In trang
Nhạc sĩ Lê An Tuyên.

Dù ở đâu, Tổ quốc vẫn trong lòng
Cập nhật lúc : 09:37 11/04/2014

Chương trình "Tình khúc Huế" mới đây của Ðài truyền hình Thừa Thiên- Huế giới thiệu: "Trên diễn đàn âm nhạc thời gian gần đây có khá nhiều ca khúc hay được viết bởi một nữ tác giả là Việt kiều đang sống tại Ðức. Dù sống xa quê hương hơn 20 năm nhưng hầu hết các sáng tác của chị viết về quê hương đều mang đậm hơi thở cuộc sống Việt Nam, nhất là âm hưởng dân ca miền trung đậm đà, sâu lắng. Ðó là Lê An Tuyên".

Lê An Tuyên sinh ra và lớn lên ở Cửa Hội (Nghệ An), nơi con sông Lam dùng dằng nửa muốn hòa nhanh vào đại dương bát ngát; nửa lưu luyến cội nguồn, nơi mỗi giọt nước, mỗi khúc quanh đều lắng đọng, thiết tha những câu hát đò đưa, ví dặm; soi bóng những tuổi xuân muôn thuở trong tình yêu đắm đuối làm ngọt cả dòng sông. Có phải An Tuyên vì thế, ngay từ nhỏ đã ở bể thì mơ nguồn, về nguồn lại nhớ bể; suốt đời chỉ khắc sâu một chữ "nhớ" khôn nguôi?

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, An Tuyên có người cậu ruột là nhạc sĩ Võ Văn Di, nghệ sĩ vi-ô-lông nổi tiếng một thời, tác giả của nhiều bài hát, trong đó có bài hát gắn liền với ngày 30-4, được nhiều người biết đến, đó là Bài ca thống nhất. Mẹ chị là một người hát dân ca. Năm 13 tuổi, An Tuyên được Ðoàn Văn công Tổng cục Chính trị tuyển, cử đi học ở Liên Xô (trước đây), nhưng thương mẹ, nhớ mẹ nên chị đã một mực ở nhà. Ðược ở bên mẹ, hát suốt ngày như một con dế nhỏ là hạnh phúc. Nhưng nào chị có được ở với mẹ mãi mãi như mong muốn. Bà mất sớm khi tóc chưa kịp bạc. Thêm một nỗi khắc khoải khôn cùng. Rồi cuộc đời đưa đẩy An Tuyên sang ngành kiến trúc, tuy cũng là một ngành nghệ thuật nhưng đã pha mùi sắt thép, kinh doanh. Và sang Ðức sinh sống, thành một người xa xứ... Xét về mặt thị giác, cái gì càng xa thì càng nhỏ dần cho đến khi mất hút. Chứ tâm giác thì không. Càng xa tình yêu ban đầu, người ta càng hằn sâu, càng yêu tha thiết, yêu ám, yêu ảnh suốt cả cuộc đời.

Và chị đã thật sự thành công. Mở đầu bằng Lời cỏ may, Ðinh Thành Lê đã hát trong Sao Mai 2007, sau này mọi ca sĩ nổi tiếng đều hát; tiếp đến là những ca khúc xao xuyến, lay động khác: Mùa thu sang, Sóng không từ biển, Nơi ấy quê nhà, Cửa Lò tình yêu và nỗi nhớ, Về đây với anh, Dòng sông tuổi hai mươi, Thương ơi điệu ví, Bến xưa, Sông và Anh, Khúc tình Huế, Lăng Cô biển đợi... Những bài hát đó đã được ghi và phát sóng nhiều lần trên Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, trong các chương trình âm nhạc lớn.

Lời cỏ may, bài hát đầu tiên trình làng và ngay lập tức nổi tiếng là một kỷ niệm về tình yêu. Tất nhiên đó là một đề tài đồng cảm; song điều đặc biệt hơn là chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ, hình ảnh trong bài hát này đậm đà tính dân tộc và tình người cũng sâu sắc hồn dân tộc: Anh nói, anh yêu em/Ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím/Nay em về toàn hoa cỏ may/Cỏ may níu chân người xa xứ/Găm vào lời đau/Lời đau, em trả cho anh/Cỏ may em thả ra sông/Sông Lam, sông Lam nước mặn xanh trong/Chảy đi sông ơi/Ơi con sông lòng mẹ bao dung/Lấp lánh đôi bờ dòng sông Cửa Hội/Lạ tiếng, lạ người trên đất lạ/ Em trở về với ngọt giọng đò đưa/à ơi...../Muối ba năm muối còn hãy mặn/Vị ngọt tình quê như dáng mẹ vẫn chờ...

Về Huế, nơi tưởng như mọi lời thơ, mọi giai điệu đẹp đẽ nhất đã được viết nên; An Tuyên vẫn có cái riêng của mình là lẫn vào cỏ cây, hoa lá, vào rêu phong thành quách và câu hát mà yêu: Văng vẳng ...câu hò.. ơ hò...gió mây cây cỏ cùng dừng lắng nghe... Ðêm sông Hương trăng đầy... thuyền bát ngát...Giọng ai khoan hò nhặt, song loan giữ nhịp tiếng lòng em. Huế ơi bao huyền thoại, nhớ thương một thời để lại, in vào thành quách rêu phong. Ai về Vĩ Dạ cùng em, nghe lá hoa ân tình kể chuyện...

Tôi xin dẫn lời của một người đang sống ở nước ngoài, chị Bùi Việt Hà khi nghe âm nhạc của Lê An Tuyên: "Chị ơi! Em rất trân trọng chị và những ca khúc của chị, vì không phải dân chuyên ngành sáng tác, không vì cơm áo gạo tiền đè nặng - những ca khúc của chị là cảm xúc thật sự, nên nó có một sức lan tỏa rất mạnh đối với người nghe. Như tất cả những người con sống xa xứ, trách nhiệm và nghĩa vụ vẫn đè nặng trên đôi vai, không thể đùa với cơm áo gạo tiền, nhưng sống đâu chỉ có vậy? Nên em càng yêu quý những tác phẩm của chị, nó chở nặng nỗi nhớ, niềm thương mỗi khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Nó để lại trong lòng người nghe sự day dứt, nhớ nhung, biết sống người hơn, đẹp hơn và Việt Nam hơn. Cảm ơn tình cảm chân thành của người chị rất tài hoa nhưng vô cùng tình cảm và dịu hiền"...

Ca sĩ Quế Thương, người hát thành công nhiều bài hát mang phong cách dân gian, trong đó có những bài hát của Lê An Tuyên, cảm nhận: "Những ca khúc từ đáy lòng của chị thật tuyệt vời. Chúng đang có sức lan tỏa lớn, rộng khắp đất nước Việt".

An Tuyên và Quốc Nam mới hoàn thành ca khúc Niềm tin gửi Trường Sa, Hoàng Sa trong đó toát lên hình ảnh người Việt Nam yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, luôn kiên trung, vững vàng; luôn thanh bình khi đất dưới chân mình là Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng, dù ở đâu, khi sống và viết, Lê An Tuyên cũng cảm thấy đất dưới chân mình là Tổ quốc. Khi mình yêu, thì không có gì mất được, xa được.


Nhân dân