Giữ bản sắc trong hiện đại
Cập nhật lúc : 08:41 12/05/2015
Dành hơn 60 năm nghiên cứu về Ottchil - loại hình nghệ thuật có đặc trưng khá giống sơn mài Việt Nam, ông Kim Sungsoo - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Ottchil đã có nhiều hoạt động đưa Ottchil trở lại cuộc sống đương đại, đến với thế giới như nét văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc.
Sơn mài Việt Nam hay Ottchil Hàn Quốc, nếu dịch ra tiếng Anh đơn giản chỉ làLacquer, vốn không thể hiện đầy đủ đặc trưng, ý nghĩa của các loại hình nghệ thuật này và hồn cốt dân tộc. Bởi Ottchil thể hiện nghệ thuật làm sơn tại Hàn Quốc, trong khi sơn mài Việt Nam phản ánh việc “sơn” và “mài” để lộ rõ các lớp màu, cho ra những tác phẩm có chiều sâu độc đáo.
Chính vì vậy, tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế, ông Kim Sungsoo, được coi như nghệ nhân, chuyên gia về Ottchil tại Hàn Quốc luôn khẳng định Ottchil Hàn Quốchay tranh Ottchil chứ không dùng từLacquer. Cần thiết phải cho nó một tên riêng, một tên được nhận thức trên thế giới khi nói đến nghệ thuật này. Đưa tên riêng có tác dụng rất lớn, thúc đẩy nghệ thuật phát triển, sự tự hào, yêu nghề của các nghệ nhân… góp phần làm sống lại loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, ông Kim Sungsoo còn đang nỗ lực xây dựng trường phái hội họa Ottchil mang nền tảng lý luận nghệ thuật như phương Tây đã phát triển trong thế kỷ XIX - XX.
Chất liệu chủ đạo của Ottchil là sơn lấy từ nhựa cây sơn và vỏ ốc xà cừ. Với từng tác phẩm, còn có chất liệu khác như vỏ trứng, nhưng chỉ là phụ gia. Các nghệ nhân ngày nay phát triển trên các chất liệu chủ đạo, không sử dụng đa dạng chất liệu, làm hỏng đặc trưng của Ottchil. Sau khi giới thiệu Ottchil tại nhiều thành phố của Mỹ, các nghệ nhân đã mở ra chương mới - hiện đại hóa Ottchil. Vẫn sử dụng chất liệu ấy, nhưng mở rộng ra thêm nhiều lĩnh vực mới, không đơn thuần là tranh dân gian như xưa, mà đi vào các đồ trang sức, vật dụng hằng ngày, ứng dụng trong các công trình kiến trúc…
Khuếch tán từ trung tâm
Là họa sĩ đam mê sơn mài, ông Kim Sungsoo đã có nhiều hoạt động đưa Ottchil trở lại với cuộc sống và phát triển. Ngoài đào tạo, truyền nghề, ông còn thúc đẩy thành lập Bảo tàng nghệ thuật Ottchil năm 2006. Với quy mô ban đầu chỉ khoảng 100 tác phẩm, dần dần đã tăng lên hơn 500 tác phẩm sau 10 năm. “Số lượng tác phẩm như vậy là khá ít so với quy mô một bảo tàng. Tuy nhiên, tranh của bảo tàng được Hội đồng thẩm định nghệ thuật đánh giá, cho điểm và quyết định trưng bày hay không. Tuy hạn chế số lượng, nhưng bảo đảm về chất lượng nghệ thuật” - ông Kim Sungsoo chia sẻ.
Bảo tàng nghệ thuật Ottchil được xây dựng tại trung tâm của cây sơn và nơi ra đời nghệ thuật Ottchil - thành phố Tongyeong ở tỉnh GyeongsangNam. Bảo tàng đặc biệt thu hút khách tham quan trong độ tuổi 50 - 60. Không chỉ trưng bày các tác phẩm, phong cách bài trí, thuyết minh ở Bảo tàng cũng giới thiệu rõ về lịch sử nghệ thuật và kỹ thuật thực hiện.
Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng bảo tàng, bởi điều này có ý nghĩa về mặt lịch sử, nghệ thuật. Mọi người có thể đến đây bất cứ lúc nào để thưởng ngoạn tranh, và người ta có thể mua các bức tranh có giá trị nghệ thuật. Khuếch tán, mở rộng giá trị của tranh Ottchil sẽ khiến mọi người hiểu nhiều hơn về nghệ thuật Ottchil.
Bắt nguồn từ sử dụng sơn của cây sơn quết lên đồ gỗ để trang trí và bảo quản, Ottchil Hàn Quốc đã có từ cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, trải qua quá trình lịch sử, chiến tranh liên miên đã ảnh hưởng tới loại hình nghệ thuật này. Nhiều nghệ nhân phải bỏ nghề để kiếm sống, nghệ thuật sơn mài có giai đoạn đình trệ. Nay Hàn Quốc đang khôi phục, và Ottchil được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc, được Chính phủ quan tâm để bảo hộ và phát triển.
Có mặt tại Hà Nội nhân triển lãm Sơn mài Việt Nam- Ottchil Hàn Quốc, ông Kim Sungsoo mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc bắt tay, đưa sơn mài Việt Nam và Ottchil Hàn Quốc tới thế giới.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/