Mùa trăng tháng Tám
Cập nhật lúc : 08:17 09/01/2015
Với mong muốn con trẻ được trải nghiệm lễ hội Trung thu truyền thống với những nét đặc trưng ngàn đời nay. Mùa trăng tháng Tám này, Hà Nội có nhiều chỗ vui chơi dành cho các em nhỏ với vô số lựa chọn phong phú, hấp dẫn.
Trải nghiệm Tết trông Trăng đúng nghĩa
Đối với nhiều người, Trung thu ngày nay đã thay đổi khá nhiều so với ngày Tết Trung thu cổ truyền trước đây. Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng, nói về Trung thu cổ truyền giống như tìm về một miền ký ức vậy. Sự thay đổi về xã hội hiện nay khiến cho nhiều nếp cũ đã thay đổi. Ở thành thị, hầu hết các gia đình đều bận rộn, và chính các bậc phụ huynh đã quên lãng, hoặc không hiểu ý nghĩa của Trung thu. Không còn thấy những đám rước rồng, múa lân trong thành phố, mâm cỗ trung thu, những chiếc mặt nạ hay trò đốt hạt bưởi. Cơ hội trông trăng giữa lớp lớp những tòa nhà cao tầng cũng trở nên xa xỉ. Người ta chỉ hiểu là Tết Trung thu thì mua đồ chơi cho trẻ con, càng tiện lợi càng tốt.
Quá khứ đó thật may mắn vẫn chưa trở thành hoài niệm, nhưng cũng đủ là thực trạng để thấy sự cần thiết phải khuấy động để văn hóa truyền thống có được vị trí nhất định trong đời sống đương đại. Để cho các em nhỏ biết tới một thú chơi mà thế hệ trước đã từng được chơi, nhóm Đình làng Việt phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Lễ hội Trung thu 2015 “Rước Trăng chơi phố”. Đến với ngày hội, các em không chỉ được đón một cái Tết trông Trăng ý nghĩa, được trải nghiệm văn hóa dân gian đúng nghĩa mà còn được hòa mình vào một không khí ngày hội truyền thống mà không phải ở đâu cũng có được.
Với nhiều thế hệ người ViệtNamtrước đây, đốt hạt bưởi là trò chơi không thể thiếu trong mỗi Tết Trung thu. Nhưng với trẻ em hôm nay, nhất là trẻ em thành phố, đốt hạt bưởi là một trò chơi xa lạ. Chính vì vậy, Lễ hội Trung Thu 2015 “Rước trăng chơi phố” mở cuộc thi đốt hạt bưởi đón trăng. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp các em thiếu nhi có cơ hội tìm hiểu về nhiều trò chơi, đồ chơi truyền thống trong Tết Trung thu xưa, như: cách làm mặt nạ, đèn ông sao, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy hay đèn kéo quân…
Sự kiện này nhằm tạo cho các em nhỏ sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần hình thành nhân cách, giáo dục truyền thống, gìn giữ các bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường tinh thần đoàn kết và rèn luyện kỹ năng hoạt động tập thể cho thiếu nhi. Thúc đẩy và quảng bá tình yêu di sản, yêu văn hóa dân tộc trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Những sân chơi như vậy không chỉ cho trẻ em mà ngay cả phụ huynh cũng có dịp ôn lại và không lãng quên những trò chơi truyền thống của dân tộc. Trung thu truyền thống dù có thay đổi thế nào thì những nét đặc trưng của một lễ hội truyền thống cũng không thể mất đi.
Trực tiếp tham gia làm đồ chơi truyền thống
Việc khôi phục các lễ hội phố nghề, khôi phục những lễ hội có từ trước và đầu tư những lễ hội mới mà lễ hội Trung thu là điển hình luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Nhằm giúp cho các em nhỏ hiểu hơn về giá trị Tết Trung thu cổ truyền, mỗi năm đến dịp Trung thu, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cũng như biểu diễn nghệ thuật. Nếu như những năm trước, các em chỉ được thưởng thức bằng mắt thì năm nay, các em lại được trải nghiệm, trực tiếp tham gia học làm đồ chơi truyền thống bằng những vật liệu từ tự nhiên do chính các nghệ nhân đến từ những làng nghề thủ công của Hà Nội hướng dẫn.
Hay như ở Bảo tàng Dân tộc học, năm nay chương trình Trung thu với chủ đề “Sắc màu văn hóa Cần Thơ” sẽ giới thiệu nhiều hoạt động như: trình diễn múa hát dân gian, ẩm thực, các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, như thường niên, Bảo tàng Dân tộc học ViệtNamtiếp tục tổ chức các hoạt động khác như hướng dẫn làm đồ chơi dân gian, làm cốm theo lối cổ truyền, kể chuyện về Trung thu... Các em nhỏ có thể trải nghiệm hoạt động này với sự hướng dẫn của các chú, bác thợ thủ công. Từ những chiếc đèn lồng, ông tiến sĩ giấy hay mặt nạ do chính mình làm, các em có thể hiểu về từng đồ chơi dân gian, giúp các em có tình yêu với truyền thống, đối với di sản.
Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cũng là một hoạt động đáng chú ý. Dự án đã góp phần khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống, nâng cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Đây cũng chính là sân chơi lành mạnh, giúp các em hình thành thói quen làm việc theo nhóm. Tham gia Dự án, các em được học cách bồi mặt nạ, sử dụng bút lông, tô màu... Bên cạnh đó, các bạn nhỏ còn được học cách phân biệt mặt nạ truyền thống của ViệtNamvới mặt nạ của các quốc gia khác; tìm hiểu các loại mặt nạ sử dụng trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Có thể nói, những chương trình được tổ chức vào mùa Trung thu năm nay góp phần đưa trẻ em về với Tết Trung thu truyền thống, đưa các em đến với những giấc mơ cổ tích, góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền, đại diện Dự án Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu chia sẻ: Trong số các loại hình đồ chơi Trung thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình mất nhiều thời gian, công sức nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian thường được ông bà, bố mẹ làm cho trẻ nhỏ. Sau này, việc làm mặt nạ, đồ chơi không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa. Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi chơi Trung thu phải trải qua nhiều các công đoạn, được các nghệ nhân nắm giữ bí quyết và trao truyền. Trò chơi sáng tạo mặt nạ Việt của dự án lần này hy vọng sẽ nhận được sự yêu mến, tham gia của các em thiếu nhi cũng như cả cộng đồng
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/