In trang
Nguồn: mytour.vn

Dự án Luật Du lịch (sửa đổi): Gắn văn hóa với phát triển du lịch
Cập nhật lúc : 08:09 09/01/2016

Cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, những tồn tại, bất cập, yếu kém của ngành du lịch cần được khắc phục và giải quyết một cách căn cơ, với định hướng, chính sách rõ ràng, mang tính đột phá, bảo đảm du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chưa tương xứng với tiềm năng


Sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch, du lịch trong nước đã có bước tiến đáng khích lệ. Tính riêng năm 2015, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 7,94 triệu lượt; khách nội địa đạt 57 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng; có gần 19 nghìn cơ sở lưu trú với 355 nghìn buồng. So với thời điểm năm 2005 khi Luật Du lịch được ban hành, lượng khách quốc tế đã tăng hơn 2 lần, khách nội địa tăng gần 4 lần, tổng thu ngân sách từ du lịch tăng hơn 11 lần… Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Song vấn đề khiến nhiều Ủy viên UBTVQH băn khoăn là du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hiện nay, nếu lượng du khách từ Trung Quốc sang Việt Nam mới đạt 2 triệu, thì du khách từ Trung Quốc đến Thái Lan đã là 10 triệu. Gần đây, trong cuộc tiếp của Ủy ban Đối ngoại với Đoàn nghị sĩ Nhật Bản, nghị sĩ của bạn cũng chia sẻ thật rằng, họ chưa biết nhiều về sản phẩm du lịch của Việt Nam, từ danh lam thắng cảnh đến các di tích lịch sử, văn hóa. Nêu hai ví dụ cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là thực tế rất đáng suy ngẫm. Câu hỏi đặt ra đối với ngành du lịch là: Làm thế nào để du lịch phát triển đột phá, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu lớn hơn cho đất nước?

 

Thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về quy mô, chất lượng. Muốn vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển. Những hạn chế, bất cập được chỉ ra qua tổng kết 10 năm thi hành Luật cần được khắc phục. Những yếu kém trong khâu quản lý nhà nước dẫn tới hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh du lịch như chặt chém, cò mồi, chèo kéo, đeo bám khách… cần được chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt. Mục tiêu, quan điểm sửa Luật đã rõ ràng. Đáng tiếc, phần thể hiện trong dự thảo Luật lại chưa đạt được yêu cầu và mong muốn ấy.



Chính sách cần cụ thể và mang tính định hướng


Lấy ví dụ về Điều 5, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phân tích: Dự thảo Luật nêu 8 chính sách phát triển du lịch, nhưng đọc toàn bộ dự thảo lại không rõ những chính sách này là như thế nào? Dự thảo Luật ghi “Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng…”; “Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở đào tạo du lịch có chất lượng cao...”, nhưng lại chốt một câu: “Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Cho rằng, hầu hết những quy định tại Điều 5 mang tính chất hô hào, khẩu hiệu, trong khi đó lại liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, thì không biết sau này Chính phủ quy định chi tiết thế nào, Bộ nào chủ trì ban hành Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định hỏi. Đọc Điều 5 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định còn nhận thấy “có nội dung quy định khác” với Luật Đầu tư năm 2014. Đơn cử, tại Khoản 3, Điều 5, dự thảo Luật ghi: Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2014, các chính sách ưu đãi được áp dụng cả ở địa bàn khó khăn và địa bàn đặc biệt khó khăn. Như vậy, việc dự thảo Luật chỉ ghi “tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” là vừa thiếu, vừa thừa. Tương tự như vậy, hàng loạt quy định còn chung chung trong dự thảo Luật liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành… đã lần lượt được các thành viên UBTVQH thẳng thắn chỉ ra.

 

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ban soạn thảo cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, các luật chuyên ngành có quy định liên quan đến du lịch để quy định cụ thể ngay trong Luật. Những điều khoản nào cần thiết phải viện dẫn từ các luật khác cũng phải ghi rõ, tránh lặp lại câu chuyện cũ là luật nào cũng Nhà nước có chủ trương, khuyến khích, ưu đãi, động viên… nhưng đi vào cụ thể để thực thi thì rất khó.

 

Đặt phát triển du lịch trong mối quan hệ với văn hóa, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, hiện nay chúng ta phải trả rất nhiều tiền để cho 1-2 phút quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên các phương tiện thông tin lớn của nước ngoài, nhưng nếu lồng ghép được giữa quảng bá du lịch với văn hóa, điện ảnh… không những sẽ tiết kiệm được chi phí mà còn thu hút thêm khách du lịch. Đây là phương thức không mới mà nhiều nước trong khu vực đã và đang áp dụng có hiệu quả. Vừa qua, một số địa danh của Việt Nam như Quảng Bình, Hạ Long - Quảng Ninh, Ninh Bình đã được các nhà làm phim quốc tế chọn làm bối cảnh cho bộ phim bom tấn Kingkong. Dự báo sau khi được trình chiếu sẽ góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam. Nêu những ví dụ sinh động cụ thể, Chủ tịch QH nhấn mạnh: Phát triển du lịch không thể tách rời khỏi văn hóa thì mới thành công. Muốn vậy, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) phải tạo được khuôn khổ pháp lý, chính sách phải cụ thể hơn, mang tính định hướng để phát triển du lịch một cách bền vững, chứ không thể ghi chung chung là Nhà nước có chính sách ưu đãi này, khuyến khích kia, nhưng không rõ là chính sách gì và như thế nào.

 

Từ nay đến khi trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới, thời gian không còn nhiều. Nhiệm vụ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật đang đặt lên vai của cơ quan soạn thảo.

 

Khai thác du lịch hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Biển của chúng ta, rừng của chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực, nhưng lượng khách du lịch đến với chúng ta ít hơn hoặc đến một lần rồi đi. Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) phải giải quyết được những vấn đề này. Có như vậy, sau khi Luật ban hành, hoạt động du lịch sẽ phát triển tốt hơn, có chất lượng hơn theo hướng hiện đại, thu hút được nhiều khách hơn và đã đến rồi sẽ quay trở lại.  Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Đại biểu nhân dân