In trang
Các nghệ nhân biểu diễn tại Liên hoan Hát then - đàn tính 2015

Một kho tàng văn hóa dân tộc quý giá
Cập nhật lúc : 08:50 09/09/2015

Then không thuần túy là loại hình văn hóa tín ngưỡng mà còn là nghệ thuật tổng hợp, là kho tàng quý giá về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào Tày, Nùng, Thái.

Vượt lên tín ngưỡng


Then xuất phát từ nhu cầu thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cầu xin sự chở che, giúp đỡ của lực lượng siêu nhiên để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy vậy, lời ca và âm nhạc xuất hiện trong toàn bộ quá trình hành lễ, không có đàn tính, xóc nhạc đệm và hát không gọi là then. Tại hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, vừa diễn ra tại Tuyên Quang, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhận định: “Gần bốn nghìn câu thơ, với muôn vàn câu chuyện, từ chuyện đời sống, bản mường, chim muông, chuyện tình yêu đến chuyện phu phen tạp dịch… đã làm cho lễ cúng then trở thành màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Những đêm then, những câu chuyện then diễn ra đã trở thành những buổi trình diễn nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của người Tày, Nùng, Thái hàng trăm năm nay”. 

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, then vượt ra khỏi các nghi lễ cúng bái do các thầy then tiến hành và nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong quần chúng. Then phản ánh cả những vấn đề của cuộc sống hiện tại và trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn được nhiều người yêu thích, trong đó có cả giới trẻ. Nhà nghiên cứu then Ma Văn Đức cho biết: “Làn điệu then giải quyết vấn đề tín ngưỡng nhưng trong đó cũng chứa lời răn dạy con người; ca ngợi về đạo đức, phản ánh, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ và mở rộng hơn là tình yêu thiên nhiên, đất nước. Có thể thấy, then chính là môn nghệ thuật tổng hợp đựng chứa cả thơ ca, nhạc, múa… nó đánh thức vẻ đẹp tâm hồn, khơi dậy trong ta về giá trị thẩm mỹ, nhân văn”.

 

Trong Liên hoan Hát then - đàn tính diễn ra tại Tuyên Quang từ ngày 24 - 26.9, có sự xuất hiện một số nghệ nhân lớn tuổi lần đầu biểu diễn trên sân khấu làn điệu then cổ kết hợp với một số nghi lễ trong đời sống tâm linh của người Tày - Nùng - Thái. Ông Ma Văn Đức đánh giá đây là tín hiệu vui trong việc quảng bá di sản then đến với cộng đồng trong nước và quốc tế: “Điều đó đã phản ánh sự đa dạng, phong phú của then, đồng thời từng bước khui ra được những giá trị mà bao lâu vẫn nằm trong rương, trong hòm, chưa được nhận thức xứng đáng”.

 

Khó bảo tồn then cổ


Then là kho tàng quý giá về di sản văn hóa cổ truyền, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của người Tày, Nùng, Thái cũng như chứa đựng giá trị nhân văn, dân tộc và mang tầm nhân loại như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu. Tuy vậy, tương tự nhiều loại hình di sản văn hóa nghệ thuật tín ngưỡng, việc bảo tồn, phát huy giá trị của then là vấn đề nan giải, đặc biệt là cách ứng xử và phương thức bảo tồn then nghi lễ tín ngưỡng. Các tỉnh, thành có then cũng đều khẳng định tình trạng khó khăn trong công tác bảo tồn then cổ.

 

 

TS. Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá: Then đang đứng trước nguy cơ mai một về nghệ nhân, rơi rớt về các làn điệu, mất mát về phong tục tập quán, dần dà thui chột bản sắc văn hóa độc đáo do thiếu người kế cận. Vấn đề bảo tồn hát then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp với xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng hát then… đang đặt ra từng ngày, từng giờ. Không thể bảo tồn, phát triển nếu không còn then cổ.

 

Theo thống kê của các tỉnh có đông người dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên… trung bình mỗi tỉnh có khoảng vài chục thầy then và những người biết hát then - đàn tính có khoảng hơn 300 người. Thầy then phải đảm nhiệm hai chức năng kép là trình diễn nghệ thuật dân gian và phục vụ công việc cúng bái. Muốn làm được điều này, họ phải vừa có năng khiếu âm nhạc, vừa phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện cũng như được cộng đồng tín nhiệm.

 

Vì vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa: “Nghệ nhân chính là yếu tố quan trọng, yếu tố trung tâm và là vốn quý của việc lưu giữ và trao truyền giá trị di sản văn hóa then”. Tuy vậy, “trước thách thức hiện nay, các địa phương có nguồn Then cần gấp rút và liên tục sưu tầm các nghi thức, nghi lễ hát then, tiến tới phục dựng và đưa then cổ vào chương trình giảng dạy trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp” - TS. Lê Thị Bích Hồng đề xuất.

 

Người đại biểu nhân dân