In trang
Nguồn: cucnghethuatbieudien.gov.vn

Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị nghệ thuật công lập: Giẫm chân tại chỗ
Cập nhật lúc : 08:24 02/03/2016

Cả nước có 130 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó 18 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Mặc dù Nghị định số 40/NQ-CP được ban hành từ năm 2012, nhưng theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập ở địa phương hầu như giẫm chân tại chỗ.

Tư duy bao cấp nặng nề


Ông Nguyễn Đăng Chương kể: “Có lãnh đạo địa phương cho biết tỉnh đủ nguồn lực để nuôi vài đoàn nghệ thuật hiện có. Đó là nhận thức sai lầm, tư duy bao cấp trì trệ, kìm hãm sự sáng tạo. Tư duy trông chờ vào ngân sách nhà nước còn ngấm sâu vào những người quản lý đơn vị nghệ thuật và bản thân nghệ sĩ. Khi tư duy bao cấp nặng nề và chưa nhận thức ra được thì rất khó thực hiện”. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập ở địa phương chưa thể triển khai. Bên cạnh đó là bất cập về chế độ, chính sách. Một loạt nghệ sĩ hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu nằm trong biên chế, hưởng lương mà không hoạt động được, trở thành rào cản. Đội ngũ sáng tạo không nằm trong biên chế phải nuôi đội ngũ đã hết sức sáng tạo. Các địa phương thì thiếu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Muốn đơn vị nghệ thuật tự chủ, các tỉnh, thành phố phải đầu tư trụ sở, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, phương tiện tối thiểu, là nền tảng để cho các đơn vị ra “ở riêng”. Nếu tự chủ mà không có trụ sở, cơ sở vật chất tối thiểu, làm sao họ biểu diễn được?

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 12 đơn vị trực thuộc, tính đến năm 2015 có 2 đơn vị tự chủ 100% (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam); 3 đơn vị tự chủ 30% (Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam), năm 2016 sẽ cắt giảm tiếp 30% và tới năm 2017 tự chủ 100%. Cũng trong năm 2016, các đơn vị còn lại đều thực hiện tự chủ, theo lộ trình cắt giảm 30%. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, ban đầu tập thể lãnh đạo và các nghệ sĩ gặp khó khăn trong việc thích hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc tự chủ cũng tạo nền tảng để các đơn vị thích nghi với quy luật xã hội, thích nghi với nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sáng tạo, giải tỏa sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm từ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, khi tự chủ, các đơn vị năng động, hoạt động đa dạng, phong phú hơn; phát huy được sức sáng tạo, doanh thu lớn hơn, đời sống của nghệ sĩ cao hơn; qua đó huy động nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

 

Đặt hàng để có tác phẩm đỉnh cao


Cục Nghệ thuật biểu diễn đang đề nghị thực hiện cơ chế đặt hàng với các đơn vị nghệ thuật. Bởi trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự sống còn của đơn vị nghệ thuật phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Chất lượng tác phẩm tốt thì bán được vé, doanh thu cao, có nguồn lực tái đầu tư sáng tạo, nâng cao đời sống của nghệ sĩ. “Hiện nay, có tình trạng ngân sách nhà nước cấp chi vào hành chính quá nhiều, không chi bao nhiêu cho tác phẩm. Nghệ sĩ trông vào đồng lương và sống bằng nghề khác, nhiều năm không có tác phẩm đỉnh cao. Nhà nước đặt hàng tác phẩm sẽ giúp các đơn vị tái sáng tạo” - ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định. Bên cạnh đó, phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho người đứng đầu của đơn vị nghệ thuật công lập, từ cơ sở vật chất, thiết chế, bộ máy, tuyển dụng, liên kết liên doanh, phương thức sáng tạo. Nếu tự chủ về tài chính mà không tự chủ về cơ chế tổ chức thực hiện, quản lý, thì không thể có điều kiện phát huy.

 

Việc đổi mới hoạt động của các đơn vị nghệ thuật theo hướng tự chủ có thể khiến nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống, vốn đã gặp khó khăn về khán giả, nguồn thu từ biểu diễn, có nguy cơ không trụ nổi trong cơ chế mới. Theo thống kê, các đơn vị nghệ thuật truyền thống, đa số nghệ sĩ thường trên 40 tuổi. Vừa qua, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ban hành đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Đề án sẽ triển khai trên toàn quốc trong năm 2016, để có những nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm đỉnh cao phục vụ nhân dân, và là nguồn lực để đơn vị nghệ thuật tự chủ.

 

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Trong cơ chế thị trường, tự chủ về kế hoạch, ngân sách làm cho các đơn vị nghệ thuật năng động. Các nghệ sĩ cần có nhiều tìm tòi, sáng tạo, mô hình hoạt động để đưa nghệ thuật Việt Nam phát triển, có nhiều chương trình hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có những loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống, Nhà nước không thể thả nổi, vẫn phải “nuôi” để giữ. “Nuôi” giá trị nghệ thuật, để hay rồi phải hay hơn; biểu diễn có tính chuyên nghiệp, sân khấu, ánh sáng, đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả trong xu thế bùng nổ thông tin. Bên cạnh đó, việc xác định thế nào là tác phẩm đỉnh cao cũng cần xem xét, định hướng đúng…


Đại biểu nhân dân