Giao lưu nghệ thuật “Vì một cuộc sống bình yên và phát triển”
Cập nhật lúc : 08:07 04/07/2015
Tối ngày 3/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vì một cuộc sống bình yên và phát triển”.
Chương trình giao lưu nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 và kỉ niệm 5 năm ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (21/4/2010 – 21/4/2015). Với chủ đề "Vì một cuộc sống bình yên và phát triển", chương trình đã mang đến cho khán giả cả nước những phóng sự xúc động về những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhằm mang lại một cuộc sống bình yên và phát triển cho những người dân vùng ô nhiễm bom mìn, những nạn nhân bom mìn sau chiến tranh.
Phát biểu mở màn chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm trên đất nước ta nhưng những hậu quả nó để lại vẫn hiển hiện hàng ngày, hàng giờ mà biểu hiện rõ nhất là sự sót lại của bom mìn và vật liệu nổ. Trên cả nước, gần 68 ngàn km2, hay khoảng 21% diện tích đất cả nước còn sót lại bom mìn. Bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại luôn rình rập, đe dọa tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến sinh kế của họ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của cộng đồng và đất nước.
Với mục tiêu đảm bảo cuộc sống bình yên và phát triển cho người dân, hỗ trợ nạn nhân trực tiếp của bom mìn và nạn nhân gián tiếp do mất đi sinh kế tại các vùng ô nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mình. Chương trình được sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, sự hỗ trợ của Chính phủ các nước, sự tham gia có trách nhiệm của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do diện tích ô nhiễm bom mìn còn lớn, số lượng nạn nhân trực tiếp và gián tiếp còn nhiều, nhận thức của người dân về phòng chống bom mìn ở nhiều nơi còn hạn chế... Chính vì vậy, nguồn lực đầu tư cho hoạt động rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân còn hạn hẹp và rất cần các nỗ lực của cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế.
Tại buổi giao lưu, người xem đã được chứng kiến những kết quả sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2010-2025; thực trạng về nạn nhân bom mìn trên ba miền Tổ quốc; nỗ lực của Nhà nước, đóng góp của các tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đồng thời, người xem đã được chứng kiến mối đe dọa của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh qua những hình ảnh ghi tại địa phương; chứng kiến cuộc sống và sinh kế của người dân nơi bị ô nhiễm bom mìn gây ảnh hưởng; lắng nghe nạn nhân nói lên ước vọng của mình. Những thông điệp mà các nhân vật giao lưu mang đến đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc khắc phục triệt để hậu quả của bom mìn sau chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
Cũng tại chương trình, Ban Tổ chức đã vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp cho công việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam./.
ĐCSVN
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/