Món quà ý nghĩa
Cập nhật lúc : 16:09 02/08/2016
Thay cho phong bao lì xì là một cuốn sách và lời chúc năm mới hạnh phúc! Năm thứ 2 Chương trình Sách hóa nông thôn thực hiện tặng sách trong đêm giao thừa và năm mới, nhằm đưa vào xã hội hoạt động chia sẻ tri thức vì một xã hội Việt Nam nhân văn và sáng tạo.
Đêm giao thừa và những ngày đầu năm Bính Thân 2016, 4.000 bản sách đã được Chương trình Sách hóa nông thôn tặng cho bạn đọc trên khắp ba miền, ở cả nông thôn và thành thị, đủ thành phần, từ học sinh, sinh viên, công an, công nhân... Trong đó, TP Hồ Chí Minh (1.000 bản), Huế (700 bản), Quảng Trị (300 bản), Vinh, Nghệ An (300 bản), Hà Nội (210 bản), Hà Nam (230 bản), Bắc Ninh (250 bản), Vĩnh Phúc (268 bản), Bắc Giang và Hải Dương (550 bản), Doanh nghiệp Minh Phương Hà Nội nhận 200 bản để tặng cho cán bộ công nhân viên.
Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thôn cho rằng, tặng sách ngay trong những ngày đầu xuân để nhân dân biết việc nâng cao dân trí, đọc sách và chia sẻ tri thức cho người Việt Nam là rất quan trọng. Tết 2015, anh Thạch đã phát sách vào đêm giao thừa và mồng 1 Tết, khi đi bộ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, nhưng năm 2016 được làm với quy mô rộng lớn hơn, nhiều người tham gia hơn. 10h30 tối 30 Tết, 210 bản sách đã được phát hết tại Hà Nội. 700 cuốn sách đã tặng hết ngay thời khắc 0h ở quảng trường Ngọ Môn, Huế. Người nhận sách rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhận được sách tặng vào giờ phút thiêng liêng nhất trong năm. Bạn Minh Tự, tổ chức tặng sách ở Huế cho biết: Huế đã từng là một trung tâm sách, nhưng giờ người đọc sách không nhiều. Mình rất muốn cho Huế trở lại vị thế của một trung tâm sách. Huế là không gian tuyệt vời để ngồi đọc sách!
Bạn Hoàng Thanh Thảo tham gia tặng sách tại đường hoa Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh thì kể: Mới đầu mọi người nhìn chúng tôi với vẻ lạ lẫm, dường như việc tặng miễn phí ở xứ mình là điều gì đó hấp dẫn nhưng đáng ngờ. Khi được hỏi “Anh chị có thích đọc sách không?” thì nhận được nhiều cái lắc đầu. Nhưng khi nói “tụi em tặng sách miễn phí cho những người thích đọc sách” thì nhiều người dừng lại, và câu hỏi đầu tiên là “Điều kiện gì để được tặng vậy?”. Một số học sinh THCS, THPT reo lên khi được tặng sách, vui hơn khi các em nói “cháu đọc cuốn này rồi”, “cháu có cả một tủ sách ở nhà”, hay “cháu đọc hết cả tủ sách của bố cháu rồi”… Các ông bà già cũng cảm thấy thích thú khi được tặng sách. Có 2 ông bà dẫn theo 4 đứa cháu đang tuổi học sinh phổ thông, ông nhận quà xong, giảng giải cho các cháu về giá trị của sách. Nhiều người chọn cuốn Đắc nhân tâm cho con cháu mình, với hy vọng chúng “sống tử tế”… Hoàng Thanh Thảo cho rằng, “Người ta quen tặng nhau tiền bạc, hoa trái, rượu bia trong dịp Tết nên bất ngờ khi món quà lại là sách. Hy vọng sau ngày hôm nay, cùng với hành động của các bạn trên cả nước, hình ảnh tặng sách - đọc sách sẽ dần trở nên thân quen và đáng yêu trên quê hương chúng ta”.
Trả lời về điều ước trong năm mới, anh Nguyễn Quang Thạch mong 15 triệu trẻ em nông thôn có sách đọc như trẻ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Anh... Hy vọng năm 2017, ViệtNamsẽ có hệ thống tủ sách đến lớp học và mạng lưới tặng sách vào giao thừa và năm mới ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Đưa hình ảnh tặng sách vào xã hội với tần suất càng cao càng tốt. Các hoạt động chia sẻ tri thức trong xã hội sẽ dần hình thành trực cảm nhân văn, sáng tạo cho người dân” - anh Nguyễn Quang Thạch nói.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/