Giữ hồn rối Đào Thục
Cập nhật lúc : 08:41 04/05/2016
Múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội đã có lúc tưởng chừng mai một. Tuy nhiên, bằng tình yêu và sự đam mê, trong những lúc nông nhàn, người dân nơi đây lại cùng nhau hăng say tập luyện, giữ nghề.
Không ngừng vươn xa
Làng Đào Thục, Thụy Lâm đã trải qua vài thế kỷ cùng nghề múa rối nước. Thời gian trôi qua, các thế hệ cũng đã chuyển giao với nhiều thăng trầm, nhưng nét độc đáo của rối nước Đào Thục vẫn được gìn giữ: Các tích trò bình dị, dân dã; màn đốt pháo bật cờ khai mạc và dùng nhân vật Ba khí giáo trò (Ba khí là đại diện chung cho cả hình ảnh nông dân Bắc Bộ và anh Ba Khía miền Nam) chứ không chỉ là chú Tễu (anh nông dân đồng bằng Bắc Bộ) như các phường rối khác. Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Văn Trương chia sẻ: “Cái hay của múa rối nước Đào Thục là các con rối được điều khiển bằng sào. Điều khiển bằng sào rất khó, đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật để giữ con rối thăng bằng, nhưng nhờ đó con rối có hồn hơn, linh hoạt hơn”.
Phường rối nước Đào Thục hiện có 2 đội múa rối nước với khoảng 30 nghệ nhân tham gia, gồm đủ thành phần: từ diễn viên điều khiển con rối; nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống; đến ca sĩ hát dân ca, chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm… Ông Nguyễn Văn Trương cho hay: “Múa rối nước Đào Thục không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà đã đến với khán giả cả nước và quốc tế. Hàng năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, phường rối đi biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ hội đền Cổ Loa, nhận tour biểu diễn theo hợp đồng với các công ty lữ hành dành cho du khách trong nước, quốc tế…”.
Tuy nhiên, phường rối Đào Thục cũng đang gặp không ít khó khăn về kinh phí. Mỗi lần diễn, anh em trong phường chỉ được 60.000 đồng. Hằng tháng, các nghệ nhân chia nhau diễn xoay vòng nên thu nhập không ổn định. Những người đến với phường rối hầu hết do đam mê và yêu nghề nhưng thu nhập thấp, nên nhiều người đã ra đi.
Tiếp nối thế hệ
Dù chưa thể sống được bằng nghề, nhưng không vì thế mà người dân nơi đây thờ ơ với việc bảo tồn nghề truyền thống bởi tình yêu đối với nghệ thuật rối nước đã ngấm vào máu. Hầu hết thành viên trong phường rối Đào Thục đều làm quen với múa rối nước từ nhỏ. Đam mê ấy được củng cố và truyền lại từ những thế hệ đi trước, khiến họ luôn ý thức giữ nghề diễn độc đáo của cha ông. Ông Nguyễn Văn Trương cho hay, có đến gần một nửa thành viên trong phường là trẻ tuổi, người trẻ nhất hiện được đi diễn có tuổi đời 24, hằng năm còn có nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia lớp học truyền nghề múa rối nước.
Chuyện nối nghiệp và giữ nghề vẫn luôn là mối quan tâm của các nghệ nhân phường rối Đào Thục. Ông Phạm Minh Huỳnh - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội UBND xã Thụy Lâm cho biết: “Những năm gần đây, xã đã tạo điều kiện hết mức cho phường rối hoạt động, hằng năm tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng cho con em địa phương về kỹ năng điều khiển con rối, cách hát, cách sử dụng đạo cụ, tích trò… Tuy nhiên, sự đầu tư của chính quyền địa phương chỉ nhỏ giọt. Phường rối hy vọng được Nhà nước quan tâm hơn không chỉ về kinh phí bảo tồn mà còn tổ chức, quảng bá”.
Hiện nay, phường rối có 2 thanh niên được đào tạo về internet, quản lý thông tin trên trang web, góp phần quảng bá hình ảnh của Đào Thục xa hơn nữa, đưa khách du lịch từ khắp nơi về làng Đào Thục. Qua đó, rối nước Đào Thục đến gần hơn với công chúng, từng bước khẳng định vị thế của mình trong làng rối nước Hà thành.
Theo văn bia, cách đây gần 300 năm, dưới thời vua Lê Hy Tông, ông Nguyễn Đăng Vinh, tự Phúc Khiêm làm quan nội giám cho triều đnh nên thường được xem các phường rối nước biểu diễn phục vụ triều đình, từ đó, ông say mê môn nghệ thuật này. Sau khi trở về quê, tại làng Đào Thục, ông đã lập ra phường rối và trực tiếp dạy cho người dân trong làng. Kể từ đó, người dân suy tôn ông là “ông tổ của làng nghề”.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/