Khơi nguồn văn hóa truyền thống
Cập nhật lúc : 08:31 09/08/2015
Theo TS. Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn luôn chảy trong mỗi con người Việt Nam. Để khơi dậy mạch nguồn đó, cần tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được trải nghiệm, sống cùng với văn hóa của ông cha.
Chương trình Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu do nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật ViệtNam tổ chức có tới hàng trăm lượt người đăng ký tham gia thực hiện các khâu làm mặt nạ, từ chọn kiểu phôi, bồi giấy, phơi khô đến tô màu. Sức hút của chương trình cho thấy cha mẹ và các em nhỏ luôn mong muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống nhưng lâu nay chưa được đáp ứng. Trẻ em đang bị “đói” sân chơi truyền thống ngay trên chính mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của mình. Ngoài giờ học trên lớp, hầu hết các em chỉ vui chơi, giải trí ở công viên, nhà hát, rạp chiếu phim… trong khi những không gian vừa tạo điều kiện cho các em được giải trí, vừa kéo các em đến gần hơn với văn hóa truyền thống hầu như không có. Chị Đỗ Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: “Những trò chơi năng động dành cho các con có rất nhiều, nhưng mình muốn cháu tham gia hoạt động này để có thể tĩnh tâm, tập trung, đồng thời hiểu được giá trị truyền thống của người Việt. Bây giờ đi đâu cũng thấy những trò chơi hiện đại như nhặt bóng, nhà phao, đi xe ô tô rồi trò chơi điện tử… còn sân chơi truyền thống như thế này rất ít”.
Theo nhiều giáo viên và phụ huynh, nếu chỉ thông qua sách vở để dạy con trẻ về giá trị truyền thống rồi khuyên các em phải yêu, phải gìn giữ giá trị truyền thống đó thì sẽ không hiệu quả. Nhưng khi các em được trải nghiệm thực tế, trực tiếp làm ra sản phẩm thì những giá trị truyền thống sẽ được các em nhận thức một cách tự nhiên nhất. “Không thể chỉ nói rằng đây là truyền thống và con phải yêu mà đơn giản là tạo cơ hội cho các con tham gia hoạt động trải nghiệm. Tôi mong muốn không chỉ mỗi dịp Trung thu hay lễ cổ truyền mà những sân chơi truyền thống sẽ được tổ chức nhiều hơn, đa dạng hơn” - chị Phạm HàNam, một phụ huynh mong muốn.
Hướng dẫn các em làm mặt nạ, họa sĩ Vũ Xuân Tình cho biết, trong quá trình tự tay thực hiện chiếc mặt nạ hay đồ vật truyền thống, trẻ em sẽ được truyền đạt kiến thức về nguồn gốc, ý nghĩa rồi những câu chuyện xoay quanh đồ vật đó. Như vậy, các em sẽ biết trân trọng những sản phẩm do ông cha mình làm ra và cảm nhận về văn hóa truyền thống một cách sâu sắc hơn. “Thay vì bắt các em phải chơi đồ chơi này, đồ chơi kia vì nó là truyền thống, vì nó cần bảo tồn, thì nên khơi dậy ở các em sự yêu thích với đồ chơi truyền thống bằng cách cho các em tự tay làm sản phẩm cho riêng mình. Từ đó các em sẽ thấy yêu quý, trân trọng và hướng đến văn hóa truyền thống chứ không chỉ thích thú với những đồ chơi bán sẵn trên thị trường”.
Trước sức hấp dẫn của đồ chơi Trung Quốc với giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng, bắt mắt đang tràn lan thị trường hiện nay, đồ chơi truyền thống Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được nhờ sức mạnh văn hóa được tạo ra từ chính các hoạt động trải nghiệm. Theo TS. Trang Thanh Hiền, từ trước đến nay, mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn đang chảy trong huyết quản của mỗi con người ViệtNam, nhưng chúng ta có quá ít không gian để khơi dậy được sức mạnh đó. “Để văn hóa truyền thống có thể sống được trong văn hóa đương đại, chúng ta phải giáo dục mà cách tốt nhất là tạo cơ hội cho trẻ em được tham gia trải nghiệm thực tế. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta muốn duy trì những giá trị văn hóa, muốn bảo tồn truyền thống hiệu quả thì cần tạo ra nhiều không gian cho trẻ em hơn nữa”
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/