Làm sống động di sản Hoàng thành Thăng Long
Cập nhật lúc : 08:15 11/05/2015
5 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng. Theo các nhà nghiên cứu, du lịch khi được khai thác và đầu tư phát triển đúng hướng, sẽ góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng.
Với diện tích 18,3ha, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có đủ khả năng đón tiếp một lưu lượng khách lớn. Theo khảo sát của các chuyên gia Pháp, ở khu thành cổ có thể tiếp đón 5.000 lượt khách/ngày, ở khu khảo cổ là 1.500 khách/ngày. Mặt khác, với bề dày lịch sử 1.300 năm và sự giao thoa các giá trị văn hóa hàng nghìn năm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu di sản lại nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, thuận tiện cho việc kết nối với các điểm di tích. Trên thế giới, hiếm có khu di tích khảo cổ rộng lớn, có nhiều tầng lớp văn hóa đan xen, xếp chồng lên nhau như Hoàng thành Thăng Long. Do đó, khu di sản này hội tụ đầy đủ các giá trị, tiềm năng, yếu tố trở thành một điểm hấp dẫn khách tham quan. Nhưng khai thác và đầu tư phát triển du lịch như thế nào cho đúng hướng, đúng tiêu chí bảo tồn và phát triển bền vững, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng?
Dù mở cửa đón khách tham quan từ năm 2004, nhưng lượng khách du lịch tới Hoàng thành Thăng Long đến nay vẫn hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 2013, khu di sản đón 120.000 lượt khách tham quan; năm 2014 là hơn 160.000 lượt khách. Số lượng khách trong nước chủ yếu là người cao tuổi và sinh viên. Lượng khách quốc tế tuy ổn định (chiếm khoảng 20% tổng số khách), nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng khu di sản, đông nhất là khách Nhật Bản, chiếm hơn 60% tổng số khách nước ngoài.
Tại hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long, do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 23.11, theo các chuyên gia, tổ chức hoạt động du lịch, khai thác đúng đắn hiệu quả các giá trị di sản chính là đưa di sản về với công chúng, vào đời sống đương đại, nhưng cần có bước đi và giải pháp thích hợp. Với tính chất đặc biệt quan trọng của mình, Hoàng thành Thăng Long chứa đựng sự kỳ vọng rất to lớn với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng thực tế lại chưa được khai thác đúng tầm, chưa đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu của các đối tượng du khách.
Tránh du lịch… chay
Để khu di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến hấp dẫn, ThS. Trần Thị Hiên, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam góp ý, trước hết, cần có những hoạt động cụ thể để phổ biến giá trị khu di sản, tăng cường tuyên truyền quảng bá về di sản, hiện vật ở khu di sản; chú ý vai trò của các hướng dẫn viên tại khu di sản... Tuy nhiên, cũng cần bảo tồn, khôi phục màu tự nhiên trong các tầng văn hóa khi phát lộ. Hiện nay, tại điểm tham quan 18 Hoàng Diệu, mặc dù đã có mái che nhưng do một thời gian dài nằm dưới mưa nắng nên các di vật và mặt đất đã bạc màu, khiến cho hiện vật trở nên không “bắt mắt”, thiếu hấp dẫn khách tham quan. Do đó, bằng các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn khôi phục màu sắc, hình ảnh gốc khi phát lộ, các di vật và tầng văn hóa sẽ trở nên sống động và có hồn hơn.
Tăng sức hút của du lịch là đáp ứng nhu cầu khám phá sự mới lạ, bổ sung và nâng cao hiểu biết cho khách du lịch. Để giúp thỏa mãn điều này, theo TS. Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cần có 2 việc cơ bản: khảo cứu để hiểu đúng sự thật lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất Hoàng thành và những giá trị của văn hiến Thăng Long hội tụ nơi đây; đưa thông tin mới, đầy đủ và hấp dẫn đến với khách tham quan qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt chú ý vai trò của hướng dẫn viên du lịch. Để làm tốt hơn những điều này, cần tiếp tục tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học, trên cơ sở nghiên cứu thu được, có lộ trình đưa các vị trí đó vào khai thác phục vụ du lịch, chú trọng cung cấp, truyền tải thông tin cho du khách... “Cần sớm triển khai phục dựng một số công trình văn hóa - lịch sử như không gian điện Kính Thiên, các sinh hoạt cung đình, hoàng gia trong những không gian cụ thể với khuôn khổ cho phép. Ví dụ như tại Hậu Lâu có thể phục dựng, tái hiện một phần nào đó sinh hoạt cung đình bên rìa chính hay tại các khu vực Cửa Bắc. Đoan Môn hoàn toàn có thể tái hiện nghi thức hoạt động của cấm binh thời phong kiến. Nếu không tái hiện và phục dựng trên hiện thực, có thể tái hiện ảo qua các công cụ, phương tiện kỹ thuật số 3D, 4D... Mục tiêu lớn nhất là tạo dựng và để lại “dấu ấn Thăng Long” trong mỗi du khách, tránh tình trạng tổ chức du lịch… chay như hiện nay” - TS. Dương Văn Sáu gợi ý.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: một số định hướng phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ du lịch đã được đề xuất, trong đó có xây dựng lộ trình tham quan cụ thể cho nhiều đối tượng khách tham quan, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ; xây dựng bộ sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di sản, bằng nhiều chất liệu; phục dựng lễ hội truyền thống gắn với Hoàng thành, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn để phục vụ khách du lịch như: tham quan Hoàng thành ban đêm với nhiều trải nghiệm như ẩm thực hoàng cung, trà cung đình, âm nhạc truyền thống... Tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa truyền thống, lễ hội tại khu di sản không những tăng sức hấp dẫn với du khách mà còn góp phần quảng bá, bảo tồn những giá trị truyền thống.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/