In trang
PGS.TS Hoàng Văn Cường Ảnh: Vũ Anh

Đổi mới phải bắt nguồn từ triết lý giáo dục
Cập nhật lúc : 08:45 05/05/2016

Mỗi dịp, khi năm học cũ khép lại, chuẩn bị bắt đầu năm học mới thì câu chuyện chất lượng giáo dục chưa bao giờ cũ. Và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam luôn là chủ đề mang tính thời sự. Chúng tôi có buổi trao đổi với Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân về vấn đề này.

Nền tảng của giáo dục bắt đầu từ câu hỏi: Học để làm gì?


Theo đánh giá của một số chuyên gia, giáo dục - đào tạo hiện nay của chúng ta còn những hạn chế, yếu kém, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nguyên nhân của vấn đề trên là gì, thưa ông?


PGS.TS Hoàng Văn Cường: Tôi xin được bắt đầu bằng một ví dụ nhỏ. Rất nhiều người từ thế hệ ông bà, đến những phụ huynh trẻ tuổi, câu hỏi đầu tiên dành cho con là: Hôm nay con được mấy điểm? Nếu biết con được 9 hay 10 điểm thì rất vui và khen con mình giỏi quá. Điều đó sẽ đúng khi lấy điểm số làm thước đo.Nhưng các phụ huynh không mấy ai quan tâm đến quá trình làm thế nào để con mình đạt được điểm và điểm số ấy nói lên điều gì?

 

Đó là một trào lưu không chỉ của các bậc phụ huynh mà lan ra toàn xã hội- trào lưu chỉ quan tâm đến điểm số. Cách đạt được điểm số ấy là gì? Là phải thuộc bài. Hôm nay thuộc bài, ngày mai đi thi rập khuôn thế là đạt điểm cao. Ngày mai thi thì hôm nay học, nếu không thi thì không học. Đó là quan niệm học để thi lấy điểm. Cách học như thế làm hạn chế khả năng sáng tạo của học sinh.

 

Và chúng ta đang quên mất nền tảng của giáo dục bắt đầu từ câu hỏi rất đơn giản: Học để làm gì?


PGS.TS Hoàng Văn Cường: Ở những nước tiên tiến, triết lý giáo dục của họ là học để biết, học để làm, học để ứng dụng vào cuộc sống. Hôm nay bạn học được điều gì? Tại sao cái này bạn lại không biết? Từ quan điểm đó, người ta đánh giá chất lượng học sinh không phải bằng kỳ thi, mà đánh giá theo cả quá trình tiếp nhận kiến thức của học sinh.

 

Hiện nay nhiều người cho rằng giáo dục đang chạy theo thành tích, nhưng theo tôi, sâu xa là do quan niệm giáo dục hay triết lý về giáo dục không chuẩn tắc.

 

Hệ quả của việc lệch chuẩn về triết lý giáo dục là gì, thưa ông?


PGS.TS Hoàng Văn Cường: Hiện nay, chúng ta đều thấy học sinh phổ thông phải học sáng, học chiều, học thêm… có thể gọi là gánh nặng học tập. Quỹ thời gian của các em quá tải. Các em không còn thời gian vui chơi, chuyển đổi kiến thức đã học vào cuộc sống.

 

Giáo dục phổ thông không phải là cung cấp cho học sinh kiến thức cao siêu. Đó phải là những kiến thức thiết thực, gắn với đời sống thường ngày, liên quan mật thiết với cuộc sống. Như thế mới gọi là “phổ thông”. Những kiến thức xa rời cuộc sống biết mà không để làm gì cả thì học sinh cũng không muốn biết. Điều này giúp chương trình giáo dục không quá tải.

 

Từ việc học để lấy điểm để thi dẫn đến môi trường học tập cứng nhắc. Nếu một em học sinh vào lớp 10A1 thì em sẽ ngồi học đến 12A1 như tất cả các bạn khác. Các môn học giống nhau vô hình trung tạo nên gánh nặng học tập, và triệt tiêu khả năng phân luồng, định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

 

Nếu chỉ thay đổi một khâu nào đó thì không hiệu quả


Để đổi mới toàn diện nền giáo dục chúng ta nên bắt đầu như thế nào, thưa ông?



PGS.TS Hoàng Văn Cường: Đổi mới phải bắt nguồn từ triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục: Học để làm gì? Ví dụ: Nếu chúng ta dạy những gì học sinh cần, học sinh muốn học, tạo thành kỹ năng cho học sinh. Từ đó sẽ dẫn đến chương trình phổ thông giảm tải, đi học không chạy theo điểm, không coi trọng việc phải thi, không còn phải học thêm, dạy thêm…

 

Muốn thay đổi triết lý này đòi hỏi trước hết cần thay đổi tư duy, nhận thức của ngành giáo dục, của thầy cô, học sinh và cả xã hội. Nếu chỉ thay đổi một khâu nào đó thì không có hiệu quả.

 

Thực tế, ngành giáo dục đã nhận ra điều này và đã làm. Ví dụ: Cấp giáo dục tiểu học, người ta không chấm điểm, mà cho bông hoa. Nhưng theo tôi, thay đổi đó chỉ là hình thức chứ chưa phải là bản chất. Điều cần thiết là phải đánh giá cả một quá trình. Nếu học sinh đến lớp phát biểu một ý kiến hay sẽ được ghi nhận, khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi, tự trả lời, biến kiến thức của thầy thành của mình. Nếu chúng ta thay đổi quan niệm thì nhiều kì thi không cần nữa. Ví dụ: Nếu chúng ta làm đánh giá quá trình 12 năm học thì sẽ không cần đến kì thi tốt nghiệp lớp 12.

 

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Hoàng Văn Cường!

 

Đại biểu nhân dân