Kể chuyện cùng cổ vật sông Hương
Cập nhật lúc : 07:54 04/03/2015
Đam mê sưu tầm gốm cổ, thầy giáo sử Hồ Tấn Phan đã trở thành nhà nghiên cứu Huế. Ông sở hữu hàng chục ngàn hiện vật trục vớt từ sông Hương. Với ông, cổ vật cũng có linh hồn, chứa đựng nhiều thông tin và khi được giải mã, sẽ tự kể câu chuyện của mình.
Sâu trong ngõ nhỏ của phố Cao Bá Quát, TP Huế, ngôi nhà của vợ chồng ông Phan nằm giữa khu vườn rộng đầy cây xanh. Chum, lọ gốm, hũ sành… chất thành gò, thành đống khắp vườn, men lối đi. Trong nhà cũng chật cứng bình, lọ, bát... Cổ vật được treo trên tường, bày dưới sàn nhà, cất dưới gầm ghế, chễm chệ trên nóc tủ. Khách vào nhà bước chân cũng phải gìn giữ lắm vì sợ va chạm, đổ vỡ. Hơn 30 năm đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, gia tài của ông giáo dạy sử giờ là hàng chục ngàn hiện vật lớn nhỏ. Ông Hồ Tấn Phan kể, nhân duyên để ông đến với đồ cổ bắt nguồn từ chính nghề mụ đỡ của người vợ. Lần ấy bà đi đỡ đẻ cho một phụ nữ vạn chài trên sông Hương. Sau khi mẹ tròn con vuông, chủ nhà nghèo khó không biết lấy gì trả ơn đành đem chiếc bình gốm mới vớt được ra làm quà. Cầm chiếc bình gốm vợ mang về, ông Phan ngắm nghía, mê mẩn những chi tiết, họa tiết trên đó. Ông chợt nghĩ, nằm dưới đáy các con sông ở Huế hẳn là một kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc. Và ý tưởng sưu tầm đồ gốm sứ trục vớt từ sông Hương bắt đầu từ đấy.
Cứ rảnh rỗi, ông Phan lại đi dọc các con sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, từ phố phường đến làng quê, lân la đến những nhà đò, người khai thác cát để xin đồ gốm mà họ vớt được vứt lung tung. Sau này, khi đã quen ông bảo họ tìm được thì gom lại để ông đến mua. Những người mưu sinh đã tìm được dưới sông không ít nồi, đèn, bình vôi, ống nhổ, chum, vại, ấm, bát... dồn vào chờ ông Phan đến mua. Năm 1977, ông Phan nghỉ dạy học mất sức và có nhiều thời gian săn tìm cổ vật hơn. Nhà và vườn của gia đình ông cứ thế được chất đầy các món đồ lớn nhỏ. Ông chú tâm đến những loại gốm trục vớt từ sông Hương. Những năm 1980, khi các cỗ máy khai thác cát trên sông ở Huế rầm rộ cũng là lúc số lượng đồ trục vớt dưới nước tìm thấy nhiều hơn. Ông Phan tâm niệm, phải cố gắng gom cho bằng hết, dù là những món đồ đã vỡ, sứt mẻ, để tìm tòi nghiên cứu. Qua hiện vật sưu tầm được, ông Phan hiểu thêm những giá trị trân quý của vùng đất thần kinh và càng yêu Huế hơn.
Gia tài gốm cổ của Ông Phan sứt mẻ khá phong phú, từ những món đồ gốm Chu Đậu có niên đại ngàn năm đến hiện vật gốm Đông Sơn, Chăm Pa hay thời Lý, Trần, Lê... Thậm chí, còn có cả hiện vật thời Tống của Trung Quốc và một số ít của Nhật, Pháp... Từ vô số hiện vật chứa đựng những chi tiết đặc trưng, ông tin rằng thời kỳ theo gót Huyền Trân công chúa đi mở đất phương Nam, người Việt không quên mang theo những vật dụng gốm truyền thống văn hóa của dân tộc như: bình vôi, ống nhổ, ấm đất... gắn với tục ăn trầu. Các hiện vật còn giúp ông hiểu thêm về những tập tục tế tự, việc làng việc nước, giao tế xã hội của người xưa. Năm 2009, trong khuôn khổ Festival các làng nghề Huế, ông Phan đã đưa sưu tập của mình đến với người yêu cổ vật. Triển lãm cổ vật chủ đề Dòng sông kể chuyện của ông gây tiếng vang, được giới khoa học đánh giá cao về giá trị nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng và tính hệ thống.
Thông tỏ về văn hóa, lịch sử đất thần kinh, đặc biệt là về thời Nguyễn, nhưng ông Phan không nhận mình là một nhà nghiên cứu Huế. Tuy vậy, vốn kiến thức sâu rộng cùng kho tàng cổ vật sông Hương vô giá như một thứ xạ hương để những người đam mê cổ vật, giới nghiên cứu tìm đến ông tham vấn, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Giờ đã ở tuổi ngoại thất thập, ông Phan mong muốn được chính quyền hỗ trợ để biến căn nhà của mình thành một bảo tàng gốm cổ. Ở đó, ông sẽ cùng dòng Hương kể chuyện, vào bất cứ ngày nào khi người yêu Huế có dịp tìm đến đất cố đô.
Ông Hồ Tấn Phan từng chia sẻ: “Tôi chơi đồ cổ không phải để kinh doanh, mà cái chính là để nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử của người Việt mình. Do đó, tôi không thích men lam triều Nguyễn vì đa phần xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi ngược lại, đồ gốm được trục vớt từ sông Hương phần lớn của người Việt, có tuổi đời rất lâu và kể được nhiều chuyện của người Việt xưa”.
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/