụ Đồ, thầy mù và Hương câm. Chứng kiến cái cảnh “người mù, kẻ câm, người điếc” khệnh khạng ra chiếu làng cùng bàn việc xử phạt, ăn vạ “cô Thị Mầu chửa hoang” mới thấy bộ mặt “hội đồng bô lão” làng quê thời phong kiến lố lăng, kệch cỡm đến nhường nào. Khán giả cười đấy, mà vẫn cảm thấy “đau” đấy. Bởi vì, cùng với Phú Ông gian giảo, Lý Trưởng hách dịch, chính cái hàng ngũ bô lão “vô công rồi nghề” ấy đã gây bao phiền toái, khổ đau cho dân lành, làm cho xã hội nông thôn thời phong kiến như bị “gông cùm” bởi những luật lệ hà khắc. 

 

4-Hôm tổ chức tổng duyệt vở diễn “Quan Âm Thị Kính” của Nhà hát Chèo Quân đội có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Hồ Trọng Đào, Cục trưởng Cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn. Ba vị tướng ngồi ở ghế đầu, ánh mắt hầu như không bao giờ rời khỏi sân khấu trong suốt thời gian 2,5 giờ của vở diễn. Ở những đoạn cao trào, “nút thắt” hay chuyển cảnh, các vị tướng quân cùng hòa vào tràng vỗ tay với khán trường để cổ vũ, tán thưởng những vai, cảnh, màn diễn đặc sắc nhất. Riêng “vị tướng tuyên huấn” Nguyễn Phương Diện thỉnh thoảng lại lấy chiếc smartphone chụp những hoạt cảnh, vai diễn mà mình yêu thích.

 

Ngồi bên cạnh tôi là NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Chị tỏ ra rất chăm chú khi xem các đồng nghiệp, nhất là diễn viên trẻ của Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn vở “Quan Âm Thị Kính”. Chị Thanh Ngoan nhỏ nhẹ với tôi rằng, mỗi lần Nhà hát Chèo Quân đội công bố vở diễn mới, chị đều được mời sang tham dự. Lần nào sang dự, chị cũng bất ngờ về khả năng “làm mới” của chiếu chèo quân đội. “Quan Âm Thị Kính” là một trong 7 vở chèo kinh điển, mẫu mực của nghệ thuật chèo truyền thống. Việc Nhà hát Chèo Quân đội phục dựng vở diễn này là một hướng đi đúng nhằm bảo tồn, quảng bá những nét đặc sắc của nghệ thuật chèo dân tộc. Điều tôi cảm nhận được là các diễn viên chèo mặc áo lính đã biết “thổi hồn” mới vào chuyện xưa tích cũ nên thu hút sự quan tâm và chắc chắn sẽ làm hài lòng khán giả”-NSƯT Thanh Ngoan bày tỏ.

 

Đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, Đại tá, NSƯT Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội là người “vui như mở cờ trong bụng” vì theo anh, các diễn viên trẻ của nhà hát đã làm chủ được nhân vật, làm chủ sân khấu khi diễn vở chèo kinh điển này. Điều anh tâm niệm nữa là, thông qua vở diễn “Quan Âm Thị Kính” còn nhằm bồi đắp tình yêu nghề nghiệp, giá trị di sản của nghệ thuật chèo dân tộc cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công nhà hát để tạo điều kiện cho anh chị em tiếp tục rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần phục vụ bộ đội và nhân dân ngày càng tốt hơn.

 

Riêng người viết bài này chỉ ao ước rằng, nếu như các diễn viên trẻ luyện thanh tốt hơn nữa, thể hiện các làn điệu chèo truyền thống “ngọt” hơn nữa thì tiếng hát trên chiếu chèo quân đội sẽ càng thêm vang xa!

 

QĐND