Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc: Phải có một phong trào đổi mới giáo dục thực sự
Cập nhật lúc : 08:18 11/02/2016
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện cùng GS. VS. PHẠM MINH HẠC - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về mối quan hệ thầy - trò trong giai đoạn hiện nay cũng như những vấn đề cần thay đổi trong lĩnh vực này.
Quá “nặng” dạy chữ, “nhẹ” dạy làm người
- Thưa Giáo sư, những năm gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến vấn đề đạo đức của giáo viên và cả đạo đức của học trò. Xin Giáo sư chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này?
- Trước kia, gần như không bao giờ có chuyện học sinh “đánh hội đồng” lẫn nhau hay thầy giáo bạo lực với học sinh… Đây là một hiện trạng không thể chấp nhận được. Ai cũng đau buồn khi phải chứng kiến những cảnh tượng như thế. Lẽ ra, môi trường học đường phải là vườn ươm tạo ra những mầm non tốt đẹp nhất của xã hội thì ở đó lại có những chuyện như thế xảy ra.
|
- Mối quan hệ thầy - trò xấu đi có một phần liên quan đến yếu tố kinh tế. Theo Giáo sư, điều này cần được khắc phục như thế nào?
- Chúng ta đã có những quan niệm sai lầm khi “lấy học trò làm trung tâm”. Chúng ta cần đề cao mối quan hệ thầy - trò và lấy mối quan hệ ấy làm trung tâm trong giáo dục mới đúng đắn. Trong đó, đội ngũ giáo viên phải làm nòng cốt. Đó chính là những tấm gương cho học sinh. Chúng ta phải thay đổi những vấn đề rất cơ bản về đạo đức của thầy cô giáo, phải chấn chỉnh nâng cao chất lượng của các giáo viên tương lai. Ở các trường sư phạm, không thể chỉ dạy các kiến thức cho giáo viên tương lai mà còn cần dạy cho họ rất nhiều thứ, trong đó có đạo đức, cách ứng xử với các mối quan hệ… Phải đào tạo họ trở thành người truyền đạt cho học sinh những kiến thức để “thành người” chứ không phải là những kiến thức mang tính lý thuyết! Giờ chúng ta đào tạo quá nhiều “thợ dạy” mà không phải đào tạo ra những nhà giáo dục.
Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, thấy ít nơi nào có được truyền thống tốt đẹp như ở ta là có hẳn một dịp kỷ niệm dành cho các nhà giáo. Nhưng nhiều năm nay, khi ta chuyển sang cơ chế thị trường, quan niệm thương mại hóa giáo dục cũng đã làm hỏng mối quan hệ thầy trò.
Với điều kiện nước ta còn khó khăn, đời sống giáo viên còn thiếu thốn dẫn đến việc dạy thêm - học thêm trở nên méo mó. Muốn thay đổi hẳn, cần một chính sách chung của xã hội. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, cần kêu gọi sự vào cuộc của công đoàn giáo dục. Giờ tôi thấy công đoàn giáo dục bị xao nhãng nhiều. Tôi cho rằng, việc kêu gọi giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình thì vai trò của công đoàn ngành đã chiếm đến 50% của sự thành công.
- Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực trong giáo dục là do chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông hơi nặng so với thế giới và ít thực tế. Giáo sư có nghĩ như vậy không?
- Không thể nói là “hơi nặng” mà là quá nặng! Chúng ta đã dạy những điều quá hàn lâm, lý thuyết nặng nề mà ít vận dụng được. Nhiều học sinh của chúng ta ra nước ngoài mới thấy việc dạy toán là “thừa” đến 50% kiến thức. Ở bậc phổ thông của chúng ta đã quá “nặng” về dạy chữ mà “nhẹ” về dạy làm người. Chúng ta vẫn giữ quan điểm học là để đi thi lấy bằng cấp. Thời gian gần đây, việc thi cử cũng đã có thay đổi theo hướng vận dụng thực tế nhưng tôi cho rằng chưa thấm vào đâu!
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Thầy cô là nòng cốt của đổi mới
- Lĩnh vực giáo dục của chúng ta rõ ràng đang có rất nhiều “vấn đề”. Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để khắc phục được các vấn đề căn cốt của nền giáo dục hiện nay?
- Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 đề ra về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đã vạch ra những vấn đề rất đúng đắn. Tuy nhiên, Nghị quyết này chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Nhưng những vấn đề này, các bậc phụ huynh cũng chưa hiểu được nhiều. Người ta vẫn nặng về bằng cấp và việc học hành không phục vụ cho cơ cấu lao động thực tế. Tôi cho rằng chỉ nên học bắt buộc đến lớp 9 còn lên cấp III là phải định hướng nghề nghiệp rồi.
Nghị quyết 29 ra đời đã 3 năm rồi. Ba năm so với tiến trình lịch sử không bao nhiêu nhưng so với cuộc đời một con người, so với thời gian học tập của một học sinh là rất dài. Chúng ta vẫn chưa thấy tiến triển nhiều trong nhận thực của cả học sinh, phụ huynh và thầy cô về giáo dục. Chúng ta vẫn quá tập trung vào thi cử. Tôi và nhiều giáo viên cùng thế hệ vẫn cho rằng thi cử chỉ là đánh giá kết quả mà việc làm ra kết quả mới là điều quan trọng nhất.
Để thay đổi được, trước hết phải có một phong trào đổi mới giáo dục trong toàn dân. Nòng cốt của câu chuyện này chính là đội ngũ thầy cô giáo. 1,3 triệu con người này không chuyển biến thì không bao giờ có thể có sự thay đổi của nền giáo dục.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/