Giữ lối chơi quan họ cổ
Cập nhật lúc : 09:11 05/01/2017
Từ nghe mà say, từ say mà hát, những người có cùng tình yêu với lối chơi quan họ cổ xích lại, gắn bó với nhau, thăng hoa trong câu hát. Cộng đồng người chơi thay vì chỉ tập trung ở các làng quan họ gốc đã tỏa rộng ra những vùng miền khác.
Trung bình 2 buổi/tháng, người yêu quan họ cổ tại Thủ đô lại tề tựu về Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô để sinh hoạt, giao lưu. Từ ý tưởng bảo tồn, phát huy lối chơi quan họ cổ, năm 1999, Trung tâm UNESCO Văn hóa Quan họ được thành lập, khởi nguồn cho nhiều CLB Quan họ. Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hẹn chia sẻ: “Năm 1997, tôi được Viện Âm nhạc Việt Nam mời tham gia lập cơ sở dữ liệu di sản quan họ. Nghe băng ghi âm bài hát của nghệ nhân, nhận thấy quan họ có lối chơi độc đáo nhưng nhiều người chưa biết đến, tôi thành lập Trung tâm, sinh hoạt theo lối chơi cổ, đưa giá trị này đến đông đảo quần chúng”.
Theo các nghệ nhân, quan họ cổ có khoảng 200 lối chơi với hàng trăm, thậm chí đến nghìn bài hát. Vào đầu là khúc nước mời trầu, ra về là giã bạn, phần giữa là màn đối đáp - thể hiện đậm đặc nhất cách chơi quan họ cổ. Người xưa có câu: Chơi cho sấm động mưa rào/ Chơi cho hòn đá vỡ đôi lại lành/ Chơi cho cây chuối đâm cành/ Chơi cho rau diếp thay lim làm đình… nói lên sức mạnh của chơi quan họ trong đời sống tinh thần. Bởi vậy, quan họ cổ đã thu hút nhiều người ở vùng miền khác. Riêng Hà Nội, ngoài Trung tâm UNESCO Văn hóa Quan họ, nhiều CLB được thành lập ở các địa bàn Long Biên, Gia Lâm, Thanh Xuân…
Chủ nhiệm CLB Quan họ phường Ngọc Lâm, Long Biên Hoàng Thúy Oanh cho biết: “Chúng tôi đến với quan họ từ tình yêu lối chơi cổ. Mới tiếp cận thì thấy khó nhưng càng hát càng ham thích. Từ đó, buổi chơi quan họ diễn ra thường xuyên hơn, các lối chơi còn được đưa vào cuộc họp dân phố, đem đi hội diễn hay tự tổ chức sinh hoạt với nhau”.
Giá trị đang mai một
Theo Viện trưởng Viện Âm nhạc, PGS. TS. Nguyễn Bình Định, lâu nay, nói đến quan họ, phần lớn mọi người chỉ biết đến phần hát có âm nhạc minh họa, trong khi còn một kho tàng lớn chưa được tìm hiểu sâu. Lối chơi quan họ tích hợp cả văn chương, thi ca, lối trình diễn, ứng tác (đối giọng, đối lời, đối thanh…), gồm cả tục kết bạn, kết chạ. “Rất nhiều yếu tố văn hóa dân tộc trong đó thể hiện sáng tạo dân gian, bảo lưu truyền khẩu phong tục tập quán dân gian. Nói đến giá trị di sản quan họ phải chú ý đến không gian văn hóa mang đầy đủ lối chơi ấy”, PGS. TS. Nguyễn Bình Định nói. Trước kia, nhất là vào ngày hội, liền anh, liền chị quan họ háo hức phô diễn lối chơi độc đáo, thì nay chỉ còn thấy trong các canh hát tổ chức ở một số gia đình, và thời gian của canh hát cũng rút ngắn lại.
Nhiều năm nghiên cứu về ca trù, quan họ, Nghệ nhân Dân gian Ngô Văn Bản nhận định, Bắc Ninh vẫn giữ truyền thống xưa nhưng lối chơi này cũng đang phai nhạt khá nhiều. Lấy ví dụ lối chơi thơ lục bát, thường chỉ đề câu 4 - 8, bỏ trống hai chữ cho người chơi linh hoạt thêm vào. “Như lời cổ: Nguyệt gác mái đình/ Chén son chưa cạn sao tình đã say. Thêm vào trước lời rằng, hay nguyệt rằng còn tạm được, thêm từ ngày xuâncàng hay hơn. Nhưng nhiều người không khéo lại hát Đánh rằng nguyệt gác mái đình… là hỏng tứ rồi”. Theo ông Bản, chơi quan họ, giọng hay là một nhẽ, còn phải tinh văn thơ, tường ý tứ, kết hợp với cái mộc mạc của hát bộ (hát chay) mà bật lên cái hay, cái đẹp. Nhưng cùng với cách hát có nhạc đệm hiện nay, phần đối đáp cũng ít được chú ý, lời được biến đổi để bắt đàn ngọt hơn, nhiều bài cổ bị đổi câu, đổi chữ, gọi là ca lời cổ nhưng mất tứ cổ.
Một cách gìn giữ di sản
Nghệ nhân Dân gian Ngô Văn Bản cho rằng, hòa nhịp sống xã hội, quan họ không “ngồi im một chỗ” song cũng có những quy tắc, luật chơi phải gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. “Ngày trước, có ông trùm hoặc bà trùm quan họ, là người am tường lối chơi, đứng ra tổ chức cuộc chơi, và đánh giá được người hát có thực hiện đúng lối chơi ấy hay không. Tiếc rằng những người như thế không còn nữa. Ngay ở làng quan họ gốc may ra có một vài người nhưng nắm không đầy đủ các lề lối”. Trước thực trạng trên, theo ông Ngô Văn Bản, việc thành lập các CLB theo lối hát cổ được cho là cách làm hay. “Trước hết là phải lan tỏa giá trị ấy, cho nhiều người biết. Khi lan truyền, cái say mê thấm vào tim rồi người ta mới giữ”.
Hầu hết CLB quan họ cổ hiện nay, ngay cả ở các làng quan họ Bắc Ninh, thành viên chủ yếu là người lớn tuổi. Mong muốn lớn nhất của họ là vốn cổ quan họ được truyền tới thế hệ trẻ. Chủ nhiệm CLB Quan họ cổ làng Châm Khê, TP Bắc Ninh Nguyễn Thị Miện chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những làng quan họ gốc, thành lập CLB chuyên sinh hoạt theo lối chơi cổ, không pha tạp, để gìn giữ di sản của cha ông. CLB đang đào tạo 6 cháu là học sinh, dồn hy vọng vào đó. Chứ nếu độc hát theo cách mới, dần dà sẽ không còn ai biết, giữ lối chơi cổ thì mai mốt (mai một) hết”
“Trong điều kiện nhiều nền văn hóa khác xâm nhập vào nước ta, người nghe có rất nhiều kênh để lựa chọn, nếu không có cách để họ hiểu thì quan họ cổ sẽ không còn. Thành lập CLB tụ họp người yêu thích, có khả năng hát quan họ, thực hành thường xuyên vừa giúp bảo lưu lối chơi này, đồng thời, giới thiệu đến đông đảo quần chúng. Thời gian tới, Viện Âm nhạc sẽ đồng hành với các CLB trong việc tư vấn lối chơi, cách chơi, giúp quan họ cổ phát triển rộng rãi hơn”.
PGS. TS Nguyễn Bình Định Viện trưởng Viện Âm nhạc
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/