Giáo dục nên đổi mới từ đâu?
Cập nhật lúc : 09:53 08/01/2016
Giáo dục luôn là chủ đề nóng, gây nhiều băn khoăn và lo lắng. Dư luận xã hội càng hoang mang hơn khi thời gian gần đây, nhiều cải tiến, đổi mới được ngành giáo dục áp dụng dường như đang mang lại những kết quả ngược. Nên đổi mới giáo dục từ đâu, như thế nào? Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu ý kiến của nhóm cựu ĐBQH về giáo dục liên quan đến vấn đề này.
Bài 1: Tránh cát cứ và thiếu dân chủ
Người ta đang cố gắng lượng hóa các tiêu chí (cho điểm) để đánh giá mức độ được rõ ràng, cụ thể thì học tập (trường học) - nơi chính thống có truyền thống lâu đời sử dụng thước đo là điểm số, nay lại “trừu tượng hóa” kết quả học tập, rèn luyện bởi những nhận xét định tính, chung chung.
Tránh độc quyền trong sách giáo khoa
Để biên soạn được chương trình và sách giáo khoa có chất lượng tốt, Bộ GD - ĐT cần huy động lực lượng chuyên gia của các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tham gia xây dựng và thẩm định cùng với các chuyên gia của Bộ. Để tránh tình trạng độc quyền, cát cứ, thiếu dân chủ và những tiêu cực trong việc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, Bộ không nên giao quyền chọn sách cho người đứng đầu Sở GD - ĐT hay trường, mà giao cho giáo viên từng lớp như ở các nước, hoặc cho tập thể giáo viên bộ môn từng trường, trên cơ sở tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh.
Về dạy tích hợp liên môn, các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp... đã thực hiện từ lâu. Việc xác định nội dung kiến thức liên quan đến hai hay một số môn để dạy chung, nhằm tăng hiệu quả giáo dục và tránh cho học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung nếu học từng môn riêng biệt. Nước ta cũng nên theo xu thế này. Vấn đề là Bộ GD - ĐT phải nêu ra được căn cứ lý luận và thực tiễn có tính thuyết phục cho giải pháp tích hợp liên môn ở các cấp học, môn học cụ thể. Đồng thời, Bộ cũng cần chỉ đạo các trường sư phạm sớm xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tích hợp.
Khắc phục dạy thêm tràn lan
Thông tư số 17/2012 ngày 16.5.2012 của Bộ GD - ĐT đã đề ra nhiều biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Bộ cần nghiên cứu, khắc phục những bất cập hiện nay. Thứ nhất, theo Thông tư 17 thì “dạy thêm” hoàn toàn đúng nghĩa với hai đối tượng thực sự có nhu cầu học thêm: Một là các em không đủ (thiếu nghiêm trọng) kiến thức cơ bản, không học thêm không thể tiếp nhận kiến thức mới. Hai là những em học giỏi, muốn học thêm để có thể thi vào các trường lấy điểm cao hoặc đi học nước ngoài. Trên thực tế, vì thủ tục cấp giấy phép dạy thêm còn cồng kềnh, nên ở nhiều nơi, người dạy đã “tự rút gọn” thành quy trình người học đóng tiền - người dạy nhận tiền, không có quản lý, phân phối lại như quy định của Thông tư 17. Do vậy, Bộ cần rút gọn thủ tục cả với người học và cả với người dạy thêm.
Thứ hai, Thông tư 17 quy định chung cho cả nước, nhưng trên thực tế chỉ các đô thị, đồng bằng, miền xuôi mới có dạy thêm thu tiền. Miền núi, vùng sâu, vùng xa (nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), thầy cô giáo phải gom học sinh lại để dạy bất kỳ khi nào các em có thể học được. Đây cũng là hình thức dạy thêm, học thêm nhưng lại chưa được Thông tư điều chỉnh. Do đó cần bổ sung vào Thông tư hoặc có một văn bản khác điều chỉnh thực tế này.
Thứ ba, Thông tư chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng giáo viên dạy thêm tràn lan, ép phụ huynh viết đơn xin học thêm và chủ ý để lại phần khó chỉ dạy trong giờ học thêm, buộc học sinh phải theo học.
Không trừu tượng hóa kết quả học tập
Trong nhiều lĩnh vực như đánh giá cán bộ, đảng viên, xem xét thi đua khen thưởng... người ta đang cố gắng lượng hóa các tiêu chí (cho điểm) để đánh giá mức độ được rõ ràng, cụ thể thì học tập (trường học) - nơi chính thống có truyền thống lâu đời sử dụng thước đo là điểm số, nay lại “trừu tượng hóa” kết quả học tập, rèn luyện bởi những nhận xét định tính, chung chung. Nói là không gây áp lực cho học sinh, nhưng không đánh giá bằng điểm số thì học sinh cũng không có hướng cố gắng, phấn đấu.
Với 8 điều về nội dung và cách thức đánh giá (từ Điều 5 đến Điều 13) trong Thông tư 30, thống kê đầy đủ thì có trên 100 tiêu chí (tiêu chí chính và tiêu chí cụ thể trong mỗi tiêu chí lớn), phần lớn phải được theo dõi hàng ngày mới đánh giá được. Trong một buổi hay trong một ngày học với sĩ số trung bình 45 học sinh/lớp, khó có giáo viên nào ghi chép được đầy đủ cho từng học sinh và cả lớp. Nhiều thầy cô vẫn căn cứ chủ yếu vào điểm kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm để nhận xét, đánh giá.
Do khó khăn cho cả thầy và trò, cho nên cần xem xét sử dụng lại “thước đo” điểm số kết hợp với nhận xét để đánh giá học sinh sẽ chính xác hơn; khi lên THCS, học sinh không bị bỡ ngỡ.
Học gì thi nấy
Bộ GD - ĐT cần thay đổi việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với tuyển sinh đại học, cao đẳng như hiện nay theo hướng giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD - ĐT và giao quyền quyết định phương thức tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng, với quy chế chặt chẽ, thống nhất.
Riêng về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước hết tất cả môn học trong chương trình phổ thông đều phải được đánh giá kết quả học tập một cách nghiêm túc, đầy đủ theo tinh thần “học gì thi nấy” chứ không phải “thi gì học nấy”. Đó là biện pháp bảo đảm cho học sinh thu nhận được đầy đủ kiến thức cơ bản và thầy cô có đủ nhiệt huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh (không thể coi những môn không thi như môn phụ rồi xảy ra tình trạng dạy cho xong, học cho qua). Còn giải pháp để tất cả các môn đều được dạy và học nghiêm túc là: Kiểm tra thường xuyên và lưu vào học bạ (học bạ nghiêm túc sẽ phản ảnh được chính xác trình độ học sinh). Học sinh không đủ điểm lên lớp thì phải lưu ban, kể cả lớp 12 (không đủ điều kiện thi tốt nghiệp thì không được thi). Điểu này cũng bảo đảm bằng tốt nghiệp của người học chất lượng hơn.
VNEN chỉ thí điểm với lớp ghép
Về mô hình trường học kiểu mới (VNEN), ý kiến chung không tán thành cách triển khai thời gian qua. Đây là mô hình dạy lớp ghép 2 - 3 trình độ. Ở nước ta, lớp ghép đa phần ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng VNEN lại được thí điểm “đại trà” tới hàng nghìn trường tiểu học và THCS ở cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, thí điểm kết thúc ngày 31.5.2016 mà hầu như không đem lại kết quả mong muốn. Bộ GD - ĐT nên tổng kết, đánh giá nghiêm túc và nếu có tiếp tục thì nên theo đúng mô hình là lớp ghép với diện thí điểm hẹp, hoàn toàn tự nguyện (không bị áp lực của việc giải ngân kinh phí). Chúng tôi được biết Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã có Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18.8.2016 chỉ đạo các địa phương theo tinh thần này. Đây là một việc làm thể hiện sự cầu thị của Bộ, rất đáng hoan nghênh.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/