Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III: Hội ngộ của sáng tạo và đổi mới
Cập nhật lúc : 08:16 11/02/2016
Sau 3 lần tổ chức, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm Hà Nội đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hướng tới tìm kiếm, sáng tạo cách làm, cách kể mới, qua đó làm giàu nghệ thuật sân khấu.
Làm mới cái cũ
16 vở diễn tham dự Liên hoan cho thấy những thử nghiệm cách làm mới cái cũ, tìm kiếm cách kể mới một nội dung, một câu chuyện phản ánh các mối quan hệ xã hội với nhiều vấn đề của đời sống, đề cao tình người. Chẳng hạn, nghệ sĩ Philippines viết lại Romeo và Juliet cho sân khấu dân gian; Nhà hát Thế giới Trẻ, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh dựng lại, Việt hóa câu chuyện về Medea của Eunipide. Giấc mơ - tác phẩm kịch thơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi được Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ thể nghiệm 5B TP Hồ Chí Minh kết hợp hài hòa giữa lời thơ và diễn xuất, giữa hiện thực đời sống và tâm linh, giữa sàn diễn hiện tại với quá khứ lịch sử nhân loại. Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam thử nghiệm thành công khi họa sĩ làm nên một không gian sân khấu động; thì trong Bão(Đoàn kịch nói CAND dựng từ tác phẩm William Shakespeare viết khi cuối đời), đạo diễn đã dùng cơ thể người để làm cảnh trí, bối cảnh cho diễn xuất. Chim hải âu của đoàn Nhật Bản, từ câu chuyện tâm lý sâu sắc chuyển thành câu chuyện đầy hành động, lôi cuốn bởi cách diễn táo bạo, nồng nhiệt...
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, sự thử nghiệm đã hướng các tìm tòi đến sự kết hợp khá hài hòa giữa hai nền sân khấu Đông và Tây, giữa kịch truyền thống với kịch đương đại. Tuy nhiên, nếu việc giao thoa văn hóa Đông - Tây được thể hiện qua việc sân khấu châu Á đưa lên sàn diễn nhiều vở kịch cổ kim của phương Tây thì cuộc thử nghiệm chung Đông - Tây vẫn còn chờ phía phương Tây đưa nét gì đó của châu Á lên sân khấu.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo - NSƯT Trần Minh Ngọc nhận định, Liên hoan cho thấy người làm sân khấu không dừng ở tìm tòi sáng tạo cái mới. Việc thử nghiệm có thể bằng cách kết hợp truyền thống với hiện đại, cộng với công nghệ cao; thử nghiệm một thứ sân khấu ít lời, thậm chí không lời, thay lời bằng nghệ thuật hình thể, tạo hình, sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, âm thanh; hay làm lạ, làm mới những cái đã cũ bằng công nghệ cao, phương tiện media; cũng có thể là phóng tác biên tập tác phẩm cũ sang hình thái mới. “Tuy nhiên, chúng tôi có cảm giác cuộc thử nghiệm lần này nặng về kỹ thuật hơn là con người, bởi xét cho cùng mọi thử nghiệm đều xuất phát từ diễn viên và kết thúc bằng diễn xuất thăng hoa của họ. Dưới cát là nước, Chim hải âu, Ramayana chính là những thử nghiệm mà nếu không có diễn xuất tài năng của diễn viên, sẽ không có thành công lớn trong liên hoan lần này”.
Nét riêng trong cái chung
Tiếng nói của các nền văn hóa khác nhau song cái chung của Liên hoan lần này là sự tìm kiếm ngôn ngữ biểu cảm mới cho sân khấu. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Từ Liên hoan có thể khẳng định nghệ thuật là cầu nối tâm hồn, tình đoàn kết của các dân tộc. Thông qua hình tượng nghệ thuật sân khấu, vượt qua cách trở về ngôn ngữ, khác biệt về quan niệm, nghệ sĩ các quốc gia đem đến cho nhau một không gian nghệ thuật mới lạ, độc đáo.
“Liên hoan là cuộc hội ngộ của sáng tạo và đổi mới, là cơ hội cho nghệ sĩ Philippines trình diễn sáng tạo của bản thân cho nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ tới từ nhiều nước” - GS. Pedro R Abraham Jr - Giám đốc Âm nhạc và thiết kế âm thanh vở diễn Mối tình trong sáng(Philippines) chia sẻ. “Tham dự Liên hoan, chúng tôi trình diễn câu chuyện quen thuộc của Shakespeare về đôi tình nhân tuyệt vọng Romeo và Juliet, với nguồn cảm hứng từ nét văn hóa vùng cực Nam của đất nước. Không chỉ thử nghiệm toàn bộ sân khấu với ngôn ngữ múa, nhạc kịch, trang phục... mà chúng tôi còn thể hiện cho mọi người thấy mối liên kết của chúng tôi với các vùng đảo và đất liền của cả khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tôi tin rằng chúng tôi đã thành công trong thể hiện bản sắc riêng và tính nhân văn chung bằng phương tiện sân khấu và các đoàn quốc tế đến tham dự Liên hoan cũng chia sẻ mục đích chung này”.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ thể nghiệm 5B TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thông qua Liên hoan, chúng tôi đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong nước và thế giới. Dù mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau nhưng tôi tin tất cả nghệ sĩ tham gia Liên hoan đều có chung một điều, đó là tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu, đều nhiệt huyết và dốc hết tâm sức cho sáng tạo trong mỗi tác phẩm của riêng mình”.
“Liên hoan là cơ hội, sáng kiến của Việt Nam để nghệ sĩ có thể cảm nhận sự hồi hộp, ngạc nhiên và vui thích. Về tổng thể, tôi ấn tượng mạnh mẽ rằng, các tác phẩm đã mang đến thông điệp hiển nhiên, đó là vượt qua biên giới, văn hóa, quốc tịch, qua lý tưởng và qua ngôn ngữ, qua mọi sự đa dạng và khác biệt, chúng ta là một trong cảm xúc, suy nghĩ và sự sáng tạo nhân văn”.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/